Trưng bày gần 150 tài liệu, hiện vật 50 năm 'Non sông liền một dải'
Gần 150 tài liệu, hiện vật tại chuyên đề 'Non sông liền một dải' tái hiện khát vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), ngày 22-4, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề Non sông liền một dải.
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết chuyên đề thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề. Ảnh: VIẾT THỊNH.
Sự kiện tái hiện sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc – từ hậu phương lớn miền Bắc đến tiền tuyến lớn miền Nam – cùng sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, đã tạo nên thắng lợi vĩ đại trong mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.
Trưng bày chuyên đề giới thiệu gần 150 tài liệu, hiện vật tiêu biểu, được chia thành ba phần:
Phần 1: Khát vọng thống nhất;
Phần 2: Nước Việt Nam là một – Dân tộc Việt Nam là một;
Phần ba: Non sông liền một dải.
Thông qua trưng bày, công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ hiểu sâu sắc hơn về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết keo sơn của nhân dân hai miền Nam – Bắc trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, từ đó hun đúc trách nhiệm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, góp phần đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chuyên đề mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 22-4 đến tháng 8-2025 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Một số hình ảnh tại trưng bày chuyên đề với chủ đề Non sông liền một dải.

Game mô phỏng xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất). Ảnh: VIẾT THỊNH.

Nhiều hình ảnh tiêu biểu được công bố. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Bức ảnh Quân Giải phóng hoàn toàn làm chủ thành phố Đà Nẵng, ngày 29-3-1975. Ảnh chụp lại tại triển lãm.

Các dụng cụ thanh niên xung phong, dân quân du kích làm đường.

Bức ảnh tuyên truyền cổ động.

Nhà máy Dệt 8-3 (Hà Nội) biến đau thương thành hành động cách mạng trong phong trào thi đua học tập và làm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành 10 triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt năm 1970.

Chuông (trái) của chiếc ca nô tại bến phà Ghép (Thanh Hóa) đơn vị anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 1965-1973 và chiếc Sọt (phải), ông Nguyễn Quang Kế, dân quân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) dùng vận chuyển đạn (thàng 3-1967).

Mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam ngày 7-4-1975.

Đơn tình nguyện của 29 học sinh miền Nam làm việc tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) xin được tình nguyện vào Nam chiến đấu, ngày 29-3-1965.

Quyết tâm thư của sinh viên Đại học Y khoa tình nguyện sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Toàn cảnh Trưng bày chuyên đề. Clip: VIẾT THỊNH.