Dấu ấn các chương trình, chính sách dân tộc trên dải Trường Sơn
Dưới những cánh rừng trên dải Trường Sơn, nhờ những chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước mà cuộc sống của những người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã có nhiều thay đổi đáng kể. Công tác dân tộc đã và đang hỗ trợ hàng vạn đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Dãy núi Trường Sơn chạy qua 21 tỉnh, thành phố của nước ta là địa bàn sinh sống của phần đông đồng bào DTTS, là vùng có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp, kết hợp mở rộng phát triển cây dược liệu, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Những năm qua, từ các nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, nhiều dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư một cách đồng bộ, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, giảm tỷ lệ hộ nghèo và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng núi Trường Sơn.
Nếu như 10 năm trước, những con đường lên với các làng DTTS trên vùng cao Tây Giang, Nam Trà My (Quảng Nam), A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế)... vẫn vô cùng khó khăn, thì bây giờ hệ thống đường, điện, trường học, trạm y tế đã phủ khắp. Rất nhiều chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã đi vào hiện thực đời sống, mới đây nhất là các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đến với những khu tái định cư mới trên địa bàn các huyện vùng cao Quảng Nam sẽ dễ dàng nhận thấy cuộc sống của đồng bào nơi đây đang phát triển ổn định. Tại các thôn làng tái định cư, những ngôi nhà mới đã và đang được xây dựng, hệ thống giao thông, điện, nước sạch cũng đã được xây dựng mới. An cư lạc nghiệp, đồng bào tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi, cơ bản giải quyết được an ninh lương thực tại chỗ, thu nhập bình quân đầu người dân có bước cải thiện và nâng cao.
Hơn 10.300 hộ đồng bào DTTS ở Quảng Nam được tiếp cận với vốn vay ưu đãi của chương trình mục tiêu quốc gia, cùng nhiều hình thức hỗ trợ đa dạng, linh hoạt. Thông qua dòng vốn vay này, nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết đầu tư vào kinh doanh, sản xuất, cũng như ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ và từng bước xóa bỏ được tâm lý trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận người dân.
Trong số các hộ dân thoát nghèo từ chính sách hỗ trợ tín hiệu ưu đãi, phải kể đến gia đình anh Nguyễn Văn Lượng (dân tộc Ca Dong), ở Nam Trà My. Nhiều năm trước, từ một hộ nông dân nghèo, anh Lượng đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư, mở rộng trồng vườn sâm Ngọc Linh trên cánh rừng già dưới chân núi. Sau hơn 10 năm, vườn sâm ngày nào của anh Lượng nay đã có hơn 20.000 gốc, anh trở thành tỷ phú của huyện Nam Trà My.
Hay như gia đình ông Rapát Mới (dân tộc Cơ Tu), ở thôn Atép 2, xã Bha Lêê, huyện Tây Giang, từ hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế, sau gần 10 năm, gia đình ông đã có hơn 4ha vườn keo lá tràm, kết hợp chăn nuôi bò và trồng cây dược liệu, cho thu nhập ổn định, trở thành gương sáng thoát nghèo bền vững tại địa phương.
Tại Thừa Thiên Huế, địa phương này cũng đã tích cực triển khai các nội dung trong chiến lược công tác dân tộc, lồng ghép thực hiện với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Các nội dung trong chiến lược công tác dân tộc đã giúp các huyện miền núi của Thừa Thiên Huế xây dựng được 151 công trình giao thông, 23 công trình thủy lợi, 24 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 29 công trình giáo dục và 10 công trình nước sinh hoạt. Ngoài ra, đầu tư hệ thống điện sinh hoạt, nâng cấp trạm y tế; sửa chữa, nâng cấp kè, cống thủy lợi và dân sinh từ cấp xã đến cấp thôn... Đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư cơ bản đồng bộ với 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế được đầu tư kiên cố và bán kiên cố.
Xã Hồng Vân (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) có hơn 98% số hộ là đồng bào DTTS. Toàn xã hiện có hàng chục hộ đầu tư kinh doanh dịch vụ, rất nhiều hộ đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc, lập trang trại... trở thành hộ làm kinh tế giỏi. Anh Hồ Trung Nghĩa, dân tộc Pa Cô, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: “Kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đang có nhiều chuyển biến rất tích cực nhờ việc khai triển các chính sách dân tộc đồng thời và đồng bộ. Các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào cũng được quan tâm bảo tồn, giữ vững và không ngừng được phát huy...”.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng nguồn vốn của các dự án, chính sách, dự án triển khai đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh hằng năm đạt gần 45 tỷ đồng. Nhờ đó, góp phần không nhỏ vào công việc chăm lo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho bà con trong vùng. Đến nay, 100% hộ đồng bào DTTS Thừa Thiên Huế đã được bố trí đất ở và đất sản xuất phù hợp.
Tại Kon Tum, với sự tích cực của các cấp, các ngành và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng được đầu tư hiệu quả. Mạng lưới giao thông nông thôn, thủy lợi, điện sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo nền tảng cho phát triển. Công tác phát triển đội ngũ cán bộ DTTS được quan tâm khi có 3.592 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm 20,42% tổng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Thông qua thực hiện công tác dân tộc, Kon Tum cũng tận dụng nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, tôn tạo, xây dựng 446 nhà rông truyền thống tại các làng đồng bào DTTS tại chỗ. Thúc đẩy bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng, phục vụ lễ hội, quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giai đoạn 2010-2015 giảm 4,11%/năm; giai đoạn 2015-2021 giảm 6,78%/năm..., đó là kết quả đáng ghi nhận của công tác dân tộc tại địa phương này.