Đặt sức khỏe lên hàng đầu

Rất nhiều mặt hàng thực phẩm, đặc sản được các cơ sở tăng tốc sản xuất cung ứng thị trường Tết. Các cơ quan chức năng triển khai nhiều đoàn kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở kinh doanh trong việc đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật…

 Đến thời điểm này, lực lượng chức năng chưa phát hiện việc sử dụng hàn the trong nem, chả trên địa bàn thành phố

Đến thời điểm này, lực lượng chức năng chưa phát hiện việc sử dụng hàn the trong nem, chả trên địa bàn thành phố

Chưa phát hiện nem chả có hàn the

Những ngày cuối năm, chúng tôi cùng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) thực tế ở nhiều cơ sở làm nem chả truyền thống khu vực quận Phú Xuân. Qua trò chuyện, hầu hết chủ cơ sở sản xuất đều nhận thức rõ hậu quả của việc sử dụng chất cấm hàn the, mà vụ việc ở Đà Nẵng vừa qua là minh chứng.

Cơ sở Đông Ba ở đường Đào Duy Anh đăng ký sản xuất pa tê, thịt nguội, nem chả, bánh mì… cung cấp cho các cửa hàng mì ổ cho anh chị em trong gia đình ở chợ Đông Ba, đường Đinh Tiên Hoàng, Chi Lăng, Đào Duy Anh… Sản lượng một ngày đơn vị này cung ứng ra thị trường khoảng 30kg pa tê, 15kg chả da, 15kg thịt nguội. Ông Mai Công Hóa, chủ cơ sở thông tin: “Chúng tôi chỉ dùng phụ gia muối đỏ và tỏi khô có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ đầy đủ. Nguyên liệu thịt đầu vào cũng có hợp đồng, ghi sổ theo dõi rõ ràng xuất - nhập từng ngày. Nhận thức rõ tầm quan trọng ATTP nên tôi đã đầu tư các thiết bị phục vụ sản xuất cũng như bám các quy định của pháp luật ở lĩnh vực này”.

Đoàn kiểm tra không phát hiện có hàn the trong sản phẩm song lưu ý ông Hóa, đây là mặt hàng có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, như một số thương hiệu lớn đã xảy ra trong cả nước thời gian qua. Do đó, cần cẩn trọng trong vận chuyển, bảo quản, nhất là pa tê và sốt tự làm. Muối đỏ, tỏi khô, chất tạo màu là phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, song phải tuân thủ liều lượng khuyến cáo, tuyệt đối không dùng chất cấm.

Tương tự, tại cơ sở nem chả 25 Đào Duy Từ chuyên mặt hàng nem, chả, tré, qua kiểm tra nhanh, cơ quan chức năng không phát hiện sản phẩm nào sử dụng chất cấm. Bà Lê Thị Thu, chủ cơ sở này chia sẻ: “Nhà tôi làm nem, chả từ năm 1948, sau đó tôi kế nghiệp từ cha mẹ. Việc sản xuất hầu hết do các thành viên trong gia đình đảm nhận. Để sản phẩm ngon tôi tính toán tỷ lệ nạc, da, mỡ… phối trộn gia vị theo bí quyết truyền lại. Mình phải đảm bảo chất lượng để giữ thương hiệu cho gia đình”.

Trong khi nhiều nơi chấp hành nghiêm túc thì tại một cơ sở sản xuất chả trên đường Xuân 68, phường Thuận Lộc, đoàn kiểm tra xử phạt hành chính và đình chỉ sản xuất. Ông Dương Xuân Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVS thực phẩm Sở Y tế giải thích rõ với chủ cơ sở các nguy cơ xảy ra khi người sản xuất không mang dụng cụ, chế biến sát đường bụi bặm, thực phẩm để dưới đất, nguyên liệu không có giấy tờ hợp đồng rõ ràng… Cơ sở này từng được kiểm tra, nhắc nhở song không khắc phục. Ông Hồng nhấn mạnh: “Phải đặt sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết, do đó, yêu cầu tạm ngưng sản xuất cho đến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định”!

Khuyến khích, tạo điều kiện sản xuất

Thời điểm này là mùa cao điểm sản xuất mứt gừng bán Tết. Sản phẩm mứt gừng Huế đã có mặt ở nhiều thị trường. Cơ sở mứt gừng Nguyễn Thị Nguyệt trên đường Hồ Văn Hiển, phường Kim Long hàng năm đều xuất hàng đi siêu thị ở Huế và Quảng Nam. Bà Nguyệt, chủ cơ sở giải thích hiện sức tiêu thụ mứt gừng còn chậm phần vì kinh tế khó khăn, phần vì có nhiều cơ sở sản xuất cạnh tranh. Qua khảo sát thực tế, đoàn đề nghị gia đình nên đầu tư thêm ở khu vực chế biến, sản xuất tách biệt với khu vực sinh hoạt, chuyển sang công đoạn nấu mứt bằng ga, tăng ánh sáng điểm đóng gói mứt, cải tiến mẫu mã bao bì để nhận diện thương hiệu tốt hơn cũng như giữ nghề truyền thống…

Khác với hộ bà Nguyệt, hộ kinh doanh bánh lọc, mứt gừng, sản phẩm kho tộ của ông Lê Hữu Đức ở đường Cần Vương đầu tư khá bài bản. Trước đây, điểm sản xuất cũ ông Đức ở đường Tăng Bạt Hổ khá chật chội; sau khi được kiểm tra, nhắc nhở ông đã chuyển về nơi sản xuất mới, quy trình khép kín, rộng rãi, thoáng mát. Mỗi ngày gia đình ông Đức làm khoảng 2 tạ mứt thành phẩm phục vụ thị trường. Gia đình đã khắc phục nhiều thiếu sót trước đây trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đồng thời, làm lại nhãn hiệu cho thống nhất với giấy đăng ký kinh doanh”.

Phần lớn, các cơ sở sản xuất các mặt hàng thực phẩm Tết trên địa bàn đều nhỏ lẻ, thủ công và mang tính thời vụ, một số thủ tục giấy tờ thực hiện chưa đúng quy định, hợp đồng cung ứng nguyên liệu chưa rõ ràng giao - nhận, quy trình sản xuất chưa bài bản… Do đó, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, hỗ trợ tối đa để các cơ sở này làm tốt hơn. Theo Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP thành phố, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết và lễ hội xuân 2025. Trong khi đó, ở tuyến cơ sở, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành cũng đồng loạt ra quân nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ATTP.

Bài, ảnh: L. TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/dat-suc-khoe-len-hang-dau-150258.html