Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Quốc hội Việt Nam

Bài 2:
XÂY DỰNG QUỐC HỘI CHUYÊN NGHIỆP, HIỆU QUẢ

BPO - Song song với công tác lập hiến, lập pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên tất cả lĩnh vực công tác của Quốc hội nước ta.

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Đánh giá về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ ra: “Quốc hội vẫn chưa thực sự trở thành một thiết chế đủ mạnh để hoàn thành được đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định”. Bước sang nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội khóa XII, đồng chí đã dành nhiều tâm huyết để đổi mới tổ chức, bộ máy của Quốc hội cũng như nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội. Nhằm chuyên môn hóa và nâng cao hiệu quả các mặt công tác trong lĩnh vực tư pháp và tài chính, ngân sách, Quốc hội khóa XII đã quyết định thành lập thêm 2 ủy ban mới là Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính và Ngân sách.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thăm cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước năm 2009

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thăm cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước năm 2009

Với việc xác định chất lượng đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách, sẽ quyết định trực tiếp đến kết quả hoạt động của Quốc hội. Quốc hội khóa XII đã tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên 145 người, chiếm 29,41% tổng số đại biểu, trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cùng với đó, các đại biểu cũng liên hệ ngày càng chặt chẽ, mật thiết với cử tri, từ đó kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri đến nghị trường.

Bằng quyết tâm đổi mới, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Quốc hội không ngừng đổi mới, kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trên từng nhiệm vụ, trong từng lĩnh vực, ở từng thời kỳ. Đồng chí cũng đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu, phát triển tư duy lý luận và thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.

Giám sát không còn là “điểm yếu”

Nếu lập hiến, lập pháp được xác định là chức năng hàng đầu thì giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước là chức năng đặc biệt quan trọng của Quốc hội nước ta. Thời gian qua, việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đã có những bước tiến dài, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, vào thời điểm đồng chí Nguyễn Phú Trọng mới nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI, công tác giám sát của Quốc hội vẫn còn không ít “điểm nghẽn”, nhất là tình trạng giám sát nặng về chiều rộng mà thiếu chiều sâu, nể nang, hình thức, dĩ hòa vi quý…

“Quốc hội còn lúng túng trong việc thực hiện chức năng giám sát”. Đó là đánh giá tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4-2006). Từ thực tế nêu trên, Đại hội X đặt ra nhiệm vụ phải thực hiện tốt hơn chức năng giám sát tối cao. 2 tháng sau Đại hội X, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Làm sao để bắt nhịp vào công việc của Quốc hội? Làm thế nào để nâng cao hiệu quả giám sát? Đó là những đề bài không hề dễ cho tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Nhưng, với những bước đi hết sức thận trọng, dưới sự lãnh đạo, điều hành của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chất lượng công tác giám sát của Quốc hội đã không ngừng được nâng cao. Cùng với hoạt động giám sát tối cao thông qua việc xem xét báo cáo của các cơ quan, bộ, ngành, Quốc hội cũng đã đẩy mạnh hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn.

Thực hiện đúng cam kết “sẽ cố gắng hết sức mình, khắc phục khó khăn, ra sức học tập và rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, kế tục xứng đáng nhiệm vụ của các đồng chí đi trước, góp phần cùng các đại biểu Quốc hội và cơ quan của Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, cả trên lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” khi phát biểu nhậm chức ngày 26-6-2006, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều tâm huyết để nâng cao hiệu quả công tác giám sát.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu tại phiên họp tổ, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV- Ảnh:M.H

Nhiều vấn đề “nóng”, bức xúc, được cử tri quan tâm đã được Quốc hội lựa chọn để tiến hành giám sát chuyên đề. Trong nhiệm kỳ khóa XII, Quốc hội đã tập trung giám sát các chuyên đề lớn như: Việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010… Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, chuyên đề đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương đã được tái giám sát. Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát lại đối với một chuyên đề mà Quốc hội đã ban hành nghị quyết qua hoạt động giám sát trước đó (tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI). Kết quả tái giám sát, Quốc hội thẳng thắn chỉ ra: “Một số hạn chế, yếu kém của công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước đã được nêu trong báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XI và trong Nghị quyết số 36/2004/NQ-QH11 của Quốc hội khóa XI chậm được khắc phục”. Quốc hội đã “dám” và đã “sát” hơn; tình trạng nể nang, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý trong công tác giám sát dần được đẩy lùi. Thông qua công tác giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, sai sót, khuyết điểm để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách.

Cùng với giám sát tối cao, hoạt động chất vấn - một hình thức giám sát trực tiếp đã được đổi mới mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, hoạt động chất vấn tại nghị trường có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng dân chủ, thiết thực, hiệu quả, sôi nổi hơn. So với trước đó, việc chất vấn được thực hiện theo nhóm vấn đề với sự tham gia của nhiều bộ trưởng, trưởng ngành. Cùng với đó, khi nhận được câu hỏi chất vấn từ đại biểu Quốc hội, đối tượng được chất vấn sẽ tăng cường trả lời trực tiếp, tăng thời gian đối thoại, đồng thời hạn chế thấp nhất thời gian trả lời bằng văn bản. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra ngày càng sôi nổi, nhận được sự đánh giá cao từ cử tri cả nước. Một điểm mới khác trong hoạt động chất vấn dưới thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội là đã ra nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp cuối năm. Việc tổng hợp chất vấn, theo dõi kết quả thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn được thực hiện thường xuyên, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn.

Cùng với giám sát tối cao, hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, mang tính chủ động và đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao trách nhiệm của cả chủ thể chịu sự giám sát và chủ thể giám sát.

Nối tiếp những “nền móng” mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tạo lập khi giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, ở các nhiệm kỳ tiếp theo, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới cả về tư duy, phương pháp thực hiện, được các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước và nhân dân đánh giá cao. Đến nay, hoạt động giám sát được thực hiện ngày càng có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch Quốc hội (2006-2011) cũng là thời kỳ nước ta tăng tốc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 do Đại hội IX của Đảng đề ra. Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thực tế này đặt ra yêu cầu Quốc hội phải nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào thực tiễn, bám sát hơi thở cuộc sống, đưa cuộc sống vào các nghị quyết của Quốc hội. Không phụ sự kỳ vọng của nhân dân và cử tri cả nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng Quốc hội quyết định nhiều vấn đề có tính chất bước ngoặt, tạo cơ sở để đất nước vươn mình. Dấu ấn đậm nét đầu tiên phải kể đến là tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11-2006), Quốc hội khóa XI đã phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bước tiếp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trước hết, trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (năm 2008) đã tạo ra không ít khó khăn cho nước ta. Tuy nhiên, với năng lực lãnh đạo, trình độ dự báo và khả năng phản ứng chính sách, Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ thành công vượt qua khủng hoảng, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, ngay tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII từ 5 năm xuống 4 năm và kéo dài nhiệm kỳ hoạt động của HĐND và UBND các cấp để thống nhất bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào cùng một thời điểm.

Đối với công tác địa giới hành chính, để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong giai đoạn mới, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai. Tiếp đó, Quốc hội cũng quyết định điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và đông đảo nhân dân bởi ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng phát triển của các địa phương. Đến nay, Thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành nói chung đang ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và hiện đại hơn.

Theo Nghị quyết số 14/2008/NQ-QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, toàn bộ diện tích tự nhiên 128,48 ha và dân số hiện tại 830 người của ấp C10 thuộc xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chuyển về xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Sau điều chỉnh, tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên 688.215,67 ha và dân số 832.334 người.

Cũng cần nói thêm, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói riêng và toàn thể Quốc hội nói chung xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, dân chủ, bảo đảm những vấn đề được thông qua phải thực sự “chín”. Với những nội dung chưa rõ, chưa đáp ứng yêu cầu như chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Quốc hội khóa XII không thông qua mà tiếp tục giao Chính phủ nghiên cứu, rà soát và trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp. Điều đó càng thể hiện tư duy nhất quán, tầm nhìn chiến lược, sâu sắc, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân”.

Nâng tầm vị thế và uy tín của Quốc hội Việt Nam

Trong xu thế hội nhập, cùng với đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân thì hoạt động ngoại giao của Quốc hội không ngừng củng cố và mở rộng, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, lần đầu tiên nước ta có đại diện được bầu vào Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Thế giới nhiệm kỳ 2008-2011. Cùng với đó, Quốc hội nước ta cũng tích cực tham gia các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF), Hội nghị đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP), diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương… Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội nước ta còn đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA). Đồng thời, các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương cũng tiếp tục triển khai hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia nhiều hoạt động ngoại giao nghị viện cũng như trực tiếp đón tiếp nhiều đoàn công tác của nghị viện các nước đến Việt Nam. Có thể khẳng định, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Quốc hội triển khai hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần thông tin, quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam nói chung, Quốc hội nói riêng trên trường quốc tế.

Sau này, khi trở thành người đứng đầu Đảng, với đường lối ngoại giao “cây tre Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng tầm đối ngoại và ngoại giao Việt Nam. Nhờ đó, thế và lực nước ta không ngừng được củng cố, dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Trên các cương vị công tác khác nhau, với tầm nhìn xa, trông rộng, trí tuệ uyên bác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục “xây móng”, “đắp nền” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu” như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng ngày 31-10-2024.

Trần Hoàng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/165442/dau-an-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-voi-quoc-hoi-viet-nam