Dấu ấn 30 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam và Hàn Quốc tại Thanh Hóa

Trong dòng chảy của quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, quan hệ giữa tỉnh Thanh Hóa và TP Seongnam, tỉnh Gyeonggi đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực về ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội... là điều kiện quan trọng để 2 bên mở rộng và nâng tầm mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Khu Kinh tế Nghi Sơn) do Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc và các đối tác đầu tư xây dựng

Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Khu Kinh tế Nghi Sơn) do Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc và các đối tác đầu tư xây dựng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 37 dự án FDI của Hàn Quốc và liên doanh Hàn Quốc - Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng hơn 3 tỷ USD. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã viện trợ cho Thanh Hóa 5 dự án ODA, với tổng nguồn vốn hơn 98 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông, phát triển đô thị.

Các dự án triển khai hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương. Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa, Phòng Thương mại và Công nghiệp phía Bắc, tỉnh Chungcheong Nam đã phối hợp tổ chức thành công hội nghị khảo sát và xúc tiến đầu tư kinh tế tại tỉnh Thanh Hóa.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng vốn đầu tư gần 2.793 triệu USD, do Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc đóng góp 50% nguồn vốn với các đối tác Nhật Bản làm chủ đầu tư, là một minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Thanh Hóa với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Mặc dù, thi công xây dựng nhà máy trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao và sự đồng hành của các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ cam kết.

Tổ máy số 1 đi vào hoạt động cung cấp khoảng 3,9 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu dùng điện cho công nghiệp và sinh hoạt, giải quyết việc làm cho lao động, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa.

Học sinh Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa trong giờ thực hành với mô hình động cơ ô tô do Tổ chức KOICA tài trợ.

Học sinh Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa trong giờ thực hành với mô hình động cơ ô tô do Tổ chức KOICA tài trợ.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 88 doanh nghiệp đang có quan hệ hợp tác, xuất nhập khẩu hàng hóa qua thị trường Hàn Quốc, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 408 triệu USD. Ngoài ra, còn có hàng chục doanh nghiệp có sản phẩm có thể xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là may mặc, giày dép, hải sản đông lạnh, bao bì, cói mỹ nghệ, gỗ, dây dẫn điện...

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục kết nối, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Hàn Quốc đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa. Trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột của tỉnh, như: công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, y tế, nông nghiệp, hạ tầng; đầu tư tại 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh là TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thạch Thành - Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng mong muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác Hàn Quốc trên các lĩnh vực về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử. Tăng cường hợp tác hữu nghị cấp địa phương, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Hàn Quốc. Đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động, trong đó, được tiếp cận các chương trình học bổng, khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho học sinh, cán bộ, công chức tỉnh Thanh Hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, quy hoạch, quan hệ quốc tế...

Hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện cho người lao động của tỉnh Thanh Hóa xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc. Tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc trong các lĩnh vực: quản lý hành chính công, quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục đào tạo, giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị.

Với phương châm: “Doanh nghiệp thành công - Thanh Hóa phát triển”, Thanh Hóa cam kết luôn đồng hành, là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Trung ương theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ mức thấp nhất trong khung quy định.

Những dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị hợp tác, thời gian qua chính là điểm tựa tin cậy để Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Hàn Quốc nói riêng xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng bền chặt.

Huy Hoàng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dau-an-30-nam-quan-he-huu-nghi-viet-nam-va-han-quoc-tai-thanh-hoa-282872.html