Đặt tên xã gắn liền lịch sử, văn hóa là hợp lòng dân

Tên làng xã không đơn thuần chỉ là cái vỏ ngôn ngữ để khẳng định 'chủ quyền' hành chính của một địa phương mà trong nó còn chứa đựng cả lịch sử, cội nguồn, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán... của một cộng đồng người.

Làng quê ở Quảng Ngãi. Ảnh Đoàn Vương Quốc

Làng quê ở Quảng Ngãi. Ảnh Đoàn Vương Quốc

Nông thôn Quảng Ngãi ngày nay có nhiều khởi sắc nhưng vẫn giữ được nét làng xưa, với những đình chùa, cây cổ thụ, hàng cau, con đường, bến nước, lũy tre xanh... tạo ra cấu trúc làng xã ngày càng phồn thịnh, gợi lên nhiều vẻ đẹp của nông thôn.

Đặc biệt là trong những năm gần đây, nhờ thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, làng xã ở Quảng Ngãi đã phát triển nhanh chóng hơn, toàn diện hơn với hệ thống thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm xá, nhà ở khu dân cư… ngày càng hiện đại.

Về những làng quê ấy, đi trên các trục đường chính ai cũng dễ dàng nhận thấy cổng chào của làng được xây dựng khang trang với hàng chữ ghi rõ tên làng của mình.

Tỉnh Quảng Ngãi lấy ý kiến của người dân về đặt tên xã, thay vì địa danh theo số thứ tự địa phương này đã gọi tên xã theo di tích lịch sử, văn hóa hay dòng sông gắn bó với quê hương…

Các tên xã, phường ấn tượng ở Quảng Ngãi như Sa Huỳnh, Đặng Thùy Trâm, Vạn Tường, Ba Gia,Trà Câu, Cẩm Thành, Cà Đam… được cử tri đồng tình ủng hộ vì hay, có yếu tố lịch sử, văn hóa gắn liền với đất, người, xứ sở.

Địa danh phường Sa Huỳnh gắn với nghề làm muối ở Sa Huỳnh được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Địa danh phường Sa Huỳnh gắn với nghề làm muối ở Sa Huỳnh được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phường Sa Huỳnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ. Trụ sở làm việc đặt tại phường Phổ Thạnh hiện nay.

Sa Huỳnh không chỉ gắn liền với một vùng đất ven biển Quảng Ngãi, mà còn mang giá trị đặc biệt trong khảo cổ học và lịch sử Việt Nam - Sa Huỳnh được đặt tên cho nền văn hóa tiền sử nổi tiếng văn hóa Sa Huỳnh.

Lâu nay, tên gọi Sa Huỳnh dù không có trong đơn vị hành chính, nhưng nhắc đến Sa Huỳnh ai cũng biết vùng biển ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, với cánh đồng muối Sa Huỳnh nổi tiếng.

Trên bình diện thế giới, Sa Huỳnh là chỉ dấu của một nền văn hóa cổ đại. Năm 1909, nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện khu mộ chum ở Sa Huỳnh, đánh dấu sự ra đời của khái niệm “Văn hóa Sa Huỳnh” trong khảo cổ học.

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa lớn thời tiền sử ở Việt Nam, bên cạnh văn hóa Đông Sơn và Óc Eo. Tên “Sa Huỳnh” không chỉ là tên địa danh, mà còn trở thành tên gọi văn hóa khảo cổ, điều rất hiếm có ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Tấn Việt, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Thạch Bi 1, phường Phổ Thạnh bày tỏ: “Sa huỳnh là địa danh đã đi vào thơ và nhạc nên rất nhiều người biết. Riêng đối với người dân quê tôi, hai tiếng Sa Huỳnh là quê hương gắn bó máu thịt, đã in đậm và ăn sâu trong tâm thức của mỗi người dân”.

Đặc biệt, xã mới Đặng Thùy Trâm, ở huyện miền núi Ba Tơ là nơi nữ bác sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm đã cống hiến thanh xuân và hy sinh vì đất nước. Xã Đặng Thùy Trâm được sáp nhập từ 2 xã Ba Trang và Ba Khâm, có diện tích hơn 199,4 km2, dân số gần 4.500 người, dự kiến trụ sở làm việc tại UBND xã Ba Trang hiện nay. Việc đặt tên xã Đặng Thùy Trâm vì thế được người dân địa phương tán thành 100%.

Ông Phạm Văn Nhói, đồng bào Hrê ở xã Ba Trang, huyện Ba Tơ tự hào khi quê hương mình có một tên gọi mới rất ý nghĩa: “Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cũng hy sinh trên mảnh đất Ba Trang. Vừa rồi lấy ý kiến cử tri thống nhất rất cao vì gắn với lịch sử. Chắc chắn phải tự hào vì mảnh đất đây mang lịch sử bây giờ là một địa danh mới. Xã được lấy tên Đặng Thùy Trâm thì sau này cả nước sẽ biết nhiều hơn, bà con rất vui!”.

Đơn vị làng xã vừa mang tính hành chính, lại ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa của địa phương, dân tộc. Ảnh Vương Quốc

Đơn vị làng xã vừa mang tính hành chính, lại ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa của địa phương, dân tộc. Ảnh Vương Quốc

Bước vào kỷ nguyên cất cánh, Đảng ta có chủ trương tinh gọn bộ máy, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện. Đây là chủ trương hợp lòng dân, mang lại nhiều lợi ích to lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, trong đó có việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới theo hướng kế thừa, giữ gìn các giá trị lịch sử - văn hóa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư chia sẻ, tín hiệu ngôn ngữ trong địa danh giúp nhận diện, phân biệt các địa phương khác nhau. Tín hiệu lịch sử, văn hóa, địa lý… sẽ làm nên nội dung của địa danh, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội từ xưa đến nay. Tên gọi các địa phương thường bắt nguồn từ các yếu tố như cảnh quan thiên nhiên, lịch sử vùng miền, sự giàu có về thổ sản, sinh hoạt văn hóa cộng đồng...

“Với người Việt Nam, quê gốc rất thiêng liêng nên có làng xã người ta lấy tên quê gốc đặt cho tên quê mới. Đơn vị làng xã vừa mang tính hành chính, lại ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa của địa phương, dân tộc. Nhiều người con đi làm ăn xa vẫn luôn tự hào khi nhớ về quê hương gắn bó với tên làng xã của mình”, ông Chư bày tỏ.

NHƯ ĐỒNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/dat-ten-xa-gan-lien-lich-su-van-hoa-la-hop-long-dan-130096.html