Ký ức ngày hòa bình!
Ngày 30-4-1975 với toàn thể dân tộc Việt Nam là một ngày đặc biệt: Ngày đất nước được thống nhất vẹn toàn sau 21 năm bị chia cắt 2 miền Nam - Bắc. 50 năm đã qua kể từ dấu mốc lịch sử vĩ đại đó, nhiều người vẫn không quên cảm xúc trào dâng khi biết non sông nối liền một dải, hòa bình hát khúc mừng vui!
Nhớ ngày đầu tiên của hòa bình!
50 năm đã qua, cựu binh Lương Văn Nhân (nguyên Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10) vẫn không quên ngày 30-4 lịch sử. Với ông, đó là ngày cuối cùng của chiến tranh - ngày đầu tiên của hòa bình. Sáng sớm, đơn vị ông được lệnh xuất kích, tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất. Lực lượng biệt động thành, tăng thiết giáp đi đầu, mở đường cho Trung đoàn 24 tiến vào giữa sự kháng cự quyết liệt của địch. Sau nhiều giờ chiến đấu, gần 11 giờ, quân ta chiếm giữ gần hết các mục tiêu trong sân bay.

Thanh niên, học sinh diễu hành mừng ngày đất nước thống nhất.
“Khoảng 12 giờ trưa, khi biết quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, chúng tôi reo hò, ăn mừng. Bao năm mong chờ, giờ phút lịch sử thống nhất đã đến”, ông Nhân hồi tưởng. Rồi ông bùi ngùi: “Đêm đầu tiên trên đất Sài Gòn, tôi nôn nao không ngủ vì quá vui mừng. Cuối cùng, đất nước cũng thống nhất! Hòa bình đã trở lại trên quê hương Việt Nam. Giây phút ấy, tôi nhớ những đồng đội đã hy sinh trên đường tiến quân, họ không được may mắn như chúng tôi".
Đón tin giải phóng qua đài phát thanh
Nhiều năm tham gia chiến đấu chống Mỹ, nhưng ông Lê Bá Dương (Nha Trang) lại không có “may mắn” được tham dự những trận chiến cuối cùng của chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi bị thương nặng ở chiến trường Quảng Trị, ông được đưa ra miền Bắc để an dưỡng, rồi tham gia viết sử cho Sư đoàn 320B. Để rồi, ông được chứng kiến người dân Thủ đô mừng ngày thống nhất đất nước.

Nhân dân thủ đô Hà Nội tập trung tại các loa phóng thanh công cộng nghe tin Sài Gòn giải phóng.
“Những ngày tháng 4-1975, tin chiến thắng liên tục vang lên trên đài phát thanh. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều dự cảm, thắng lợi cuối cùng đang đến thật gần. Hồi ấy tôi hay đi vào phố Lý Nam Đế, ghé Báo Quân đội Nhân dân lấy tư liệu để viết sử cho Sư đoàn 320B. Mỗi lần đi ngang bốt Hàng Đậu cứ thấy thanh thiếu niên, phụ nữ… đứng tụm lại chờ nghe tin thời sự từ loa phát thanh công cộng. Trưa 30-4-1975, tôi đang đi ngang đó thì bất ngờ nghe vang lên bản tin chiến thắng: "Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - tướng Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng". Mọi người vỡ òa ra, ôm chầm lấy nhau reo hò sung sướng. Trong tôi cảm xúc cũng vỡ òa, hơn ai hết, những người lính từng qua trận mạc trong cuộc chiến thì tin toàn thắng là chốt mở tột bậc niềm vui... Để rồi từ niềm vui chung tột đỉnh đó là một sự xót xa khi khoảnh khắc đó thiếu vắng đồng đội - những người đã ngã xuống nơi đầu núi cuối sông... dọc chặng đường chiến dịch”, ông Lê Bá Dương xúc động hồi tưởng. Bản tin được phát đi phát lại nhiều lần. Từ trưa hôm đó, cả Hà Nội ngập tràn trong sắc cờ hoa, mọi người đổ ra các ngả đường để ăn mừng.
Cũng qua làn sóng phát thanh, ở TP. Nha Trang, từ trưa 30-4, nhiều người dân biết tin quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. "Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử ấy. Khi ấy, nhân dân đổ ra đường ăn mừng, ai cũng vui mừng khôn xiết. Ngay trong đêm 30-4, phường Tân Lập đã tổ chức văn nghệ chào mừng, thông báo cho người dân: Sài Gòn đã được giải phóng. Những ngày sau, các phường khác cũng tổ chức văn nghệ chào mừng ngày thống nhất đất nước…”, ông Võ Đình Thu (khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Quân quản phường Tân Lập, Nha Trang) nhớ lại.
Năm tháng đã lùi xa, nhưng ký ức về ngày 30-4-1975 vẫn nguyên vẹn trong lòng những người lính từng bước qua chiến tranh và trong mỗi người dân Việt Nam. Từ sân bay Tân Sơn Nhất khói lửa, từ những ngả đường Hà Nội rợp cờ hoa, từ những góc phố Nha Trang ngập tràn tiếng hát, tất cả đã hòa vào bản hùng ca vĩ đại của dân tộc: Bản hùng ca chiến thắng, thống nhất non sông. Trong khoảnh khắc lịch sử ấy, mong ước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" đã trở thành hiện thực. Máu, nước mắt và những hy sinh to lớn đã được đền đáp bằng ngày hội non sông. Đó không chỉ là chiến thắng của một thế hệ, mà là niềm tự hào bất diệt của cả dân tộc Việt Nam, mãi mãi vang vọng đến muôn đời sau.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202504/ky-uc-ngay-hoa-binh-fe11b18/