Dấu ấn Công đoàn Viên chức Việt Nam

Kể từ khi thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam 2/7/1994, đến nay, sau 30 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Viên Chức Việt Nam ngày càng có nhiều dấu ấn quan trọng, thể hiện ý nguyện của đông đảo công chức, viên chức, người lao động trên cả nước.

Làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền của đoàn viên, người lao động

Cách đây tròn 30 năm, ngày 02/7/1994, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa VII đã ban hành Quyết định số 739/QĐ-TLĐ về việc thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Sự ra đời của Công đoàn Viên chức Việt Nam (CĐVCVN) đã đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, thực hiện chủ trương đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần VII đề ra; là chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển tổ chức của mình, đồng thời, thể hiện nguyện vọng của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức cả nước.

Với sức mạnh là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, các cấp CĐVCVN đã tập trung tham gia xây dựng quy chế, quy định, nội quy cơ quan liên quan đến người lao động; tham gia và có tiếng nói hiệu quả tại các Hội đồng của các cơ quan, đơn vị. Cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị triển khai các giải pháp cải thiện môi trường, điều kiện làm việc; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, từng bước nâng cao thu nhập cho đoàn viên, người lao động, chú trọng bảo vệ quyền lợi lao động nữ và triển khai công tác nữ công.

Bên cạnh đó, kiến nghị và phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm CBCCVCLĐ. Chương trình Phúc lợi cho đoàn viên được Công đoàn Viên chức và các đơn vị trực thuộc triển khai phù hợp với đặc thù đối tượng đạt kết quả tốt.

Tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và chế độ, chính sách đối với người lao động. Có nhiều đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn; kịp thời chuyển tải ý kiến, mong muốn chính đáng của đoàn viên, người lao động đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành.

Các đại biểu chụp ảnh tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)

Các đại biểu chụp ảnh tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)

Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024) và biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu ngày 1/7, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, 30 năm qua, các cấp công đoàn đã làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trải qua ba thập kỷ lớn mạnh cùng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam tự hào là nơi có nhiều đổi mới, khởi xướng nhiều phong trào, cuộc vận động, mô hình hay, cách làm hiệu quả, đề xuất các giải thưởng có sức lan tỏa rộng lớn.

Điển hình là Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu", nay là "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo", phong trào "Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả", phong trào "Thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí", Giải thưởng "Gương mặt của năm", Giải thưởng "Cống hiến", mô hình tổ chức các các cuộc thi cải cách hành chính, mô hình công đoàn ngành phối hợp với các bộ triển khai các chương trình công tác, nhiệm vụ chuyên môn, đem lại hiệu quả thiết thực...

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động

Trong những năm qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực và có hiệu quả với trọng tâm là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của đất nước và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Tuy nhiên, để áp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, cũng như nhu cầu ngày càng lớn hơn của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới, việc tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cả về nội dung và phương thức, gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị là một một trong những hoạt động trọng tâm được Công đoàn Viên chức Việt Nam thường xuyên quan tâm.

Bên cạnh chỉ đạo hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với tất cả các LĐLĐ tỉnh, thành phố chỉ đạo hoạt động Công đoàn Viên chức các địa phương, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống Công đoàn Viên chức thực hiện các nhiệm vụ đặc thù, tập trung vào nhiệm vụ tham gia cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, chất lượng tham mưu, phục vụ; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, 30 năm hình thành và phát triển với rất nhiều thành tựu đã đạt được và cả những việc còn dang dở, đội ngũ cán bộ Công đoàn Viên chức hiện nay rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, để định hướng cho chặng đường tiếp theo phía trước, đó là: Nắm chắc, quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị trong hoạt động công đoàn; Không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn;

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình, sáng tạo, sâu sát với cơ sở; Chủ động tham mưu với cấp ủy, đề xuất với công đoàn cấp trên, phối hợp với thủ trưởng cơ quan, chính quyền đồng cấp; Coi trọng vai trò chủ thể của đoàn viên, phát huy sức sáng tạo, năng lực của từng cá nhân trong hoạt động công đoàn.

"Với tinh thần nhìn lại để đi tới, đổi mới và phát triển, cán bộ, đoàn viên Công đoàn Viên chức Việt Nam nguyện kế thừa và phát huy truyền thống, nỗ lực không ngừng, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lập nên nhiều thành tích mới trong chặng đường tiếp theo", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Hiện nay, Công đoàn Viên chức Việt Nam có 60 đơn vị trực thuộc (trong đó, có 25 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 35 công đoàn cơ sở) với hơn 600 công đoàn cơ sở; số lượng đoàn viên của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 2,2 vạn đoàn viên lúc mới thành lập (1994) đến nay đã lên trên 8,4 vạn đoàn viên.

Việt An

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/dau-an-cong-doan-vien-chuc-viet-nam-438681.html