'Giải phóng rồi, hòa bình rồi!...'

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 30/4/1975, tin giải phóng miền Nam được lan truyền khắp cả nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, non sông thu về một mối. Thời khắc ấy, người dân cả nước vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc.
KÝ ỨC CỦA NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), với những người từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì ký ức hào hùng về đại thắng mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí.
Cuộc hành quân thần tốc
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ở đường Võ Tùng, tổ dân phố 1, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Dần (75 tuổi) - nguyên là trinh sát Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng (Quân khu 5) vẫn nhớ như in ngày 30/4/1975 lịch sử. Ông Dần kể, năm 1970, ông nhập ngũ và đảm nhiệm vai trò lính trinh sát của Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng, đóng quân tại huyện Hoài Ân (Bình Định). Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 là cắt đường chi viện của địch lên Tây Nguyên và chặn đánh tàn quân của địch từ chiến trường Tây Nguyên chạy xuống. Sau 28 ngày đêm liên tục tấn công và nổi dậy, đơn vị đã cùng quân và dân tỉnh Bình Định đánh chiếm, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định vào ngày 31/3/1975.

Ông Nguyễn Văn Dần, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) nâng niu bức ảnh chụp cùng đồng đội. Ảnh: ÁI KIỀU
Một tuần sau khi giải phóng Bình Định, đơn vị của ông Dần nhận được lệnh hành quân về Sài Gòn, với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Đơn vị đã hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn, trên xe và mũ của mỗi cán bộ, chiến sĩ đều có khẩu hiệu “Thần tốc, thần tốc”. Trên đường hành quân thần tốc, gặp quân địch ở đâu, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 2 lại chặn đánh đến đó. Đến địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 đã chiến đấu và bắt sống được 2 tướng của địch rồi tiếp tục hành quân, tham gia chiến đấu ở Xuân Lộc (Đồng Nai), cửa ngõ then chốt của Sài Gòn.
Đến trưa ngày 30/4/1975, khi ông Dần cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 đang ở cửa ngõ phía đông bắc của Sài Gòn thì nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc này chúng tôi reo hò vui mừng khôn xiết “Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!”. Trong giây phút thiêng liêng ấy, ông Dần và các đồng đội ôm nhau mừng rơi nước mắt, người dân thì đổ ra đường cầm cờ chạy mừng chiến thắng. Nhiều loạt đạn chỉ thiên vang lên mừng đất nước hòa bình, non sông thu về một dải.
Ngày đất nước thống nhất, hạnh phúc trào dâng
Ông Vương Đình Bường (73 tuổi) - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi, hiện sống ở phường Phổ Ninh (TX.Đức Phổ) kể lại rằng, sau ngày giải phóng Quảng Ngãi (24/3/1975), ông cùng với đồng đội ở Quân đoàn 4 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi ấy, ông Bường là lính trinh sát pháo binh. Đơn vị của ông hành quân suốt ngày đêm theo đường Một tiến vào Sài Gòn. Ông Bường cùng đồng đội đã tham gia trận đánh ở Xuân Lộc (Đồng Nai), nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Sau đó, đơn vị tham gia tiếp quản Trảng Bom (Đồng Nai) sau trận đánh ác liệt và quân ta đã giành chiến thắng. Đây là trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh ở hướng đông Sài Gòn.

Ông Vương Đình Bường, ở phường Phổ Ninh (TX.Đức Phổ) xúc động khi kể về ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn. ảnh: tRÚC LAM
Trưa 30/4/1975, khi xe tăng mang số hiệu 390, thuộc Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 tiến vào húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập, lúc này đơn vị của ông Bường vừa đến Sài Gòn. “Lúc vào gần đến Sài Gòn, người dân ở hai bên đường chạy ra vui mừng báo tin: “Các chú ơi, Dương Văn Minh đã tuyên bố ngừng bắn. Lúc đó là 9 giờ 30 phút, tôi biết chính xác thời gian vì có đồng hồ. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Anh em ai cũng vui mừng, không sao diễn tả hết. Các anh hô vang: Sài Gòn ơi ta đã về đây!”, ông Bường nhớ lại.
Hai bên đường phố Sài Gòn lúc bấy giờ rợp cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Người dân vui mừng chào đón quân giải phóng. Đơn vị của ông Bường đã gặp một nữ biệt động mặc áo tím, cổ quấn khăn rằn, chạy xe honda - người có đặc điểm nhận dạng giống như trước đó đơn vị đã được báo tin là sẽ dẫn đường vào trung tâm thành phố. “Đi đường nào đến Dinh Độc Lập?” - một anh trong đoàn quân giải phóng hỏi. “Các anh đang đi trên Đại lộ Thống Nhất, đại lộ này dẫn đến Dinh Độc Lập. Dinh Độc Lập đã ở trước mặt các anh rồi đó”, nữ biệt động đáp lời.
Đơn vị của ông Bường được giao nhiệm vụ đóng quân tiếp quản ở sân vận động Hoa Lư. “Không có giấc ngủ nào ngon hơn giấc ngủ sau 30/4. Anh em gối đầu lên hòm đạn, lên ba lô, lên dép... nằm ngủ ở bất kể chỗ nào có thể nằm được. Hạnh phúc không tả nổi”, ông Bường nói. Tối 6/5/1975, tại sân vận động Hoa Lư, các trường học tổ chức “Đêm không ngủ” để sáng 7/5/1975 đón chào Ủy ban Quân quản TP.Sài Gòn - Gia Định, do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Những ngày đầu ở Sài Gòn sau giải phóng, ông Bường đi tìm một đồng đội tên Đặng Đình Hướng, quê tỉnh Phú Thọ, người đã cùng ông chiến đấu trong những tháng ngày ở Trường Sơn. Cả hai hẹn gặp nhau sau ngày đất nước thống nhất. Và rồi, ông Bường ngậm ngùi khi biết tin đồng chí Hướng đã hy sinh trong trận đánh tại khu vực Lăng Cha Cả (Sài Gòn). Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tại Lăng Cha Cả vẫn còn diễn ra một trận đánh ác liệt đến tận giờ chót của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Thời gian có thể qua đi, nhưng ký ức về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, về đường Trường Sơn huyền thoại không thể phai mờ trong tôi”, ông Bường xúc động nói.
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn!
Bệnh binh Bùi Minh Phương (77 tuổi) - nguyên Trung đội trưởng, Trưởng ban Xăng xe, Quân đoàn 4, hiện ở thôn Tân Đức, xã Bình Châu (Bình Sơn) là một trong những CCB ở Quảng Ngãi tham dự Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành và chương trình nghệ thuật tại TP.Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Bùi Minh Phương, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) kể về cuộc đời binh nghiệp của ông cho đứa cháu. Ảnh: TR.PHƯƠNG
Ông Phương kể, hơn 10 năm chiến đấu nơi chiến trường ác liệt, hành trang trở về sau ngày thống nhất đất nước của tôi là cuốn Lý lịch quân nhân đã sờn cũ - như một cuốn hồi ký lưu giữ cả một đời binh nghiệp. Năm 1971, ông rời miền Bắc vào Nam chiến đấu và đã trải qua nhiều trận chiến ác liệt. “Khi nhận nhiệm vụ vào tiếp quản Sài Gòn, tôi cùng đồng đội hừng hực khí thế. Ai cũng mong hoàn thành nhiệm vụ thật nhanh để sớm bàn giao lại cho dân quản. Chỉ trong chưa đầy một tháng, nhờ làm tốt công tác dân vận, chúng tôi đã hoàn thành công tác tiếp quản, ổn định tình hình tại Sài Gòn và bàn giao lại cho dân quản để trở về đơn vị”, ông Phương nhớ lại.
Giây phút Sài Gòn được giải phóng, cả đơn vị vỡ òa hạnh phúc. Để có được hòa bình, quân và dân ta phải đánh đổi bằng máu và nước mắt, biết bao người anh dũng hy sinh. Hơn 10 năm tham gia chiến đấu, ông Phương và đồng đội mong chờ ngày này biết bao. Giờ đây, ngồi giữa tiếng cười đùa của cháu con, ông kể lại từng chiến công, từng trận đánh, không phải để nhắc lại hào quang, mà là để lớp trẻ hôm nay hiểu rằng, nền hòa bình chúng đang sống là cái giá quá lớn mà thế hệ cha ông đi trước đã đánh đổi.
“Tròn 50 năm sau ngày giải phóng, tôi trông chờ được trở lại chiến trường xưa để gặp đồng đội, thắp nén nhang cho những đồng đội đã ngã xuống. Những năm tháng của chiến tranh khốc liệt, tôi cùng đồng đội đã chia ngọt sẻ bùi, cùng động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách để góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975”, ông Phương chia sẻ.
NIỀM VUI NGÀY CHIẾN THẮNG
Hòa niềm vui chung của cả nước ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ở Quảng Ngãi đâu đâu cũng ngập tràn niềm vui. “Giải phóng rồi, hòa bình rồi!...”, câu nói ấy vang vọng khắp nơi.
Mong ước đã thành hiện thực
Thời khắc 50 năm về trước, CCB Trần Tin (78 tuổi), ở tổ dân phố 3, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) - nguyên Đại đội phó Quân sự, Đại đội 3, Trung đoàn 4 (Sư đoàn 320B) nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh, cảm xúc trong ông như vỡ òa. Tham gia cách mạng vào năm 1964, sau đó ông được điều động ra miền Bắc, đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường để bổ sung lực lượng cho các chiến trường miền Nam. Nhớ lại thời khắc đài phát thanh vang lên tiếng của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, niềm hân hoan, rạo rực vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người lính năm xưa, song trong ông vẫn có những phút giây lắng đọng khi nhớ đến những đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Ông Tin bảo rằng, chiến thắng 30/4 là tất yếu, là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Con đường mà cả dân tộc đã đi qua để có ngày toàn thắng là con đường đầy gian khổ, phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ.

Nhân dân Quảng Ngãi dự mít tinh mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại sân vận động Diên Hồng (khu vực Trung tâm Thanh thiếu nhi Diên Hồng ngày nay). Ảnh: Vũ Doanh Dzụ
Tròn nửa thế kỷ sau ngày quê hương giải phóng, ký ức về những ngày tháng oanh liệt vẫn luôn trong tâm trí ông Nguyễn Hồng Sơn (75 tuổi) - nguyên Chính trị viên Đơn vị 65, Huyện đội Tư Nghĩa. Ông Sơn bảo rằng, trong kháng chiến, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh lắm, nhưng không ai chùn bước. Tất cả đều sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Với vai trò Chính trị viên, ông Sơn không chỉ là người truyền lửa tinh thần mà còn trực tiếp chỉ huy những trận đánh khốc liệt, nơi mà máu và nước mắt hòa quyện cùng tiếng súng và khói lửa.
Ông Sơn kể, Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 như tiếng sét giữa trời quang, mở đầu cho bản hùng ca đại thắng mùa Xuân năm 1975. “Quân ta đánh đâu thắng đó”, ông Sơn nhấn mạnh. Từ Quảng Ngãi đến Huế, rồi Đà Nẵng lần lượt được giải phóng trong khí thế bừng bừng. Đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975. Mong ước ngày hòa bình, đất nước thống nhất của toàn quân, toàn dân ta đã trở thành hiện thực, kết thúc 21 năm dài đằng đẵng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với biết bao mất mát, đau thương. Ngày 30/4/1975 là ngày toàn dân tộc Việt Nam vang khúc khải hoàn.
Giọt nước mắt hạnh phúc
Bà Lê Thị Mỹ (76 tuổi), ở thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) kể, tôi sinh ra khi đất nước chìm trong lửa đạn chiến tranh. Từ thuở ấu thơ, tôi đã chứng kiến những tội ác man rợ của quân xâm lược. Chúng đã tiến hành những cuộc càn quét, đánh đập, hãm hiếp, tra tấn dân lành dã man... từ đó đã hun đúc trong tôi ngọn lửa căm thù. Năm lên 10 tuổi, tôi đã tham gia hoạt động cách mạng. Gian khổ, hiểm nguy nhưng trong tôi luôn vững tin quân ta sẽ chiến thắng, đất nước sẽ hòa bình, độc lập. Nhắc lại thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, bà Mỹ xúc động kể: “Hôm đó, tôi cùng các đồng đội ngồi quây quần bên chiếc radio nghe bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975. Khi bài hát “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vang lên, tất cả òa khóc trong niềm vui khôn tả. Với tôi, tin thắng trận không chỉ là khúc khải hoàn của đất nước, mà còn là khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời, được trở về, được ôm lấy mẹ cha, người thân sau bao năm xa cách.
Giữa những ngày tháng Tư chan hòa nắng, ông Nguyễn Trợ Tâm (72 tuổi), ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) ngồi bên hiên nhà xem truyền hình về hình ảnh chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành tại TP.Hồ Chí Minh nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Tôi là chiến sĩ của Trung đội 3, Đại đội 75, thuộc Huyện đội Tư Nghĩa. Sau khi giải phóng Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ cầu Sông Vệ, bảo vệ cho quân giải phóng hành quân tiến về Sài Gòn. Từng đoàn quân cùng xe tăng, pháo, tên lửa... nườm nượp hành quân suốt ngày đêm. Người dân đổ ra chật đường tiếp tế lương thực cho bộ đội, hô to: “Hoan hô quân giải phóng”. Đến trưa 30/4/1975, khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi và đồng đội ôm nhau khóc. Không ai nói nên lời, chỉ khóc... vì mừng. Đất nước mình sạch bóng quân thù rồi”, ông Tâm bồi hồi.
Quảng Ngãi ngày 30/4/1975 rợp cờ hoa. Tiếng hò reo, tiếng nói cười vang lên khắp nẻo đường. “Giải phóng rồi, hòa bình rồi!...”, câu nói ấy vang vọng. Đó không chỉ là ngày của chiến thắng, mà còn là ngày đoàn tụ, ngày mà giấc mơ hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202504/giai-phong-roi-hoa-binh-roi-a090618/