Độc đáo nghi lễ cúng rừng của người Jrai ở xã Ia Din

Hàng năm, sau mùa thu hoạch, thường sau Tết Nguyên đán vào tháng 2-3, người Jrai (xã Ia Din, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) cùng nhau tổ chức lễ cúng rừng với mong muốn được thần Rừng che chở, mang lại cuộc sống bình yên và mùa màng bội thu.

 Lễ cúng rừng là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, thể hiện sự tôn kính và biết ơn của cộng đồng đối với thần Rừng. Ảnh: Đinh Yến

Lễ cúng rừng là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, thể hiện sự tôn kính và biết ơn của cộng đồng đối với thần Rừng. Ảnh: Đinh Yến

Lễ cúng rừng là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, thể hiện sự tôn kính và biết ơn cộng đồng đối với thần Rừng. Sáng sớm ngày 20-2, tại khu rừng Chư Grông Grăng và rừng trồng keo làng Nẻh (xã Ia Din), mọi người tập trung đông đủ nơi có dòng suối mát và cây cối xanh tươi để làm nghi lễ cúng rừng.

Dân làng dâng lễ vật được chuẩn bị từ trước, gồm: heo, gà, rượu cần và các món ăn truyền thống như cơm lam, thịt nướng...

 Ông Rơ Mah Kinh-già làng Nẻh, người có uy tín và hiểu biết sâu sắc về phong tục-đại diện dân làng chủ trì buổi lễ cúng rừng. Ảnh: Đinh Yến

Ông Rơ Mah Kinh-già làng Nẻh, người có uy tín và hiểu biết sâu sắc về phong tục-đại diện dân làng chủ trì buổi lễ cúng rừng. Ảnh: Đinh Yến

Ông Rơ Mah Kinh-già làng Nẻh, người có uy tín và hiểu biết sâu sắc về phong tục-đại diện dân làng chủ trì buổi lễ. Khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, ông thực hiện các nghi thức cúng tế, khấn mời thần Rừng, thần Núi, thần Nước về chứng giám và phù hộ cho dân làng.

Trong lời khấn, già làng Kinh bày tỏ lòng biết ơn đối với thần Rừng đã cung cấp lương thực, thực phẩm và bảo vệ dân làng khỏi thiên tai, bệnh tật. Đồng thời, ông cũng nhắc nhở con cháu về trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá cây cối, săn bắt động vật bừa bãi, để rừng mãi xanh tươi và tiếp tục che chở cho các thế hệ mai sau. Bởi người Jrai tin rằng, rừng và các thần linh trong rừng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Lễ cúng giúp họ bày tỏ lòng biết ơn đối với các thần linh rừng và cầu mong sự bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu.

 Người dân, chính quyền địa phương, cán bộ Kiểm lâm cùng có mặt tại lễ cúng rừng. Ảnh: Đinh Yến

Người dân, chính quyền địa phương, cán bộ Kiểm lâm cùng có mặt tại lễ cúng rừng. Ảnh: Đinh Yến

Có mặt từ sớm tại lễ cúng rừng, anh Kpuih Tui-người dân làng Nẻh-cho biết: “Đối với người Jrai, lễ cúng rừng được xem là một lễ lớn, quy tụ tất cả dân làng, từ người già cho tới trẻ em, đàn ông và phụ nữ. Năm nay, lễ cúng rừng được tổ chức quy mô, ngoài người trong làng, còn rất nhiều người dân ở các làng khác cùng đến chung vui. Qua lễ cúng rừng, người dân càng thêm yêu rừng, giữ rừng và tích cực trồng rừng.

Còn già Rơ Mah Kinh thì cho biết, lễ cúng rừng được dân làng lưu giữ từ xưa đến nay. Vào dịp sau Tết Nguyên đán, dân làng có thời gian rảnh nên thường họp làng để tổ chức nghi lễ cúng rừng. Năm nay, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí nên lễ cúng rừng to hơn. Người dân trong làng ai cũng vui!

“Bà con dân làng hiểu rằng rừng mất thì lũ lụt từ trên núi sẽ đổ xuống phá đồng ruộng, buôn làng. Nắng nóng sẽ làm cho cây lúa không phát triển. Từ đó, không ai dám chặt cây, phá rừng. Không chỉ giữ rừng, dân làng còn có ý thức chung tay trồng rừng, phủ xanh đồi trọc”-già Rơ Mah Kinh nói thêm.

 Sau phần nghi lễ, mọi người cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống, uống rượu cần. Ảnh: Đinh Yến

Sau phần nghi lễ, mọi người cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống, uống rượu cần. Ảnh: Đinh Yến

Sau phần nghi lễ, mọi người cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống, uống rượu cần và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ như hát dân ca, xoang. Đây cũng là dịp để cộng đồng gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm và giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trao đổi với P.V, ông Siu Bíu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Din-cho hay: Nghi lễ cúng rừng của người Jrai trong xã Ia Din có từ lâu. Tuy nhiên, hiện mới có làng Nẻh tổ chức cúng rừng. Thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng nghi thức cúng rừng đến các làng khác. Năm nào xã cũng sẽ hướng dẫn người dân tổ chức cúng rừng. Việc duy trì và phát huy nghi lễ cúng rừng không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Jrai mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, góp phần phát triển du lịch sinh thái và kinh tế địa phương.

Còn ông Nguyễn Thành Nhuận-Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đức Cơ thì cho rằng: “Diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp ở xã Ia Din trên 600 ha. Nhiều năm qua nhờ người dân, già làng tuyên truyền, vận động đã bảo vệ được rừng, nạn xâm lấn đất rừng để làm rẫy cũng giảm dần. Do đó, ý nghĩa của lễ cúng rừng góp phần giữ “lá phổi xanh” cho đại ngàn, bảo vệ tài nguyên rừng cho thế hệ mai sau”.

Clip: Thanh Tịnh

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/doc-dao-nghi-le-cung-rung-cua-nguoi-jrai-o-xa-ia-din-post312571.html