Đặt tên xã, phường nên ưu tiên yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống
Có ý kiến cho rằng lấy tên quận, huyện kèm số thứ tự 1, 2, 3…để đặt làm tên phường, xã có thể thuận tiện trong ngắn hạn nhưng lại khiến người dân cảm thấy bị tách rời khỏi nguồn cội, thiếu sự gắn bó về mặt tinh thần.
Băn khoăn về phương án đặt tên xã, phường sau sáp nhập
Để đáp ứng tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, thời điểm này, các địa phương đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính xã, phường sau sáp nhập.
Nhà báo Uông Ngọc Dậu (Nguyên Trưởng Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam) bày tỏ sự băn khoăn khi quê hương ông - huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đưa ra 2 phương án đặt tên xã sau sáp nhập.
Phương án 1 là lấy tên huyện và thêm số thứ tự từ 1 đến 7 để đặt tên cho xã, như: Quảng Xương 1, Quảng Xương 2…cho đến xã Quảng Xương 7. Theo ông, đây là phương án thể hiện sự dễ dãi và vô cảm. Phương án 2 là trong 3-4 xã nhập vào, lấy tên một xã bất kỳ đặt tên cho xã mới.
Đơn cử, nhập 4 xã Quảng Thái, Quảng Lưu, Quảng Lộc, Quảng Bình (huyện Quảng Xương), lãnh đạo huyện dự kiến đặt tên xã mới là Quảng Bình.
“Phương án này lại rất ngẫu hứng, không thuyết phục, không trả lời được câu hỏi: Tiêu chí nào để chọn tên xã này mà không chọn tên xã kia”, nhà báo Uông Ngọc Dậu đặt câu hỏi.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa biểu quyết thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 547 xã giảm xuống còn 166.
“Đặt tên xã mới tuy khó mà không khó. Nếu có trách nhiệm một chút, có hiểu biết văn hóa một chút, biết lắng nghe một chút…thì sẽ không khó. Dễ dãi cho xong việc, tất hệ lụy, hậu quả khôn lường. Nhiều thế hệ sẽ gánh chịu và họ sẽ oán trách chúng ta”- nhà báo Uông Ngọc Dậu nêu quan điểm.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì cho rằng với cách đặt tên cơ học như lấy tên quận/huyện rồi đánh số thứ tự 1, 2, 3…cách này có thể thuận tiện trong ngắn hạn, nhưng lại dễ khiến người dân cảm thấy bị tách rời khỏi nguồn cội, thiếu sự gắn bó về mặt tinh thần. “Những cái tên như “Phường 3, Phường 4” vốn không mang theo câu chuyện, không truyền cảm hứng, cũng không giúp nhận diện thương hiệu địa phương trong dài hạn”.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, tên gọi không chỉ đơn giản là một ký hiệu hành chính để xác lập danh giới quản lý, mà còn là biểu tượng của ký ức, là nơi neo đậu cảm xúc, là hồn cốt của mỗi vùng đất. Một cái tên có thể gợi nhắc cả một chiều dài lịch sử, một dòng chảy văn hóa, hay đơn giản là tuổi thơ, là mái nhà, là nơi chôn nhau cắt rốn của biết bao thế hệ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Vì thế, việc lựa chọn tên gọi sao cho vừa đảm bảo tính khoa học, vừa giữ gìn được bản sắc, lại có khả năng tạo sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân là một bài toán cần được giải với tất cả sự trân trọng, tinh tế và tầm nhìn.
Ông cho rằng, cách đặt tên gọi được nhiều người dân đồng thuận nhất luôn bắt đầu từ sự thấu cảm và tôn trọng quá khứ. Ở những địa phương có tên gọi đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định..., thì việc giữ lại các danh xưng này không chỉ là một sự gìn giữ di sản mà còn là một lời cam kết rằng chính quyền luôn lắng nghe và gìn giữ giá trị của nhân dân.
Một địa danh gắn liền với chiều sâu văn hóa sẽ khơi gợi lòng tự hào và tạo ra sự gắn kết tự nhiên, khơi dậy khát vọng phát triển của cả cộng đồng. Trong buổi tiếp xúc cử tri gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đánh giá cao cách làm này của TP.HCM.
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, hiện nay các địa phương đang cạnh tranh để xây dựng hình ảnh, thu hút đầu tư, quảng bá du lịch và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thì một cái tên hay, gợi cảm và giàu bản sắc chính là một lợi thế không thể xem nhẹ.

Người dân Đắk Lắk được lấy ý kiến về tên gọi xã, phường mới sau sáp nhập
Ở nhiều nơi, việc lựa chọn tên mới thông qua cách kết hợp giữa tên cũ hoặc sáng tạo từ những yếu tố địa lý, lịch sử, nhân vật văn hóa đã chứng minh được hiệu quả. Những tên gọi như vậy vừa mang ý nghĩa tích cực, hướng đến tương lai, vừa giữ được gốc rễ văn hóa địa phương.
“Dẫu là giữ nguyên hay sáng tạo, điều quan trọng nhất vẫn là quá trình lựa chọn ấy phải được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch và lắng nghe người dân. Khi người dân được tham gia vào quyết định tên gọi vùng đất mình sinh sống, họ sẽ cảm thấy mình là một phần của lịch sử mới, của một chặng đường phát triển mới, và từ đó hình thành nên sự gắn bó, trách nhiệm, tự hào”, ông Sơn nói.
Nhấn mạnh việc chọn tên gọi cho một xã, phường thực chất là chọn một biểu tượng cho cộng đồng, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, đây không thể là kết quả của một quyết định hành chính, mà cần là kết tinh của văn hóa, của lịch sử, của lòng dân.
“Một cái tên có thể là chất keo hàn gắn quá khứ và tương lai, là cầu nối giữa những vùng sáp nhập, là lời giới thiệu đầu tiên của một địa phương với cả nước và với thế giới. Bởi vậy, đừng xem nhẹ việc đặt tên. Hãy đặt bằng trái tim, bằng sự thấu cảm, và bằng khát vọng dựng xây một tương lai bền vững trên nền tảng của ký ức và bản sắc”, ông Sơn nêu ý kiến.
Cùng chung quan điểm, TS Lê Trung Kiên - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, cần nhất quán quan điểm của Trung ương về tên gọi mới sau khi sáp nhập, chia tách là phải bảo đảm tính kế thừa, giữ gìn nét đặc trưng của vùng, miền, địa phương.
Những tên gọi đi vào sử sách, đi vào huyền thoại, có giá trị lịch sử hào hùng, trở thành địa danh nổi tiếng cho nơi đó thì cần tiếp tục giữ lại tên. Những yếu tố về văn hóa, truyền thống có ý nghĩa biểu trưng cần khuyến khích và cân nhắc kỹ để gìn giữ tên gọi cho phù hợp.
Về cách đặt tên phường, xã mới theo phương án lấy tên cấp huyện gắn với số thứ tự phía sau, theo TS Lê Trung Kiên cần cân nhắc kỹ. “Khi các tên gọi như một danh xưng về văn hóa lâu đời đã có thì nên khuyến khích giữ gìn nhưng không nên khiên cưỡng để đánh số mà thiếu đi tính thẩm mỹ”, ông Lê Trung Kiên nói.

Tiến sĩ Lê Trung Kiên
Nhiều nơi điều chỉnh tên xã, phường gắn với truyền thống lịch sử
Tính đến thời điểm này, một số địa phương đã quyết định điều chỉnh tên xã phường mới, thay vì đánh số thứ tự như phương án ban đầu. Tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức sáng 21/4, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đại biểu đã thảo luận, góp ý sôi nổi và thống nhất không đặt tên các xã, phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2, 3... hoặc theo phương hướng đông, tây, nam, bắc... Thay vào đó, sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.
Rất nhiều tên đất, tên làng cũ đã đi vào lịch sử và đi vào đời sống của bao thế hệ người con xứ Quảng được dùng để đặt tên xã phường mới như: Gò Nổi (thị xã Điện Bàn); Chu Lai (huyện Núi Thành); Hương Trà, Bàn Thạch (thành phố Tam Kỳ)… Ngoài ra, những cái tên thân thuộc như Mỹ Sơn, Vu Gia, Thu Bồn, Gò Nổi, Bến Giằng, Chợ Được, Bình Dương...cũng được đặt tên cho các xã mới.
Tại Quảng Trị, thuận theo nguyện vọng của nhân dân, một số xã phường tại địa phương này đã kịp điều chỉnh tên gọi xã mới thay vì dùng tên số theo thứ tự như đề án ban đầu.
Ông Trần Nhật Quang, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cho biết, trước đó, khi làm đề án, tên xã mới lấy tên huyện hiện nay gắn với số thứ tự, để đảm bảo số hóa. Sau khi triển khai lấy ý kiến, một số bà con cử tri tham gia đề nghị lấy tên gắn với lịch sử truyền thống. Trên cơ sở đó, hiện nay các huyện trong tỉnh trước đây đặt tên theo số thứ tự hoặc theo phương hướng đều phải báo cáo lại. Huyện đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân theo hướng tên gọi mới gắn với thống nhất văn hóa địa phương.

Ban thường vụ Huyện ủy Tương Dương họp gấp với cán bộ chủ chốt cấp xã
Hay như ở huyện Tương Dương (Nghệ An), chiều 21/4, 186 cán bộ chủ chốt cấp xã do Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương triệu tập đã họp gấp để thảo luận và bỏ phiếu kín thăm dò phương án đặt lại tên xã mới. Theo đó, 175/186 phiếu đồng ý bỏ phương án đặt tên huyện gắn với số thứ tự, thống nhất phương án đặt tên xã theo tên xã cũ. Thành phố Vinh ngoài phương án đánh số thứ tự cũng đã đưa ra phương án sẽ có 6 phường sau sắp xếp, với tên gọi dự kiến là phường Vinh, phường Quang Trung, phường Hà Huy Tập, phương Quán Bàu, phường Cửa Hội và phường Cửa Lò.
Theo Quyết định 759/QĐ-TTg ban hành ngày 14/4/2025 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nguyên tắc đầu tiên để xác định tên gọi là việc đặt tên cho đơn vị hành chính (ĐVHC) sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến ĐVHC cấp tỉnh.
Tên gọi của ĐVHC mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Việc đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự là nguyên tắc thứ 5 trong Quyết định này. Bên cạnh đó còn có một số nguyên tắc khác như tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp...
Như vậy, theo quy định hiện hành thì không bắt buộc các địa phương phải đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp theo cách đánh số thứ tự. Việc này là do chính quyền địa phương tự quyết dựa trên ý nguyện của dân.