Dấu ấn của đại biểu Hội đồng nhân dân mang quân hàm xanh (bài 3)
Những cán bộ của BĐBP Nghệ An được đào tạo bài bản, khi tham gia cấp ủy, HĐND tại các địa phương biên giới đã phát huy tinh thần trách nhiệm, góp sức cùng tập thể tạo sự chuyển biến tích cực trên các mặt công tác. Tuy nhiên, quá trình triển khai chủ trương cũng đang bộc lộ những mặt hạn chế nhất định gây 'khó xử' cho chính quyền địa phương. Chính vì vậy, cần có những cơ chế phù hợp đối với cán bộ mang quân hàm xanh khi thực hiện nhiệm vụ tại các xã biên giới.
Bài 3: Tạo cơ chế để cán bộ Biên phòng hoàn thành nhiệm vụ
Còn những bất cập
Nhiệm kỳ 2021-2026, có 2 đồng chí cán bộ của BĐBP Nghệ An trúng cử HĐND cấp huyện, 23 đồng chí trúng cử HĐND cấp xã biên giới. Trải qua thực thế công tác, đội ngũ cán bộ BĐBP tham gia HĐND cấp huyện, xã biên giới đang khẳng định được vai trò của mình.
Tại các địa phương, đại biểu HĐND mang quân hàm xanh phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tham mưu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tích cực tham gia kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đại biểu HĐND cấp xã mang quân hàm xanh đã tham mưu thực hiện, giám sát nhiều chương trình, mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, góp sức đưa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện. Thông qua đó, mối quan hệ giữa đơn vị lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương thêm gắn bó, sự đoàn kết quân, dân ngày càng bền chặt, góp phần xây dựng các xã biên giới vững mạnh về mọi mặt.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chủ trương giới thiệu cán bộ Biên phòng tham gia HĐND tại các địa phương biên giới của tỉnh Nghệ An đang có những hạn chế nhất định. Cụ thể như cán bộ cấp đội của đồn Biên phòng tham gia HĐND cấp xã nhưng trực thuộc sự quản lý, điều động của chỉ huy đơn vị nên khó đảm nhiệm chức trách đại biểu dân bầu lâu dài. Chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ trong Quân đội, trực tiếp là BĐBP cũng gây ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ “kép” của các đại biểu HĐND mang quân hàm xanh tại địa phương. Bởi theo luật quy định, HĐND cấp xã không được bầu bổ sung nên khi đại biểu là cán bộ Biên phòng chuyển đơn vị công tác sẽ để lại “lỗ hổng” nhất định.
Câu chuyện của Trung úy Lương Văn Lợi, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Keng Đu là dẫn chứng điển hình. Trung úy Lợi trúng cử HĐND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn nhiệm kỳ 2021-2026, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, quân nhân trẻ này đã được điều động nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới. Do đó, HĐND xã Keng Đu buộc phải miễn nhiệm tư cách đại biểu HĐND của cán bộ đồn Biên phòng nhưng không thể bầu bổ sung cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ.
Trao đổi với chúng tôi về chủ trương cán bộ Biên phòng tham gia HĐND các địa phương biên giới, ông Mạc Văn Nguyên, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương, Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Tương Dương cho biết:“Chủ trương giới thiệu cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy, HĐND trên địa bàn huyện Tương Dương đang phát huy hiệu quả. Các cán bộ Biên phòng “gánh việc xã” đã có nhiều đóng góp quan trọng cho chính quyền địa phương, nhất là đảm bảo an ninh, quốc phòng, giúp dân xóa đói giảm nghèo. Trong những năm qua, chúng tôi đề nghị Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An có cơ chế đặc thù trong công tác luân chuyển cán bộ, đảm bảo tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương được ổn định, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ Biên phòng yên tâm thực hiện nhiệm vụ tại xã”.
Quan tâm quy hoạch nguồn cán bộ cho địa phương
Trong điều kiện hệ thống chính trị cơ sở còn hạn chế, cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới tỉnh Nghệ An mong muốn Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An duy trì lâu dài chủ trương cử cán bộ Biên phòng tăng cường xã, tham gia cấp ủy, HĐND xã. Tuy nhiên, để cán bộ Biên phòng tham gia công tác tại địa phương phát huy hiệu quả hơn thì cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trong điều kiện của một huyện biên giới còn nhiều khó khăn như Kỳ Sơn thì chủ trương đưa cán bộ Biên phòng về tăng cường xã, tham gia cấp ủy, HĐND có ý nghĩa rất quan trọng. Cán bộ Biên phòng làm việc tại địa phương đã góp sức cùng cấp ủy, chính quyền, HĐND đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, phục vụ nhân dân tốt hơn, đảm bảo về quốc phòng, an ninh tại địa bàn biên giới. Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian tiếp theo, chúng tôi mong muốn BĐBP cần có những cơ chế, điều chỉnh về chủ trương cho phù hợp hơn”.
Quá trình tìm hiểu thực tế tại các địa phương biên giới tỉnh Nghệ An, chúng tôi cũng nghi nhận nhiều ý kiến về vấn đề cần có sự quan tâm đặc biệt khi giới thiệu cán bộ đồn Biên phòng tăng cường xã, tham gia cấp ủy và HĐND xã. Ông Vi Văn Du, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết: “Những năm qua, Trung tá Nguyễn Bá Kiệm, cán bộ Biên phòng tăng cường xã giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ có nhiều đóng góp cho địa phương, được nhân dân rất tín nhiệm. Chúng tôi rất tiếc khi nhiệm kỳ 2021-2026, không thể giới thiệu đồng chí Kiệm tham gia HĐND xã vì anh ấy sắp đến thời gian nghỉ hưu theo chế độ của Quân đội”.
Đại diện chính quyền các địa phương biên giới của tỉnh Nghệ An cũng mong muốn BĐBP cần quan tâm chọn cán bộ đủ trình độ, năng lực, tâm huyết và đảm bảo về thời gian công tác đảm nhận các nhiệm vụ tại các xã biên giới. Đặc biệt, phải tránh được việc quân nhân mới tham gia công tác tại các xã biên giới được một thời gian ngắn lại luân chuyển đơn vị khác hoặc nghỉ hưu theo chế độ.
“Tôi nghĩ rằng nên giới thiệu đồng chí cán bộ Biên phòng tăng cường, giữ chức danh Phó Bí thư đảng ủy xã biên giới ứng cử tham gia đại biểu HĐND cấp xã. Khi trúng cử, công tác tại địa phương, cán bộ Biên phòng gánh nhiệm vụ “hai vai” sẽ có thời gian, điều kiện để bám địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Để khắc phục được những hạn chế trên, BĐBP cần tập trung chuẩn bị, quy hoạch nguồn nhân lực lâu dài cho các địa phương biên giới, để khi cán bộ Biên phòng về làm cán bộ xã, tham gia HĐND xã phải gắn bó ít nhất từ một đến hai nhiệm kỳ” - ông Vi Hòe khẳng định.