Dấu ấn 100 ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump
100 ngày đầu nắm quyền của Tổng thống Trump không chỉ làm đảo lộn toàn bộ nước Mỹ mà có thể còn đang làm đảo lộn trật tự thế giới theo tất cả các nghĩa.
Dấu ấn 100 ngày của Tổng thống Trump
Với khoảng 140 sắc lệnh hành pháp, được xem là nhiều nhất trong lịch sử của các đời Tổng thống Mỹ, ông Trump đã định hình lại toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ. Điểm nhấn quan trọng nhất có lẽ là chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” và thuế quan đối ứng, được tính theo công thức chưa từng có và không giống bất cứ mô hình nào trước đây.
Việc Chính quyền Tổng thống Trump áp dụng các mức thuế quan đối ứng này gần như phá vỡ hệ thống thương mại tự do truyền thống đang tồn tại, chuyển từ đa phương sang song phương, với Mỹ là một cực và phần thế giới còn lại là một cực. Chính sách áp thuế của Mỹ cũng có thể làm tê liệt hầu hết các cơ chế thương mại đa phương, tiêu biểu là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đóng vai trò điều tiết hoạt động thương mại toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Đối với thế giới, ông Trump cũng đảo ngược chính sách đối ngoại truyền thống, hướng đến các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia một cách hữu hình, xem nhẹ một số yếu tố được coi là giá trị cốt lõi của nước Mỹ. Điều này thể hiện ở việc ngay sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều tổ chức và thỏa thuận quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thỏa thuận khí hậu Paris, ngừng tài trợ các dự án quốc tế. Thậm chí, ông Trump còn công khai thể hiện tham vọng mở rộng lãnh thổ, để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực ví dụ như mua lại đảo Greenland, giành quyền kiểm soát kênh đào Panama, sáp nhập Canada hoặc tiếp quản Dải Gaza và biến thành khu nghỉ dưỡng.
Cũng quan trọng không kém, chương trình nghị sự đối nội của ông Trump cũng đang làm thay đổi nước Mỹ và tác động đáng kể đến ổn định toàn cầu, hợp tác và quản trị quốc tế. Giới quan sát Mỹ nhận định, các sắc lệnh hành pháp và hoạt động của Cơ quan hiệu quả Chính phủ (DOGE) đang đi ngược với đặc điểm chính trị Mỹ, đó là giảm bớt quyền lực của Chính phủ liên bang, biến việc quản trị một quốc gia sang cách thức điều hành doanh nghiệp tư nhân. Các chính sách về nhập cư, trục xuất hàng loạt, gây sức ép các nước nhận người nhập cư trái phép trở lại; bãi bỏ các quy định hạn chế về môi trường, chấm dứt báo cáo về khí nhà kính, thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là dầu mỏ… mâu thuẫn với các quy định quốc tế và nỗ lực toàn cầu.
Mức độ ủng hộ ông Trump thay đổi
Theo kết quả thăm dò dư luận thì tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Trump có xu hướng ngày càng xuống thấp, giảm mạnh so với tháng đầu tiên lên nắm quyền. Tỷ lệ ủng hộ trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai đã ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Ví dụ thăm dò của báo Washington Post, ABC News thì chỉ còn 39% ủng hộ, mức thấp nhất kể từ khi thực hiện thăm dò năm 1945, thấp hơn cả mức 42% trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Theo kết quả thăm dò của hãng PEW, mức độ ủng hộ đối với ông Trump chỉ còn 40%, giảm tới 7% so với tháng 2. Xu hướng ủng hộ giảm mạnh thể hiện sự thất vọng đối với Tổng thống Trump đặc biệt là nhóm cử tri độc lập, gốc Á, gốc Mexico và Tây Ban Nha cũng như sự phản đối ngày càng gia tăng của các cử tri đảng Dân chủ. Điều này cho thấy, chương trình nghị sự của ông Trump đang vấp phải khó khăn, không chỉ trong người dân Mỹ mà ngay cả nội bộ cử tri đảng Cộng hòa.
Sự thất vọng lớn nhất có lẽ là về chính sách kinh tế và thuế quan, vốn từng được coi là điểm mạnh của ông Trump. Mức độ ủng hộ về chính sách kinh tế hiện chỉ còn 36-39% khi người dân lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, vốn rất quan trọng đối với nhóm người nghèo và trung lưu bậc thấp. Việc thực hiện chính sách nhập cư cứng rắn như đề xuất xóa bỏ quốc tịch theo nơi sinh, trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép, thu hồi thị thực của hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh quốc tế đang gây ra những hệ lụy tiêu cực về pháp lý và nhân đạo. Chính sách đối ngoại biệt lập, đánh giá các quan hệ đối tác, đồng minh truyền thống theo khía cạnh lợi ích hữu hình cũng khiến không ít người dân lo ngại về tương lai vai trò của Mỹ trong quan hệ quốc tế. Ngoài ra, sự phản đối ngày càng tăng của cử tri Dân chủ, lên tới 90% cũng cho thấy ngày càng có ít cử tri Dân chủ, vốn đang bất mãn với chính đảng của mình sẽ quay sang ủng hộ cho Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa.
Ông Trump sẽ đi xa đến đâu?
Trong một phát biểu ngày 28/4 vừa qua, Tổng thống Trump cho biết trong nhiệm kỳ đầu tiên ông đã điều hành đất nước và tìm cách sống sót, trong khi ở nhiệm kỳ hai thì ông điều hành nước Mỹ và cả thế giới. Tuyên bố này của Trump cho thấy ông có thể tiếp tục đẩy mạnh chủ trương “Nước Mỹ trên hết” với chương trình nghị sự cứng rắn và chủ nghĩa đối ngoại biệt lập. Có một điểm đáng chú ý, đó là Tổng thống Trump và nội các thường xuyên phủ nhận sự liên quan đối với bản thiết kế chính sách bảo thủ mang tên Dự án 2025 của Viện Heritage thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay thì rất nhiều ý tưởng trong Dự án 2025 đã được ông Trump biến thành hiện thực và nhiều tác giả của dự án cũng được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong chính quyền.
Tuy nhiên, xét về mức độ ủng hộ ngày càng giảm và chiến thuật đàm phán đưa ra yêu cầu cao để mặc cả thì dường như ông Trump đang có và có thể sẽ có các điều chỉnh trong một số lĩnh vực, đặc biệt là những vấn đề đang gây ra tác động tiêu cực đối với kinh tế Mỹ. Điều này thể hiện ở việc ông Trump hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, nhiều hơn thời gian hoãn áp thuế chỉ khoảng 30 ngày trước đây; loại trừ một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng, để ngỏ khả năng loại trừ thêm một số mặt hàng hoặc tìm kiếm giải pháp đàm phán với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.
Ở trong nước, mặc dù tỷ lệ ủng hộ chỉ mang tính tham khảo nhưng rõ ràng, khi cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 đang đến gần thì ông Trump và đảng Cộng hòa không thể không quan tâm đến những con số này. 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump được xem là màn trình diễn ấn tượng về sức mạnh chính trị, tuy nhiên, quan trọng nhất hơn 1.300 ngày tiếp theo mới là thách thức đối với ông Trump trong việc tạo được một di sản lâu dài.