Đặt tên đường phố ở thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh
PTĐT - 40 năm hình thành và phát triển, thị trấn Phong Châu đã khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Phù Ninh. Bên cạnh các vị trí, địa điểm ăn sâu vào tiềm thức nhân dân trên địa bàn...
PTĐT - 40 năm hình thành và phát triển, thị trấn Phong Châu đã khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Phù Ninh. Bên cạnh các vị trí, địa điểm ăn sâu vào tiềm thức nhân dân trên địa bàn, một số vị trí, địa điểm mới hình thành, đòi hòi việc đặt tên đường, phố, đánh số nhà nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống khi xác định vị trí, địa điểm trên địa bàn trong điều kiện mới, đảm bảo mục tiêu phát triển của xã hội văn minh, hiện đại.
Nằm trên vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, do đó địa hình thị trấn Phong Châu có sự xen kẽ giữa các đồi gò thấp và các dải ruộng. Hệ thống giao thông của thị trấn mang đặc trưng của vùng trung du. Hiện nay, toàn thị trấn có 52,50km đường giao thông, trong đó, tổng chiều dài các tuyến giao thông chính 14,86km, tổng các đường giao thông nội thị 15,51km, tổng các đường xương cá, đường giao thông khác 22,13km. Trên địa bàn có 2 tuyến giao thông trọng yếu là Quốc lộ 2 và đường tỉnh 325B cùng các tuyến giao thông chính, giao thông nội thị. Bà Nguyễn Thị Tuyết Phương- khu Mã Thượng A cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, thị trấn chưa thực hiện việc đặt tên đường, phố. Tên các trục giao thông trên địa bàn được gọi theo ký hiệu quy định, một số tuyến và vị trí do nhân dân gọi tên theo thói quen như đường Nam, đường Ống… Chứng kiến sự đổi thay của thị trấn theo từng ngày, nhận thấy người dân thị trấn năng động chuyển đổi ngành nghề sang thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp; nhiều hoạt động trao đổi mua bán, giao dịch trong nhân dân cũng tăng lên. Chính vì vậy, tôi cũng như người dân nơi đây rất mong muốn các tuyến đường, tuyến phố, ngõ ngách sớm được đặt tên để thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.Để mong muốn của người dân thị trấn thành hiện thực tại, Văn bản số 5939/UBND-KGVX ngày 23/12/2019, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép UBND huyện Phù Ninh xây dựng Đề án đặt tên đường, tên phố trên địa bàn thị trấn Phong Châu. UBND huyện Phù Ninh đã giao phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện các quy trình khảo sát, lập ngân hàng tên, xây dựng đề án, tổ chức các hội nghị xin ý kiến bổ sung, hoàn chỉnh Đề án. Đến nay, Đề án đã được thông qua 5 hội nghị. Các ý kiến đã được tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp với yêu cầu, nguyên tắc đặt tên đường, phố của thị trấn Phong Châu. Theo đó, có tổng số 39 tuyến giao thông gồm 8 tuyến đường và 11 tuyến phố trên địa bàn thị trấn đã đưa vào sử dụng ổn định, dự kiến đặt tên dựa trên cơ sở 5 nguyên tắc chung: Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa, giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc địa phương; danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội; tên di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của Quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của Quốc gia hoặc địa phương; tên danh nhân mà danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương. Trong đó, lựa chọn theo thứ tự ưu tiên tên địa danh, danh nhân, di tích trên địa bàn thị trấn Phong Châu và huyện Phù Ninh; tên danh nhân địa bàn tỉnh Phú Thọ; tên danh nhân trên cả nước qua các thời kỳ.Bà Nguyễn Thị Kim Thu - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phù Ninh cho biết: “Việc đặt tên các tuyến đường, tuyến phố là việc làm cần thiết, không đơn thuần để thuận tiện trong công tác quản lý đô thị hoặc trong cách gọi tên và nhận biết địa chỉ giao dịch mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thông qua địa chỉ số nhà, tên đường, tên phố cụ thể phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan hệ giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội với các địa phương khác và ngược lại. Mỗi tên đường, tên phố tích hợp nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống tiêu biểu của các danh nhân, khoa bảng, bậc hiền tài của địa phương được đặt tên cho từng tuyến đường, tuyến phố. Điều này góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ. Việc đặt tên đường, tên phố đối với thị trấn Phong Châu sẽ góp phần tạo nên bức tranh năng động, sáng tạo, đóng góp chung vào tiến trình đô thị hóa của huyện Phù Ninh”.