Đặt tên làng, xã khi sáp nhập: Làm sao 'bảo tồn' được những giá trị lịch sử - văn hóa?
Theo dự kiến, giai đoạn 2023 - 2025, cả nước có 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 đơn vị hành chính cấp xã. Điều này mang theo nhiều thay đổi, xáo trộn trong đời sống xã hội; trong đó có việc đặt tên gọi mới cho các làng, xã sau sáp nhập.
Trong những ngày này, câu chuyện đặt tên mới hay giữ tên cũ khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính đang được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, tên làng, xã không đơn thuần chỉ là những chữ được ghi trên văn bản hành chính, nó còn là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa, bản sắc địa phương, là sợi dây gắn kết con người với quê hương.
Việc xóa tên cũ, đặt tên mới có thể làm mất đi cái hay, cái đẹp, mất đi nét đặc trưng của địa phương, thậm chí không mang lại cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với lịch sử, văn hóa. Liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu dân tộc học, PGS.TS Bùi Xuân Đính đã có cuộc trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận.
Làng - nơi lưu giữ ký ức
+ Thưa ông, đã có nhiều ý kiến cho rằng, địa danh, tên làng xã từ xa xưa thường gắn liền với những giá trị văn hóa, đã đi vào văn chương, thi ca, âm nhạc... Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Từ xa xưa, làng của người Việt (đặc biệt ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ) thường có tên Nôm, hay còn gọi tên Việt cổ. Đây là loại tên rất khó xác định chính xác về ngữ nghĩa và thường gắn với chữ “Kẻ”. Kẻ ở đây là làng, ví dụ như “kẻ Noi”, “kẻ Vạng”, “kẻ Ải”, “kẻ Cót”, “kẻ Bưởi”… Những danh xưng này gắn với quá trình người Việt khai phá đất đai, lập làng. Về sau, khi tiếp thu chữ Hán, những tên Nôm đó được phiên âm ra từ Hán Việt, ví dụ “kẻ Noi” biến thành Cổ Nhuế, “kẻ Ải” biến thành Di Ái, “kẻ Than” thành Thạch Thán… Trong đó, tên chữ Hán được ghi trong các văn bản hành chính còn tên Nôm vẫn được dùng trong giao tiếp hằng ngày.
Mặc dù vậy, ngay những cái tên Hán Việt cũng thường gắn với điều kiện địa lý tự nhiên của mỗi địa phương, vùng đất; gắn với quá trình tụ cư và phương thức khai hoang lập làng, vì thế ở các vùng quê có rất nhiều cái tên như “Trại”, “Đồng”, “Giáp”. Đa số các tên làng còn chỉ nghề nghiệp như “Vân Canh”, “Xuân Canh” đều gắn với trồng cấy nông nghiệp hay những làng La gắn với nghề canh cửi. Có làng lại đặt tên theo những đặc điểm nổi bật của tính cách con người ở địa phương đó.
Đặc biệt, tên làng còn chỉ ước vọng vươn tới một cuộc sống đầy đủ của cha ông ta như “Kim Sơn” là “núi vàng”, “Tiền Hải” với ý nghĩa “biển tiền”, “Đa Phú” là mong sự giàu có… Tên làng có khi còn in đậm dấu ấn những cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm, những cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc…
Có thể nói, tên làng không chỉ là một địa danh hành chính mà còn là địa danh lịch sử, địa danh văn hóa; nó tạo ra cho con người ý thức gắn bó với quê hương, gìn giữ danh dự cho quê hương mỗi khi đi ra khỏi làng. Và trong rất nhiều trường hợp, tên làng in đậm trong tâm thức của một cộng đồng cư dân nên mỗi khi chuyển cư, người ta “di” theo cả tên làng đến nơi quê mới.
+ Câu chuyện chia tách, sáp nhập, đổi tên làng xã không phải đến giờ mới có. Vậy việc đổi tên trước đây diễn ra như thế nào?
- Do tính chất lịch sử - văn hóa của làng xã, trong chế độ phong kiến ngày xưa chính quyền rất có ý thức giữ gìn, bảo vệ tên làng. Cho đến trước năm 1945, việc đổi tên làng rất ít khi xảy ra. Nhà nước thường không can thiệp sâu mà tôn trọng những đặc điểm chung của làng, miễn là làng đó phải bảo đảm các nghĩa vụ sưu thuế, binh dịch với Nhà nước. Nhà nước chỉ đổi tên, xóa tên làng khi có nổi dậy chống chính quyền. Cho nên, qua hàng ngàn năm, tên làng luôn được giữ ổn định, không xảy ra biến động nhiều.
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhà nước ta thay đổi mô hình quản lý, không để mỗi làng là một xã nữa nên có nhiều trường hợp các làng nhập với nhau và đổi tên làng. Tiếp đó, thời kỳ kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều làng xã được đặt tên theo tên các nhà cách mạng, anh hùng dân tộc, các chí sĩ yêu nước… Tuy nhiên, sau chiến tranh, việc chia các xã lớn đã nhập trước đó thành các xã nhỏ thì bắt đầu có hiện tượng ghép tên.
Ưu tiên giữ lại những tên cổ, mang ý nghĩa lịch sử
+ Gần đây, dư luận đang rất “nóng” liên quan đến việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, kèm theo đó là việc đổi tên làng xã ở nhiều địa phương. Ông có nhận xét gì về việc một số cái tên mới, dự kiến sẽ sử dụng sau khi sáp nhập?
- Qua thông tin đại chúng suốt hơn 1 tháng qua, tôi thấy ở một số địa phương xảy ra tình trạng ghép tên theo những con số rất cơ học, vô hồn thậm chí phản cảm, bị dư luận giễu cợt. Chẳng hạn người ta định ghép tên hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi thành “Đôi Hậu” - đây là một cái tên không mang ý nghĩa gì. Trong khi đó, Quỳnh Đôi, một làng cổ hết sức nổi tiếng, đã được cha ông ta đúc kết “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” thì lại mất đi. Hay cái tên “Vạn Nhất” ý nghĩa rất xấu, có thể nói là phản cảm; “Cao Sơn Tiến” cũng là một sự ghép tên thuần túy cơ học, không tạo ra được xúc cảm gì.
Có nơi, vì không điều hòa được, bí quá người ta muốn quay lại những cái tên mới có hồi thời kỳ chống Pháp, trong khi đó những tên cổ gắn liền với vùng đất đó từ xưa thì lại bỏ. Tôi cho rằng, những việc làm này, nếu được thực hiện sẽ xóa đi những giá trị văn hóa đã được ông cha ta hun đúc, hình thành qua hàng ngàn năm.
+ Vậy theo ông có một tiêu chí nào đối với việc đổi tên, đặt tên? Liệu có một phương cách nào đó có thể tránh được việc “bỗng dưng” một ngày nào đó làng xã có một cái tên mới “lạ lẫm” ngay với chính người dân địa phương?
- Quan điểm của tôi và nhiều nhà nghiên cứu là những cái tên cổ phải được ưu tiên giữ lại. Việc ghép tên hai xã cũ với nhau thì đương nhiên cả hai xã cùng bị mất tên, vì vậy, chi bằng nên giữ lại những tên xã cũ mang ý nghĩa lịch sử.
Chẳng hạn thay vì nhập xã Hòa Xá, Vạn Thái, Hòa Nam thành xã Thái Hòa thì ta giữ lại tên Hòa Xá vì nó gắn với một sự kiện nổi tiếng “Chiếc gậy Trường Sơn”. Trong trường hợp những làng đó không nổi tiếng về lịch sử, văn hóa nhưng ngày nay nó tạo ra những thương hiệu cho sự phát triển thì cũng cần phải ưu tiên giữ lại.
Cần giảm tối đa việc xóa tên thay bằng những cái tên khác, đặc biệt giảm tối đa việc ghép tên một cách cơ học. Còn những làng không còn tên trong đơn vị hành chính mới cũng cần phải được giữ lại bằng các tên thôn. Ta cũng có thể giữ tên làng trên các cổng làng, cổng xóm nếu điều kiện đất đai cho phép…
Ngoài ra, tôi cho rằng, quyết định hành chính của chính quyền về tên thôn, tên làng sẽ có tác dụng tích cực nhất trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa quý giá. Dù tên xã không còn nhưng tên thôn vẫn hiện hữu trong các văn bản hành chính, điều đó khiến ít nhiều những “di sản” của cha ông ta vẫn đang được bảo lưu trong cuộc sống hằng ngày.
+ Xin cảm ơn ông!
Khánh Ngọc (Thực hiện)