Đặt tên tỉnh hướng tới sự phát triển
Một cái tên không quyết định sự thịnh vượng của một tỉnh, nhưng một tầm nhìn đúng đắn sẽ giúp văn hóa và kinh tế cùng song hành để tạo nên sự bền vững.

Ảnh minh họa
Dư luận gần đây có hai luồng ý kiến chính, một bên cho rằng nên giữ tên một tỉnh có thương hiệu mạnh để tận dụng lợi thế, một bên lại muốn đặt một tên mới nhằm tạo sự cân bằng giữa các vùng sáp nhập.
Vậy thử nhìn cái tên dưới góc độ văn hóa.
Trên thế giới hiện nay, các nhà nghiên cứu có rất nhiều định nghĩa, khái niệm về văn hóa. “Văn hóa, đó là cái gì còn lại khi người ta quên hết tất cả…”, tôi đồng tình với khái niệm này.
Thực tế ở Việt Nam, nhiều địa danh đã thay đổi theo thời gian, nhưng những giá trị văn hóa làng xã, quê hương vẫn bền vững theo chiều dài lịch sử như: dân ca quan họ, hát chèo, ca trù… Đó chính những giá trị tinh thần không thể pha trộn. Cái tên có thể phai dần trong ký ức nhưng văn hóa không mất đi mà tiếp tục phát triển cùng với những con người và vùng đất ấy.
Do đó, việc đổi tên tỉnh không làm mất bản sắc của nó. Nhưng mặt khác, một cái tên mạnh về thương hiệu lại có thể trở thành bệ phóng giúp tỉnh mới thu hút đầu tư, thuận lợi trong phát triển kinh tế. Nếu một cái tên có chỗ đứng vững chắc, được thị trường và các đối tác kinh tế biết đến thì đó chính là một tài sản vô hình mà tỉnh mới có thể khai thác ngay lập tức.
Ngược lại, nếu cố gắng tìm kiếm một cái tên mới chỉ để tạo sự cân bằng nhưng không có chiều sâu về bản sắc hoặc không tạo được điểm nhấn thì có thể vô tình làm chậm đà phát triển. Sự cân bằng không đến từ một cái tên, mà đến từ cách tỉnh mới vận hành, tổ chức, phát triển và bảo đảm quyền lợi cho người dân ở tất cả các khu vực.
Một tỉnh không thể phát triển chỉ nhờ vào tên gọi mà quan trọng hơn là cách quản lý, quy hoạch, thu hút đầu tư và xây dựng bản sắc chung cho vùng đất mới. Điều quan trọng là tầm nhìn của người lãnh đạo. Họ biết coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống và biến nó thành động lực phát triển hay không?
Một cái tên không quyết định sự thịnh vượng của một tỉnh, nhưng một tầm nhìn đúng đắn sẽ giúp văn hóa và kinh tế cùng song hành để tạo nên sự bền vững.
Nếu giữ lại một cái tên có thương hiệu, chính quyền cần bảo đảm rằng mọi khu vực trong tỉnh đều được hưởng lợi từ thương hiệu đó, tránh tình trạng “trọng tâm - ngoại vi” (coi trọng trung tâm của tỉnh mà không chú ý đến các khu vực khác) hay sự chênh lệch trong phát triển. Nếu chọn một cái tên mới, thì tên đó phải có ý nghĩa, gắn liền với bản sắc văn hóa, lịch sử hoặc địa lý vùng đất. Không thể đặt một cái tên chỉ mang tính trung hòa mà thiếu sức sống, thiếu động lực phát triển.
Dù giữ tên cũ của một tỉnh hay chọn tên mới mang tính trung hòa, điều quan trọng là tên tỉnh đó phải phục vụ cho sự phát triển, chứ không phải là rào cản. Một cái tên có thể mất đi theo thời gian, nhưng văn hóa thì không. Nó sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển nếu được giữ gìn và nâng tầm.
Vậy nên, khi nêu ý kiến cho tên cho một tỉnh mới, hãy đặt câu hỏi:Cái tên này sẽ giúp tỉnh phát triển như thế nào trong thời đại mới? Nếu câu trả lời thuyết phục, đó chính là cái tên phù hợp.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dat-ten-tinh-huong-toi-su-phat-trien-408122.html