'Đất thiêng' của nhà văn Nguyễn Huy Súc

75 tuổi, nhà văn Nguyễn Huy Súc mới viết đơn xin được kết nạp Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, song, chỉ trong 7 năm, ông đã để lại dấu ấn rất lớn trong đời sống văn chương ở xứ Thanh. Bởi, ông là người hiếm hoi chỉ tập trung viết về làng mình, đất quê mình, những con người gắn bó hằng ngày. Ông dự định sắp tới sẽ ra mắt bạn đọc tác phẩm 'Đất thiêng'.

Nhà văn Nguyễn Huy Súc.

Nhà văn Nguyễn Huy Súc.

Kể về đoạn đường đã qua, nhà văn Nguyễn Huy Súc nói: "Năm 1961, khi vừa 18 tuổi, tôi khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Đến năm 1964, tôi về nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thành. Đây là thời điểm máy bay Mỹ ném bom miền Bắc nên cơ quan tôi phải sơ tán về làng La Thạch xã Thạch Định, bên bờ sông Bưởi. Tôi may mắn được gia đình ông Nguyễn Văn Thông cưu mang giúp đỡ những ngày đầu mới lên công tác tại đây. Giờ, vợ chồng ông Thông đã về miền mây trắng. Hôm rồi, các cháu, chắt ông Thông xuống thăm gia đình tôi đấy. Đó là một cuộc họp mặt tình nghĩa mà cả hai gia đình chúng tôi không bao giờ quên".

Những năm tháng ấy, đã giúp ông nuôi ý chí nỗ lực tiếp tục học cao hơn. Năm 1973, ông thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, hệ dài hạn (6 năm). Trải qua thời gian học tập, rèn luyện, năm 1980, ông đảm nhận nhiệm vụ làm Trưởng Khoa Huyết học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Năm 2004, ông nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, trở về quê nhà Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), tiếp tục làm việc và cống hiến...

Ở nơi mảnh đất ông sinh ra, trưởng thành, lập gia đình rồi cháu con đuề huề, dường như từng tấc đất, gốc cây đều thân thuộc, gần gũi. Gần gũi đến mức chỉ chạm vào đã “tạo” nên những truyện ngắn, bút ký đặc sắc.

Ông nói: “Xung quanh làng này nhiều chuyện lắm”. Vì thế mà ông có bút ký “Nghề học ở Hoằng Lộc”. Chả ai nói học là nghề. Nhưng ở nơi mà có tới 12 người đỗ đại khoa, hàng trăm người đỗ cử nhân và tú tài, thì học là nghề cũng phải thôi. Học vì đói quá, học để đi kiếm cơm, và học còn là sự tự trọng riêng của mỗi người.

Nhưng quả thật, nếu không đi đến tận cùng số phận nhân vật, giai đoạn lịch sử, long mạch của làng thì liệu ông có thể khai thác về mảnh đất này được nhiều thế không?. Tôi đem suy nghĩ đó hỏi thì ông cười nói: "Ở làng này, có mấy chuyện mà tôi không biết, chuyện nào chưa biết thì tìm hiểu, tìm hiểu chính từ trong dân gian thôi. Làng này là cả “vỉa quặng văn học đấy”.

Chẳng cần tìm đâu xa, chuyện trong nhà cũng đủ để ông khai thác. Từ những nỗi buồn ẩn sâu trong thời kỳ cải cách ruộng đất, như ông chia sẻ, rằng: “nhà tôi có 5 cái ao, và ruộng đất nhưng mà vì bị quy kết là trung lưu lớp trên mà bị tịch thu gần hết. May mắn sau này được hạ cấp, chỉ còn là trung lưu nên vẫn giữ được cái ao này".

Vừa nói ông vừa chỉ vào cái ao, bao xung quanh là hàng dừa thẳng tắp, rồi ông với tay vặn vòi phun nước. Nước róc rách chảy những giai điệu tươi vui. “Làng quê thế này ai chả muốn sống, bác nhỉ”, tôi đùa với ông. Nhưng rồi ông thủng thẳng, nói: “Thế mà có thời kỳ khủng khiếp, người bị quy là địa chủ mà vào trong nhà tìm mãi chỉ có vài cái niêu, dăm ba cái bát sứt. Rồi còn biết bao nhiêu chuyện buồn khó nói. Một thời kỳ lịch sử mà tôi đã trải qua như thế đó”.

Và chuyện của ngày hôm nay. Nhà văn thì hay nghĩ và dễ buồn. Vì thế mới có bút ký “Chợ Quăng - Chợ phiên ngàn năm tuổi” và “Day dứt trận Cồn Mơn”. Ở hai giai đoạn khác nhau, nhưng với người Hoằng Lộc, đó là những “nỗi buồn chiến tranh”. Nếu “Chợ Quăng, chợ phiên ngàn năm tuổi”, nhà văn Nguyễn Huy Súc nhấn nhá chuyện lịch sử của trang Bột Đà xưa, mà nhằm phản ánh về đời sống kinh tế, mức sinh hoạt, phong tục tập quán, văn hóa làng xã của cả một vùng rộng lớn. Đó là sự kiện ngày 19/5/1950, giặc Pháp đã ném bom xuống chợ Quăng làm 49 người chết và bị thương. Tấm bia, làng đã xây tại nơi bom rơi làm chết người vẫn còn đấy để nhắc nhở hậu thế “nhớ lấy thù này” mà phấn đấu cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình!

Cũng sự kiện của làng, 15 năm sau, vào ngày 10/7/1965, 14 chiến sĩ dân quân đang chấp hành lệnh điều động của huyện đắp trận địa pháo và đắp tích thổ tại Cồn Mơn đã tử trận do bom đạn giặc Mỹ ở ngay quê hương mình. Phần đa trong số họ chưa vợ, chưa chồng. “Những đôi mắt tràn trề tương lai khép lại vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Hơn nửa thế kỷ qua, họ vẫn chưa được Nhà nước truy tặng liệt sĩ”. Trong sự day dứt ấy, không chỉ có ông Súc nhà văn mà còn có cả ngàn người dân Hoằng Lộc. Họ là nhân chứng sống. Chính họ là những người trực tiếp giải quyết hậu quả trận bom Mỹ hoặc chính họ là chiến sĩ dân quân cùng chấp hành lệnh điều động của huyện trong hai đêm 9 và 10/7/1965 cùng 14 chiến sĩ đã hy sinh. “Những con người ấy, những sự hy sinh ấy xứng đáng được hậu thế dựng bia tưởng niệm lắm chứ. Thời gian có thể làm nhòa đi những điều không mong muốn, nhưng đừng lấy thời gian làm nhòa đi những giá trị tốt đẹp một thời”, ông Súc bùi ngùi nói như cách ông thể hiện quan điểm trong các truyện ngắn của mình.

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Huy Súc, những người bạn của ông thường nói về truyện ngắn “Người Lưỡng Bột”. Bởi ông là một phần trong tính cách của người Lưỡng Bột (tên gọi của hai xã Bột Thượng và Bột Thái xưa, nay là xã Hoằng Lộc): thông minh, nhạy bén, anh dũng, kiên cường... Những nhân vật trong tác phẩm giúp người đọc không chỉ cảm nhận được ánh sáng lấp lánh của tình người, tình đời ẩn chứa trong những điều tưởng chừng như hết sức bình thường, vụn vặt. Hơn hết, đó là tấm gương, là bài học lịch sử để con cháu hôm nay hiểu hơn về cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông mà phấn đấu rèn luyện, xây dựng quê hương.

Đem thắc mắc về việc quay lại với con chữ sau khoảng 45 năm đằng đẵng, kể từ khi in chung cùng nhiều tác giả trong tập truyện ngắn “Lòng Thung”, nhà văn Nguyễn Huy Súc cho biết: “Tôi chính là thành viên Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh, rồi có truyện đăng báo, in chung với một số tác giả khác cuốn “Lòng Thung” (Ty Văn hóa, 1973)”.

Từng tham gia trại viết cùng các nhà văn, nhà thơ Đặng Ái, Anh Chi, Đào Phụng, Hà Thị Cẩm Anh,... nhưng rồi, công việc nghề y đã cuốn lấy ông. Để mãi đến năm 2017, sau khi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, đóng cửa phòng khám tư, ông mới có thời gian trở lại với nghề “phu chữ”. Những trang văn của ông nhiều chi tiết, nhiều sự kiện, hàm chứa kiến thức lịch sử, vốn sống, và cả những thấu hiểu tâm lý con người. Điều mà người đọc nhận ra qua 2 tập truyện “Người Lưỡng Bột” (NXB Hội Nhà văn, 2018) và “Phu nhân quan bố Chính sứ” (NXB Hội Nhà văn, 2021), đó là các câu chuyện, các nhân vật đều có gốc gác hoặc phong thái của người “đất học” nơi ông sinh ra, lớn lên và già đi. Nhà thơ Anh Chi cho rằng: “Thật vui vì xứ Thanh có thêm một nhà văn, nhà văn Nguyễn Huy Súc đang viết về những sự đời và cuộc sống con người xứ Thanh bằng lối văn chương phong tục”.

Ở nơi “vỉa văn học” ấy còn biết bao câu chuyện mà ông chưa viết ra?. “Nhiều bạn văn lo lắng đến một lúc vùng đất không còn “quặng” để tôi khai thác. Không thể hết được đâu, vấn đề là tôi có đủ trình độ, đủ khả năng, đủ bản lĩnh để viết nên không?”, nhà văn Nguyễn Huy Súc cho biết.

Như Sao Khuê mọc muộn, bản thân ông đã “tạo” nên những điều khiến ai cũng ngạc nhiên. Một người già nhưng tỏa ra năng lượng gần gũi, một bác sĩ đã nghỉ hưu mà vẫn đi làm “công ích” cho xã, một nhà văn có tuổi mà vẫn ngồn ngộn suy tư và thổn thức... Tất cả là do “đất thiêng” nơi ông sinh ra, hay bởi ở trong tâm hồn ông còn rất nhiều điều thiêng liêng cần được giãi bày?.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dat-thieng-cua-nha-van-nguyen-huy-suc-35696.htm