Dấu ấn chuyển đổi số: Lợi đơn, lợi kép

Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định và 2 chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thúc đẩy CĐS và triển khai Đề án 06.

Tiết kiệm 3.500 tỷ đồng

Có thể thấy công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ, điều kiện thuận lợi cho CĐS quốc gia đã được triển khai đồng bộ. Chính phủ đã ban hành 1 nghị định về khu công nghệ cao; đang khẩn trương, tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở... Đã có 56/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đoàn viên thanh niên được tập huấn sử dụng các ứng dụng công nghệ số.

Đoàn viên thanh niên được tập huấn sử dụng các ứng dụng công nghệ số.

Hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển. 100% xã, phường, thị trấn có kết nối internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước. Trên 80% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với 388 hệ thống và cơ sở dữ liệu (CSDL) của 95 cơ quan, đơn vị (bình quân mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện). Nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại được khánh thành, đi vào hoạt động trong năm 2023 - 2024 (như của Viettel, VNPT, CMC...); Trung tâm Dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai. Hoàn thành đấu giá băng tần 5G, cấp phép cho doanh nghiệp (VNPT và Viettel) kinh doanh dịch vụ 5G. Các CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp Nhà nước. Cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin. Đã đưa thêm 311 cơ sở dữ liệu chuyên ngành đi vào hoạt động (lũy kế đến nay có 2.398 tổng số cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoạt động).

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12.900 tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4 (tăng 5 dịch vụ công thiết yếu so với cuối năm 2023). Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.

Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile money, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.

Mỗi bộ, ngành, địa phương có 1 đề án CĐS

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số còn chậm; chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số tại bộ, ngành, địa phương...

Tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng đã chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới: Ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: Về phát triển Chính phủ số; về phát triển kinh tế số và xã hội số; về phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022 - 2023. Mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án CĐS. Sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu. Khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số. Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi). Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ- CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động.

TUẤN KHÔI

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dau-an-chuyen-doi-so-loi-don-loi-kep-121530.html