Dấu ấn bộ đội Triệu Phú trên biên cương Dục Nông
Không chỉ 'làm cho hết nhiệm vụ, làm những gì được giao', Thiếu tá Bùi Triệu Phú, cán bộ Đồn Biên phòng Dục Nông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum còn 'tự mình tìm cách, tự mình tìm việc' để đem lại những điều tốt nhất cho 'anh em ruột thịt' ở nơi biên cương Tổ quốc.
Em là hoa Pơ lang
Đối với cô giáo Y Son (Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đắc Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), Đồn Biên phòng Dục Nông là ngôi nhà thứ hai; mỗi cán bộ, chiến sĩ là cha chú, anh em ruột thịt. Bởi, nếu không có những người lính Biên phòng ấy, cô bé mồ côi Y Son đã không có ngày hôm nay.
Nhà Y Son ở thôn Tà Pók, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi. Bố mất sớm, nhà nghèo lắm nên đã có lúc việc đi học của Y Son tưởng chừng phải gián đoạn. Biết được hoàn cảnh của Y Son, Đồn Biên phòng Dục Nông đã nhận đỡ đầu theo chương trình "Nâng bước em đến trường". Thiếu tá Bùi Triệu Phú (khi đó là Phó bí thư Đảng ủy xã Đắk Nông) luôn quan tâm, tận tình giúp đỡ Y Son vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tiếp thêm động lực để em hoàn thành chương trình Trung học phổ thông.
Năm 2017, Y Son thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Huế. Thiếu tá Bùi Triệu Phú mừng vui như thể chính con em mình đỗ đại học. Nhưng việc đi học của Y Son lại không dễ dàng như anh nghĩ. Mặc dù Thiếu tá Bùi Triệu Phú nhiều lần đến nhà thuyết phục nhưng mẹ và cha dượng của Y Son không đồng ý. Ở buôn làng này, con gái lớn như Y Son, nhất là điều kiện gia đình khó khăn, là lao động chính rồi phải lấy chồng nên không ai muốn em tiếp tục đi học. “Khi ấy, tôi đánh liều “cam kết” hỗ trợ tiền để cháu nhập học thì gia đình mới đồng ý. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ không thể để Y Son ở nhà đi rẫy, lấy chồng để rồi lại quẩn quanh với đói nghèo. Phải thay đổi cuộc đời cho cháu”, Thiếu tá Bùi Triệu Phú nhớ lại.
Vì Y Son chưa bao giờ đi ra khỏi huyện Ngọc Hồi nên Thiếu tá Bùi Triệu Phú xin nghỉ phép 3 ngày để đưa con nuôi về thành phố Huế nhập học. Trước khi quay trở lại đơn vị, anh đưa Y Son 1 triệu đồng rồi nói: “Cháu cầm lấy rồi chú sẽ tính tiếp”. Buổi trưa hôm ấy, ghé vào quán cơm bụi cạnh trường, Thiếu tá Bùi Triệu Phú phát hiện ra ông chủ quán cơm là người cùng quê. Anh tranh thủ tâm sự với ông chủ và xin cho cô con nuôi của đồn được phụ quán cơm “lấy tiền sinh hoạt hằng tháng và cũng là để cháu dạn dĩ hơn vì người đồng bào về thành phố không tránh khỏi rụt rè”. Chao ơi, những suy nghĩ ấy nào có khác gì lo cho người thân, ruột thịt.
4 năm sau, cầm tấm bằng Cử nhân ngành Giáo dục Tiểu học loại giỏi, người mà Y Son báo tin đầu tiên là Thiếu tá Bùi Triệu Phú. “Ngày em thi công chức cũng bố Phú đưa em đi. Em không quên được hình ảnh bố đứng chờ em ở ngoài. Thật mừng vì e đã thi đậu viên chức ngành giáo dục huyện Ngọc Hồi nếu không em cảm thấy rất có lỗi với bố và mọi người”, Y Son xúc động cho biết. Còn đối với Thiếu tá Bùi Triệu Phú, Y Son không còn là cô bé mắt lúc nào cũng đượm buồn như ngày đầu anh gặp. Giờ đây, cô bé ấy đã trở thành cô giáo, có gia đình hạnh phúc. “Trái ngọt” này là điều mà anh và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chẳng mong gì hơn.
“Trợ lực” cho người dân
Từ năm 2020, Thiếu tá Bùi Triệu Phú là cán bộ tăng cường phát triển kinh tế, xã hội; đại biểu, Trưởng ban Pháp chế của HĐND xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi nên công việc lại càng bận rộn. Thế nhưng, anh vẫn luôn dành thời gian xuống địa bàn nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng ủy xã cũng như cho Đồn Biên phòng Dục Nông để có những giải pháp phù hợp. Năm 2022, hưởng ứng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, Đồn Biên phòng Dục Nông đã lựa chọn 2 gia đình để xây dựng mô hình điểm. Thiếu tá Bùi Triệu Phú được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao phụ trách “việc của gia đình” bà Y Nguyệt (dân tộc Giẻ Triêng, trú tại thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông).
Bà Y Nguyệt có ao, có vườn khá rộng nhưng gần bỏ hoang vì không có người làm. Thế nhưng, khi Thiếu tá Bùi Triệu Phú đến đặt vấn đề giúp cải tạo lại vườn để trồng cây, bà Y Nguyệt rất lưỡng lự. Bao năm nay, bà quen trồng cây ngắn ngày, tuy thu nhập không nhiều nhưng nhanh và nhìn thấy tiền trước mắt, giờ chuyển sang cây ăn quả, thời gian thu hoạch lâu hơn và liệu có thành công hay không. Thiếu tá Bùi Triệu Phú đã “gỡ bí” bằng cách tìm đến con rể của bà Y Nguyệt là anh Kring Thiết - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nông Nhầy 2 để “nói chuyện”.
Anh cũng đề xuất với chỉ huy đồn cho “mượn người” để giúp bà Nguyệt cải tạo vườn. Ao cá được nạo vét lấy bùn đắp cao bờ để trồng số dừa xiêm do đồn Biên phòng hỗ trợ. Con rể bà Y Nguyệt cũng bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua cá trắm cỏ giống thả xuống ao. Qua 1 năm, cây đã bén rễ vào đất, được chăm bón đúng cách nên phát triển tốt. Bà Y Nguyệt vui mừng nói: “Trước nay, do không có người hướng dẫn, tâm lý lại sợ nên không dám làm. Giờ thì tôi tin rồi và vui lắm. Nhà còn 2 đứa con trai chưa vợ, tôi sẽ bảo các con tập trung làm vì tương lai còn nhiều thứ phải lo. Hàng xóm hay sang nhà tôi xem vườn vì thấy đẹp quá. Có vài nhà hỏi kỹ lắm, chắc họ cũng muốn làm giống nhà tôi”.
Gần Đội công tác địa bàn xã Đắk Nông có ông Phạm Văn Long, quê ở Thanh Hóa, năm 1976 nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Sau khi xuất ngũ, ông đã ở lại mảnh đất này lấy vợ, sinh con. Vợ chồng ông Long tuổi đã cao, sức khỏe yếunên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông Long có vườn khá rộng, nhưng sau một thời gian trồng cao su không cho mủ ông đã chặt để trồng sắn. Tiền bán sắn cũng chẳng được đáng là bao nên ông Long cũng chỉ trồng một khoảng còn lại để hoang. Sau nhiều lần đến chơi, thấy “đất bỏ không phí quá”, Thiếu tá Bùi Triệu Phú đã ngỏ ý với ông Long về việc cải tạo lại vườn. Anh tìm đến Vườn ươm Kim Thảo (thị trấn Ngọc Hồi, huyện Ngọc Hồi) để tìm hiểu, nhờ tư vấn trồng cây gì, chăm sóc thế nào và được gợi ý trồng cây cau lùn và dừa xiêm. Nhà vườn cũng “hẹn” khi nào cau có quả sẽ giúp kết nối để bán, còn dừa thì nhiều hộ đã trồng bán vì nhu cầu của người dân ngoài thị trấn cũng nhiều.
Thấy những điều Thiếu tá Bùi Triệu Phú nói có lý, cán bộ trong Đội công tác địa bàn xã Đắk Nông đã nhất trí góp tiền để mua cây giống, phân bón giúp gia đình ông Long. Ý định ban đầu, mỗi người ủng hộ vài trăm nghìn coi như bớt tiền cà phê sáng. Thế nhưng khi bắt tay vào cuộc, ai cũng tin rằng mô hình sẽ thành công thế nên số tiền góp được lên tới gần 4 triệu đồng. Mọi người xuống nhà ông Long, mỗi người giúp một tay làm đất. Các con của ông Long thấy bộ đội đến làm nên dù ở xa cũng tranh thủ về giúp bố mẹ. Nhờ vậy, khoảng vườn bỏ hoang nhà ông Long đã nhanh chóng được thay bằng giống cây mới. Ông Long bàn với vợ mua thêm đàn gà, đàn vịt về nuôi. Trong khi chờ cây lớn, tranh thủ đất mới cải tạo, ông bà cũng trồng xen canh thêm cây gừng và các loại gia vị khác.
Thực tế cho thấy, bằng những việc làm đầy trách nhiệm, bằng cả tâm huyết, Thiếu tá Bùi Triệu Phú không chỉ thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà hơn cả đã tạo động lực để người dân hăng hái lao động sản xuất, vượt khó, vươn lên thoát nghèo.
Bài, ảnh: THANH TRÚC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.