Dấu ấn kiến trúc đình Ngọc Cục

Đình Ngọc Cục ở thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng (Bình Giang) được khởi dựng vào năm Giáp Thìn thời Hồng Đức (năm 1484).

Đình Ngọc Cục là một trong số ít đình làng của Hải Dương có kiểu kiến trúc chữ Công (I)

Đình Ngọc Cục là một trong số ít đình làng của Hải Dương có kiểu kiến trúc chữ Công (I)

Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến năm 1544 đình được làm bằng gỗ lim, quay hướng nam. Vào năm Tân Dậu niên hiệu Tự Đức 14 (năm 1861) đình được xoay hướng tây và năm Quý Mão, Thành Thái thứ 5 (năm 1903), đình được nhân dân bỏ công sức, tiền bạc trùng tu lớn, chạm khắc cầu kỳ. Hiện nay, đình có 4 hạng mục, gồm nghi môn, đại bái, trung đình và hậu cung.

"Uống nước giếng Chằm/ Nằm đình Guộc Cả”

Đó là câu ca dao của nhân dân trong vùng nói về đình Ngọc Cục. Ngôi đình này còn có tên là đình Guộc Cả, vốn là tên làng từ thế kỷ XVI. Đầu thế kỷ XIX, Ngọc Cục thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Trước đây, đình Ngọc Cục từng là ngôi đình lớn nhất tổng Ngọc Cục.

Đình Ngọc Cục hiện có kiến trúc thời Nguyễn đậm nét. Tòa đại bái làm kiểu lòng thuyền tứ trụ, toàn bộ phần gỗ được đỡ bằng các cột lim vững chắc, đứng trên chân tảng đá. Hầu như hệ thống cột, xà, hoành còn tương đối nguyên vẹn, với những mảng chạm trổ tài tình đã tạo ra những bức tranh sinh động trên mỗi bức cốn, xà đinh, đầu dư và đầu đấu của đình.

Chủ đề chạm khắc được bố trí rõ ràng, ít trùng lặp với các nhóm chính là “Tứ quý” (tùng, cúc, trúc, mai), “Tứ linh” (long, ly, quy, phượng) có điểm thêm hoa sen, hoa hồng và một số loại hoa văn truyền thống khác. Ở mái tòa tiền tế, bờ nóc đắp 'lưỡng long chầu nguyệt", hai bên có nghê chầu.

Đài gỗ sơn son thời Nguyễn là một trong những đồ tế tự đang được lưu giữ tại đình Ngọc Cục

Đài gỗ sơn son thời Nguyễn là một trong những đồ tế tự đang được lưu giữ tại đình Ngọc Cục

Trung đình và hậu cung có kiến trúc kiểu giá chiêng. Hậu cung gồm 4 gian nằm ngang tạo nên ngôi đình hình chữ Công (工). Trung từ có 3 gian, kiến trúc kiểu giá chiêng. Ở chính điện đặt hương án cao 1,2m, dài 1,3 m, rộng 70 cm được sơn son, thếp vàng, diềm trang trí cuốn thư và hoa hồng, cành trúc. Phía ngoài hương án còn 1 sập gỗ kiểu chân quỳ, diềm xung quanh chạm lộng hoa văn, chữ thọ. Bên trên hương án và sập bày một số đồ tế tự như đài gỗ, mâm bồng, nậm rượu…

Qua nghiên cứu kiến trúc cho thấy đình Ngọc Cục là một trong số ít di tích đình làng của Hải Dương còn bảo lưu được kiến trúc theo kiểu chữ Công (工). Đây là công trình văn hóa tương đối vững chãi và đồng bộ, được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ.

Các mảng chạm khắc được bố trí rõ ràng, ít trùng lặp với các chủ đề chính là “Tứ quý”và “Tứ linh”

Các mảng chạm khắc được bố trí rõ ràng, ít trùng lặp với các chủ đề chính là “Tứ quý”và “Tứ linh”

Theo lịch sử và thần tích còn lưu giữ thì đình Ngọc Cục thờ hai vị Thành hoàng. Vị Thành hoàng thứ nhất có tên là Phạm Trí, người có công giúp Phạm Ngũ Lão đánh giặc Nguyên Mông lập nhiều chiến công hiển hách ở thế kỷ XIII. Khi giặc tan, ông không về làm quan mà về Ngọc Cục mở trường dạy học, đào tạo nhiều nhân tài cho địa phương, khi mất được dân làng lập miếu thờ ở ngay trên nền nhà dạy học của ông còn gọi là Nghè Ngọ. Sau đó ông được suy tôn là Thành hoàng rước về thờ tại đình.

Vị Thành hoàng thứ hai là Ất Sơn Đại Vương, quê ở làng Đanh Xá, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi (Hưng Yên). Đây là một viên tướng trẻ thời Hùng Vương được giao thống lĩnh nhạc quân sơn bộ. Sau đó có công đánh giặc Triệu Đà xâm lược, được nhân dân Đanh Xá lập đền thờ ở xứ Đống Voi, với ngũ hiệu “Ất Sơn Đại vương”. Đền rất linh thiêng, ai buôn bán vào cầu đều linh ứng. Sau này, có một người làng Ngọc Cục khi cầu linh ứng đã xin được rước khí thần về thờ tại đình Ngọc Cục.

Hai vị Thành hoàng đều được các triều đại phong kiến phong sắc. Ngoài hai vị Thành hoàng làng được tôn thờ, đình Ngọc Cục còn phối thờ 9 vị tiến sĩ người địa phương gồm: Vũ Thiệu, Phạm Duy Viên, Trương Hữu Phỉ, Phạm Điển, Bùi Danh Kiên, Phạm Liễn, Phạm Hữu Dung, Đào Tuấn Ngạn và Nguyễn Tĩnh Trai. Ngoài ra, đình còn thờ hai vị võ tướng là Trí Nghiêm Chiêu Võ Thượng tướng quân và Phục Hổ Vũ tướng quân, đây là hai vị võ tướng thời Lê có nhiều công lao trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Ngọc Cục là nơi triển khai kế hoạch giành chính quyền huyện năm 1945. Lễ hội hằng năm được tổ chức trọng thể vào các ngày mồng 9 tháng giêng (ngày sinh của Thành hoàng Phạm Trí), ngày mùng 10 tháng 3 (ngày sinh của Ất Sơn Đại Vương) và ngày mùng 5 tháng 10 (ngày mất của thân mẫu Ất Sơn).

Đình Ngọc Cục đã được Bộ Văn hóa-Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2001.

Theo trưởng thôn Ngọc Cục Đào Đình Duyên, đình được trùng tu gần đây nhất vào năm 2014 với kinh phí gần 700 triệu đồng.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dau-an-kien-truc-dinh-ngoc-cuc-359718.html