Dấu ấn của GS-TS Trần Hồng Quân trong đổi mới giáo dục
GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã đưa ra những quyết sách giáo dục được đánh giá là mới mẻ, táo bạo, 'cởi trói' giáo dục đại học, xây dựng nền tảng cho giáo dục phổ thông.
Do tuổi cao, sức yếu, GS-TS Trần Hồng Quân đã từ trần vào lúc 13 giờ 2 phút ngày 25-8-2023 tại BV Quân y 175, hưởng thọ 87 tuổi. Lễ tang GS-TS Trần Hồng Quân được tổ chức với nghi thức lễ tang cấp cao từ 11 giờ ngày 27-8 tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TP.HCM).
Chính sách mở cho đại học tư thục
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa TP.HCM, nhìn nhận GS-TS Trần Hồng Quân là người đã đưa ra những chính sách quan trọng, thúc đẩy đổi mới giáo dục ĐH.
“Tôi có cơ hội làm việc khá lâu với GS-TS Trần Hồng Quân. Từ khi thầy còn là trưởng khoa Cơ khí, vì ở thời điểm đó tôi là phó khoa” - ông Tống nói.
Đến thăm GS-TS Trần Hồng Quân ngày 20-11-2019, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (thời điểm đó là trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) bày tỏ Đảng, Nhà nước đánh giá cao sự đóng góp của GS-TS Trần Hồng Quân trong sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
“Ở cương vị bộ trưởng Bộ GD&ĐT hay khi đã về nghỉ theo chế độ chính sách, thầy luôn dành thời gian, tâm huyết góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục. Thời gian gần đây, thầy vẫn thường xuyên tham dự các hội thảo, hội nghị và có những ý kiến để xây dựng chính sách phát triển ngành, cũng như xây dựng đội ngũ chăm lo cho thế hệ học sinh, sinh viên” - ông Võ Văn Thưởng phát biểu.
Theo ông Tống, GS-TS Trần Hồng Quân đã có yêu cầu phải đổi mới chương trình đào tạo về ngành cơ khí. Sau đó, chương trình này được nhiều ĐH đánh giá cao. Đây cũng là một đóng góp rất lớn của thầy trong nền tảng khoa học cơ khí.
“Đến khi giữ chức hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, GS-TS Trần Hồng Quân đã đặt hàng tôi xây dựng chương trình kỹ sư hàng không. Mặc dù thời điểm đó, vì một số lý do không thể thực hiện nhưng đã cho thấy được tầm nhìn xa của thầy về một ngành học phát triển trong tương lai” - ông Tống bộc bạch.
Tuy nhiên, phải đến 15 năm sau, năm 1995, PGS-TS Tống mới xây dựng được chương trình hàng không và năm 1996 mở đồng loạt cùng với ĐH Bách khoa Hà Nội.
Ông Tống cho biết thêm GS-TS Trần Hồng Quân là người khởi xướng để mở ra hệ thống các trường ĐH ngoài công lập khi thầy ở vị trí bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
“Khi đó, ở phía Bắc đã có mấy trường ĐH theo mô hình ĐH tư, còn trong Nam thì tôi tham gia cùng với một người khác mở Trường ĐH Hoa Sen đào tạo hai năm và có thu học phí. Thời điểm đó Nhà nước hoàn toàn bao cấp, miễn học phí, sinh viên được hưởng nhiều chế độ ưu đãi nhưng số lượng không đủ trong khi nhu cầu học ĐH rất nhiều. Vì thế, chính sách mở ĐH tư đã thúc đẩy giáo dục ĐH phát triển, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của xã hội” - ông Tống bày tỏ.
Một cải cách chấn động do GS-TS Trần Hồng Quân đưa ra, theo ông Tống, là chính sách bầu cử hiệu trưởng ở tất cả trường ĐH vào năm 1989. Ông Tống đánh giá những hiệu trưởng được bầu vào thời điểm đó đều rất xuất sắc trong chuyên môn và quản trị. Chính họ đã làm thay đổi và phát triển môi trường giáo dục ĐH.
Là người thầy |uôn trăn trở cho sự nghiệp giáo dục
PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết GS-TS Trần Hồng Quân là một người thầy mẫu mực, nhà giáo dục có tâm huyết, cả cuộc đời thầy luôn dành cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam, ngay cả thời gian trước khi thầy mất vẫn luôn trăn trở cho giáo dục.
“Thầy là người có tinh thần đổi mới giáo dục” - ông Phong nói.
Ông Phong dẫn chứng vào năm 1993, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tiên phong trong việc xây dựng và đưa hệ thống tín chỉ vào nhà trường. Thời đó, các trường chủ yếu học theo niên khóa. Việc đưa hệ thống tín chỉ vào trường cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. GS-TS Trần Hồng Quân khi đó là bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ủng hộ rất mạnh mẽ. Cuối cùng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là trường đầu tiên của cả nước đưa hệ thống tín chỉ vào nhà trường, cách đây đúng 30 năm.
Bà Đặng Huyền Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chia sẻ: “GS-TS Trần Hồng Quân là một người hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Giáo sư sống rất tình cảm, quan tâm đến cơ sở. Tôi có kỷ niệm rất sâu sắc với thầy khi tôi làm giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long. Lúc đó còn nhiều khó khăn, có những gia đình ở vùng sâu, vùng xa rất nghèo, rồi những em bị khuyết tật cần có chính sách riêng trong tuyển sinh. Tôi đã đề nghị ưu tiên, hạ điểm chuẩn xuống đối với những trường hợp này, giáo sư rất quan tâm và đồng tình”.
Còn đối với ông Nguyễn Cao Đạt, cố vấn hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long thì GS-TS Trần Hồng Quân đã có những hỗ trợ cho trường về xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất. “Trường ĐH Cửu Long trước đây là trường dân lập, đầu tiên và duy nhất tại khu vực ĐBSCL. Khi thành lập, trường chỉ có 50 giảng viên. Đến nay đã có hơn 800 giảng viên, đội ngũ ngày càng lớn mạnh vì đã đi đúng hướng” - thầy Đạt nói.
Nhiều đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng GS-TS Trần Hồng Quân
Trong ngày 27-8, nhiều đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, TP.HCM đã đến viếng GS-TS Trần Hồng Quân.
Đoàn của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương do bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, làm trưởng đoàn.
Bà Bùi Thị Minh Hoài đã thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương dâng nén nhang tưởng nhớ GS-TS Trần Hồng Quân, bày tỏ sự ghi nhớ và biết ơn những đóng góp của ông.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa kính viếng.
Dẫn đầu đoàn lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên viết trong sổ tang những dòng trang trọng dành cho GS-TS Trần Hồng Quân: “Một người thầy khả kính, một cán bộ liêm chính, tận tụy. Một đảng viên cộng sản kiên trung, mẫu mực đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì Dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Một cán bộ lãnh đạo quản lý tài năng, dám nghĩ, dám làm. Một nhà giáo đầy tâm huyết, luôn khát khao đổi mới giáo dục nước nhà, người đã góp phần khởi xướng và đặt nền móng cho công cuộc đổi mới căn bản giáo dục ĐH trong giai đoạn đầu của sự nghiệp đổi mới và theo đuổi cho đến ngày cuối của cuộc đời”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn Ban cán sự Đảng bộ Bộ GD&ĐT cùng ban lãnh đạo bộ thay mặt cho ngành GD&ĐT vào viếng. Ông Sơn viết trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc GS-TS Trần Hồng Quân, nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị xã hội với nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, cho xã hội và ngành GD&ĐT.
Thay mặt cho toàn thể ngành GD&ĐT, cho các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên, xin kính cẩn dâng nén tâm hương tiễn biệt giáo sư. Ngành GD&ĐT mãi mãi ghi nhớ những đóng góp của giáo sư cho ngành, cho sự nghiệp trồng người. Tập thể ban lãnh đạo bộ, các cán bộ làm việc trong ngành nguyện mãi mãi noi theo tấm gương mẫu mực của thầy, một nhà giáo, nhà khoa học hết mình vì dân, vì nước, vì sự nghiệp giáo dục. Xin gửi tới gia đình của giáo sư lời chia buồn sâu sắc. Xin thay mặt cho toàn ngành kính lễ, tưởng nhớ và tiễn biệt thầy”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dau-an-cua-gs-ts-tran-hong-quan-trong-doi-moi-giao-duc-post748778.html