Đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm: Dân không mặn mà vì thủ tục vẫn rườm rà

Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào đặt tiền để bảo lãnh phương tiện về tự trông giữ.

Trong khi nhiều bãi giữ xe đang trong tình trạng quá tải, để phơi mưa nắng thì quy định cho phép đặt tiền bảo lãnh phương tiện về tự trông giữ chưa được người dân hưởng ứng vì còn e ngại nhiều thủ tục

Trong khi nhiều bãi giữ xe đang trong tình trạng quá tải, để phơi mưa nắng thì quy định cho phép đặt tiền bảo lãnh phương tiện về tự trông giữ chưa được người dân hưởng ứng vì còn e ngại nhiều thủ tục

Tròn 1 tháng Nghị định 31/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013 có hiệu lực, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào đặt tiền để bảo lãnh phương tiện về tự trông giữ.

E ngại thủ tục dù muốn được tự giữ xe

Tối 30/5, trên Đại lộ Thăng Long, Tổ công tác Đội CSGT số 11 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra, xử lý chuyên đề tốc độ đã dừng xe ô tô BKS 30E-840.5x do anh Hoàng Tiến A. (SN 1973, ở huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) điều khiển vi phạm chạy quá tốc độ 71/60km. Ký vào biên bản xử lý vi phạm, anh Tiến A. cho biết, trong các mức phạt hành chính, anh vẫn sợ nhất là tạm giữ phương tiện.

“Không có phương tiện để đi lại rất bí, trong khi xe thì bị kéo về bãi dễ hư hỏng. Nhất là ai đi mượn xe, thuê xe mà bị tạm giữ phương tiện thì càng lo”, anh Tiến A. nói. Tuy nhiên, khi được giải thích, bây giờ có thể đặt tiền bảo lãnh để được tự giữ phương tiện, anh A. hỏi sơ qua thủ tục rồi lắc đầu vì “nhiều thủ tục phức tạp quá”.

Tương tự, anh Lê Chí T. (SN 1970, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) điều khiển xe ô tô BKS 30A-372.4x vi phạm tốc độ mức 78/60km cũng ngại ngần khi PV Báo Giao thông hỏi “nếu bị giữ xe thì có muốn bỏ tiền bảo lãnh phương tiện về tự trông giữ”. Anh T. cho hay, xe của anh cũng chỉ là loại “bình dân”, thời hạn tạm giữ xe tối đa chỉ 7 ngày, nên cũng không quá lo ngại.

“Chắc những người có siêu xe, xe giá trị cao sẽ “xót” nên làm thủ tục bảo lãnh về. Tôi nghe nói thủ tục bảo lãnh cũng không khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ mất thời gian”, anh T. nói.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm giao thông, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, Nghị định số 31 có hiệu lực từ ngày 1/5 quy định, chỉ một số trường hợp vi phạm giao thông không được bảo lãnh xe về tự trông giữ như: Đua xe, xe tang vật, phương tiện số khung, số máy không rõ ràng, giấy tờ không do cơ quan thẩm quyền cấp cần phải xác minh... Tuy nhiên, hiện Hà Nội chưa có chủ xe nào đặt tiền bảo lãnh phương tiện.

Thủ tục vẫn phiền hà?

Thiếu tá Tiến cũng thẳng thắn nhìn nhận, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Chỉ những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh thì mới kéo dài quá 7 ngày. Trong khi đó, việc làm thủ tục bảo lãnh xe cũng mất thời gian, vì liên quan đến tiền bảo lãnh, phương tiện, xác nhận của nơi cư trú hoặc nơi làm việc, xác nhận có chỗ giữ phương tiện... Đó chính là lý do người vi phạm không mặn mà với việc bảo lãnh xe vi phạm.

Đại úy Đỗ Xuân Khoa, Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) giải thích kỹ hơn: “Về quy trình, việc xin bảo lãnh, tự bảo quản phương tiện không phải là giao phương tiện cho người vi phạm tại thời điểm vi phạm. Mà quá trình xử lý vi phạm, CSGT vẫn lập biên bản tạm giữ phương tiện theo quy định. Người vi phạm về làm đơn xin bảo lãnh, có các xác nhận xong quay lại trụ sở CSGT sẽ được xem xét. Khi đủ thủ tục sẽ tiến hành làm thủ tục bảo lãnh xe”.

Để bảo lãnh xe, khi người vi phạm phải có hộ khẩu thường, tạm trú dài hạn hoặc có xác nhận về nơi cư trú của công ty, cơ quan công tác và có nơi bảo quản phương tiện cố định đăng ký trong đơn. Sau đó, người vi phạm đặt một số tiền cao hơn mức tiền phạt trong biên bản để bảo lãnh, mang xe về tự giữ. Lúc này, CSGT sẽ gửi thông báo đến nơi cư trú hoặc đến cơ quan, đơn vị của người vi phạm để có sự giám sát, quản lý phương tiện. Phương tiện được bảo lãnh không được phép tham gia giao thông cho đến khi hoàn thành việc xử lý vi phạm.

Đến thời hạn giải quyết vi phạm mà người vi phạm có việc bận không đến làm thủ tục xử lý được thì người có thẩm quyết sẽ khấu trừ tiền tạm ứng của người vi phạm để làm thủ tục nộp cho ngân hàng. Sau đó, người vi phạm đến trụ sở CSGT sẽ được trả lại số tiền dư trước đó người vi phạm đặt cọc.

“Nghị định 31/2020 tuy có tháo gỡ, tạo điều kiện cho người vi phạm bảo lãnh phương tiện, nhưng việc làm thủ tục bảo lãnh cũng mất thời gian”, Đại úy Khoa lý giải.

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền khám nghiệm giải quyết TNGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho hay, hiện có rất ít người hỏi về thủ tục bảo lãnh phương tiện vi phạm. Đơn vị sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định bảo lãnh phương tiện để báo cáo với cơ quan cấp trên để tháo gỡ những khó khăn, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân nhưng phải đảm bảo đúng qui định của pháp luật.

Văn Huế

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/dat-tien-bao-lanh-xe-vi-pham-dan-khong-man-ma-vi-thu-tuc-van-ruom-ra-d467445.html