Dấu ấn một chặng đường
Trong suốt 25 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về đổi mới, cải cách chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Đó là những hành trang quý báu, tạo nên những dấu ấn đặc biệt trong việc bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội (ASXH), góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Hành trình 25 năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Hòa cùng tiến trình đổi mới đất nước
Ngay từ khi thành lập nước, Ðảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về các chế độ BHXH và nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp từng giai đoạn phát triển. Ðể đáp ứng yêu cầu đổi mới của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và phù hợp xu thế phát triển BHXH của các nước trên thế giới, Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991) đã xác định: "Ðổi mới chính sách BHXH theo hướng: mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều đóng góp vào quỹ BHXH. Từng bước tách quỹ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước khỏi ngân sách và hình thành quỹ BHXH chung cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế... Phát triển bảo hiểm khám chữa bệnh, tăng ngân sách cho hoạt động khám chữa bệnh". Ðáp ứng yêu cầu khách quan này, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX đã thông qua Bộ luật Lao động, trong đó có một chương quy định về BHXH. Theo đó, tất cả những người lao động hưởng lương trong các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế đều là đối tượng tham gia BHXH. Quỹ BHXH dần tiến tới hình thành nguồn quỹ tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động, người lao động, được Nhà nước bảo trợ.
Ðể thống nhất quản lý việc thu, chi, quản lý Quỹ BHXH theo quy định của Bộ luật Lao động, ngày 16-2-1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19-CP về việc thành lập BHXH Việt Nam, chính thức giao BHXH Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chế độ, chính sách và quản lý, sử dụng Quỹ BHXH. Tiếp đó, ngày 24-1-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2002/QÐ-TTg chuyển giao bộ máy tổ chức và nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT, quản lý Quỹ BHYT từ BHYT Việt Nam về BHXH Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 (khóa VIII) và Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ.
Ðây là những bước đổi mới quan trọng trong hệ thống chính sách và việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhằm đáp ứng mục tiêu công bằng về quyền lợi đối với người lao động, giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước; đồng thời nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong thực hiện chính sách BHXH, phù hợp tiến trình đổi mới đất nước theo định hướng XHCN.
Dấu ấn an sinh
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, nhưng được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ngành BHXH đã đạt được những bước tiến vững chắc, với nhiều kết quả khá toàn diện, nổi bật, thể hiện trong một số mục tiêu chủ yếu: Nếu như năm 1995, ngành BHXH mới quản lý 2,2 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, nhưng đến cuối năm 2019, số người tham gia BHXH là 15,7 triệu người. Năm 2008, có 6.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nhưng đến cuối năm 2019, có 574 nghìn người tham gia; số người tham gia BHYT tăng từ 13 triệu người năm 2003 (năm sáp nhập BHYT Việt Nam về BHXH Việt Nam) lên 85,9 triệu người năm 2019. Ðặc biệt, chỉ trong năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng gần 300 nghìn người, lớn hơn số người tham gia của 10 năm trước. Ðây là tiền đề hết sức quan trọng trong việc thực hiện lộ trình BHXH, BHYT toàn dân và BHXH theo mục tiêu mà Ðảng và Nhà nước đã đặt ra… Những con số nêu trên cho thấy diện bao phủ của chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã không ngừng được mở rộng, mỗi năm có thêm hàng trăm nghìn người lao động, hàng triệu người dân được bảo vệ thông qua các chế độ BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm an sinh, tạo sự an toàn, ổn định xã hội, tiến tới mục tiêu công bằng xã hội.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành cũng như tạo thuận lợi, sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Nếu năm 2009, số TTHC của ngành là 263 thủ tục, nhưng đến nay chỉ còn 27 thủ tục; nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ bảy ngày xuống còn năm ngày và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện, hoặc không có thay đổi về thông tin... Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh; BHXH Việt Nam đã xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung toàn ngành, cấp mã số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình; thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp; đã cung cấp được 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hệ thống thông tin giám định kết nối 100% với cơ sở khám chữa bệnh; các phần mềm quản lý nghiệp vụ ngày càng hoàn thiện; đã đưa vào vận hành Trung tâm Ðiều hành hệ thống CNTT, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động... Với những kết quả đạt được nêu trên, trong hai năm liền (2018, 2019), BHXH Việt Nam đáp ứng cao về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.
Sẵn sàng với những mục tiêu mới
Trong 25 năm qua, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành quả hết sức ấn tượng, khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống ASXH. Ðặc biệt, trong giai đoạn mới, chính sách ASXH cho người dân luôn được Ðảng và Nhà nước quan tâm, điều chỉnh phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong quá trình hội nhập. Trong 10 năm trở lại đây, Ðảng đã ban hành ba nghị quyết quan trọng về ASXH, đó là Nghị quyết số 15 -NQ/TW ngày 1-6-2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, đưa ra quan điểm, giải pháp ở tầm chiến lược về bảo đảm ASXH tiếp cận dựa trên quyền con người và khẳng định vai trò trụ cột chính của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống ASXH; và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, đã hình thành chính sách BHXH đa tầng, mở ra thời kỳ mới để mọi người đều được tham gia vào hệ thống BHXH. Ðây là những chủ trương lớn, mang lại nhiều cơ hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Thực tiễn đó cũng đặt ra cho ngành BHXH những nhiệm vụ rất lớn, đó là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ các đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân theo mục tiêu các Nghị quyết đã đề ra. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối quỹ BHXH bền vững trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT; xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chặng đường phát triển tiếp theo của BHXH Việt Nam sẽ là thử thách lớn, trong quá trình thực hiện các mục tiêu sẽ có không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống 25 xây dựng, trưởng thành và phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, trách nhiệm với công việc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục đưa ngành BHXH thực hiện thắng lợi các mục tiêu về ASXH, tạo bước phát triển mới, ngày càng vững mạnh.
Nguyễn Thị Minh
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam