Đặt tên các xã, phường mới theo địa danh, đáp ứng nguyện vọng của cử tri
Ngày 28/4, HĐND tỉnh Bình Định, Đồng Tháp và Cà Mau tổ chức Kỳ họp để thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng trên các lĩnh vực, giải quyết những công việc mang tính cấp bách với những nội dung bức thiết, quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bình Định: Các xã, phường mới được đặt tên theo địa danh

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chủ trì và phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN
Tại Kỳ họp thứ 23 (chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định. Từ nguyện vọng của cử tri, các xã, phường mới đã bỏ cách đặt tên theo số thứ tự hoặc Đông, Tây, Nam, Bắc mà được đặt lại tên theo địa danh.
Theo đó, dự kiến, toàn tỉnh sẽ còn 58 đơn vị hành chính (gồm 41 xã, 17 phường); giảm 97 đơn vị hành chính (gồm 74 xã, 11 phường, 12 thị trấn), đạt 62,58%. Mỗi tên gọi địa phương gắn với địa danh, lịch sử phát triển và con người; đồng thời, gắn với truyền thống địa phương để dễ nhận diện. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn tận dụng các địa danh nổi tiếng và gắn thêm Đông, Tây, Nam, Bắc.
Trước đó, ngày 21/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất thông qua Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của cử tri, đến ngày 26/4, 7 huyện (gồm: Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh) và thị xã Hoài Nhơn đã báo cáo xin điều chỉnh phương án tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Cụ thể, điều chỉnh phương án sắp xếp đơn vị hành chính đối với 2 xã thuộc huyện Phù Mỹ; điều chỉnh tên gọi 40 xã, phường thuộc thị xã Hoài Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho rằng, việc đặt lại tên xã, phường thể hiện được trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với lịch sử. Do đó, những tên mới đạt cho các xã, phường theo tên lịch sử, văn hóa, truyền thống, ký ức ngày xưa đã xuất hiện trong đợt này.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai, lấy tên là tỉnh Gia Lai (Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định) với sự nhất trí cao của đại biểu HĐND tỉnh. Đồng thời, HĐND tỉnh đã thông qua 14 nghị quyết trên các lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư công; đặc biệt là bố trí nguồn lực đối ứng cho Dự án tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - công trình trọng điểm có ý nghĩa chiến lược trong phát triển liên kết vùng của tỉnh và một số nghị quyết quan trọng khác.
Đồng Tháp: Sắp xếp 45 đơn vị hành chính cấp xã

Chủ tọa biểu quyết tại Kỳ họp đột xuất HĐND tỉnh Đồng Tháp lần thứ mười bốn. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN
HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp đột xuất lần thứ 14 và thông qua 8 nghị quyết. Nổi bật là Nghị quyết biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp và Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở sắp xếp tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp (Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại tỉnh Tiền Giang).
Sau khi sắp xếp, tỉnh Đồng Tháp có 45 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 7 phường, 38 xã); giảm 96 đơn vị hành chính cấp xã, phường, đạt 68,09%. Tất cả xã, phường đều bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp theo quy định hiện hành.
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho biết, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lấy ý kiến cử tri và đề nghị HĐND cấp huyện, cấp xã nơi có đơn vị hành chính được sắp xếp biểu quyết chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Qua tổng hợp kết quả, cử tri và đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nơi có đơn vị hành chính được sắp xếp đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở tỉnh Đồng Tháp nhằm hình thành các đơn vị hành chính bảo đảm tiêu chí theo quy định và xây dựng bộ máy chính quyền cấp cơ sở gọn nhẹ, hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và giảm chi phí ngân sách Nhà nước cho công tác quản lý; góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Do vậy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp là cần thiết, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm chi tiêu công, tập trung được nguồn lực để phát triển về mọi lĩnh vực theo các tiêu chí phát triển cao hơn, cải thiện cuộc sống của người dân.
Ông Phan Văn Thắng, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp đề nghị, ngay sau Kỳ họp, UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình Bộ Nội vụ thẩm định, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, UBND tỉnh chuẩn bị kế hoạch chi tiết để triển khai ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổng hợp báo cáo gửi Bộ Nội vụ thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp đề nghị, các cấp, ngành, địa phương bám sát các nội dung về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp của Ban Chỉ đạo tỉnh để triển khai nhiệm vụ được phân công bảo đảm tiến độ và chất lượng...
Thống nhất chủ trương sắp xêp đơn vị hành chính tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau

Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Thị Nhung phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: Kim Há/TTXVN
HĐND tỉnh Cà Mau khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2025 tổ chức Kỳ họp thứ 19 (chuyên đề) để thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng trên các lĩnh vực, giải quyết những công việc mang tính cấp bách với những nội dung bức thiết, quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, kỳ họp tiến hành xem xét một nội dung quan trọng, mang tính lịch sử; đó là thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và Đề án hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đề án hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau trở thành tỉnh Cà Mau đã bám sát vào các nguyên tắc, điều kiện theo đúng các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo của Trung ương. Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Cà Mau đã được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra; việc lựa chọn trụ sở chính của các xã, phường bảo đảm phục vụ nhân dân tốt nhất, có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, giao thông thuận lợi cho sự phát triển, kết nối liên vùng; ưu tiên đặt tại các thị trấn, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị; đồng thời sử dụng hiệu quả nhất các công sở hiện có.
Kỳ họp nhất trí thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Cà Mau năm 2025 và chủ trương sắp xếp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi, trước khi sắp xếp, tỉnh Cà Mau có 100 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 82 xã, 9 phường và 9 thị trấn). Sau khi sắp xếp, tỉnh còn 39 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 35 xã và 4 phường (giảm 61 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 47 xã, 5 phường và 9 thị trấn).
Thống nhất chủ trương thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Theo đó, đơn vị hành chính tỉnh Cà Mau (mới) có diện tích tự nhiên 7.942,33 km2, quy mô dân số 2.606.672 người, 64 đơn vị hành chính trực thuộc (55 xã và 9 phường). Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính tỉnh Cà Mau (mới) đặt tại thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau hiện nay).
Kỳ họp tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc điều chỉnh biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm 2025; Việc phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2025; Quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2025; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2040.
HĐND thống nhất miễn nhiệm Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Sơn Ca, do thôi việc trước tuổi nghỉ hưu; bầu bà Nguyễn Thu Tư (Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau) làm Ủy viên UBND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2021 - 2026.
HĐND miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với các ông: Đoàn Quốc Khởi, nguyên Giám đốc Sở Tài chính (nghỉ hưu theo quy định); Phan Tấn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và Trịnh Văn Lên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trần Hoàng Nhỏ - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh (nghỉ hưu trước tuổi); Trần Hiếu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nghỉ giữ chức vụ theo nguyện vọng); Mã Minh Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng (nhận nhiệm vụ khác).