Dấu ấn cơ quan dân cử với sự bứt phá của Hà Tĩnh
Những quyết sách của cơ quan dân cử, nhất là từ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, để lại dấu ấn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu đối với sự phát triển, bứt phá của tỉnh Hà Tĩnh.
Đại diện nhóm tác giả loạt bài Những quyết sách tạo động lực để Hà Tĩnh bứt phá (5 kỳ), giải C, giải Diên Hồng lần thứ 2, nhà báo Trương Mai Thủy chia sẻ, lâu nay, cả nước luôn biết đến Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, có điểm xuất phát thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ, hành trình vươn lên gặp nhiều khó khăn, thách thức. "Tuy nhiên, những năm gần đây, Hà Tĩnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá vươn lên thuộc nhóm tỉnh có quy mô kinh tế hàng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, là địa phương có tốc độ phát triển nhanh của cả nước. Đó là chất liệu chính để chúng tôi đi sâu bóc tách vấn đề, lựa chọn, khai thác thông tin, dữ liệu, thực hiện chuyên đề này".
Xuyên suốt các bài viết, nhóm đã phản ánh hành trình bứt phá, vươn lên của tỉnh với dấu ấn đậm nét, vai trò, vị thế, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, tập trung vào những vấn đề lớn, “nóng” mà cử tri trông mong, xây dựng các quyết sách, giúp tháo gỡ khó khăn cho người dân và địa phương.
Loạt bài Những quyết sách tạo động lực để Hà Tĩnh bứt phá đã cố gắng nêu bật những quyết sách của cơ quan dân cử đối với sự phát triển của Hà Tĩnh, nhất là từ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay. Theo đó, các khu đô thị trung tâm, khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn đã được ưu tiên quan tâm bằng cách kịp thời ban hành các chính sách đặc thù, đầu tư nguồn lực lớn để tháo gỡ vường mắc, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm... Trung tâm tỉnh lỵ, 2 đô thị động lực ở hai đầu Bắc, Nam của tỉnh và “trái tim” công nghiệp Vũng Áng được hỗ trợ tối đa về nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian, tăng cường hội nhập, phát triển theo hướng hiện đại và thông minh.
Theo nhà báo Trương Mai Thủy, những quyết sách của các cơ quan dân cử để lại dấu ấn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống, xã hội của tỉnh. Đối tượng thụ hưởng chính sách cũng khá toàn diện, gồm cả thành thị và nông thôn, miền núi và miền biển, vùng khó khăn lẫn vùng năng động... "Qua đó đã thể hiện được hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương".
Quá trình thâm nhập thực tế thực hiện loạt bài, nhà báo Trương Mai Thủy và nhóm tác giả cảm nhận được niềm vui của người dân ở xã Thạch Trị, Thạch Văn (huyện Thạch Hà), các vợ liệt sỹ (bà Lan ở TP. Hà Tĩnh; bà Liệu ở huyện Nghi Xuân), người dân xã Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh)..., nhờ sự vào cuộc của các cơ quan dân cử, trách nhiệm của những người đại biểu Nhân dân, họ đã nhận lại được quyền lợi, tài sản của mình.
"Chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui, sự tri ân của các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi...) khi họ nhận được sự chăm lo, ưu đãi, hỗ trợ từ những nghị quyết, chính sách lớn do HĐND tỉnh ban hành, hướng tới nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội", nhà báo Mai Thủy cho hay.