Dấu ấn một nhiệm kỳ
Nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, kế thừa và phát huy thành quả từ các nhiệm kỳ trước, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, sự đồng thuận của hội viên, phụ nữ toàn tỉnh, công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
• ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Theo bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, kết quả nổi bật nhất trong nhiệm kỳ qua đó là việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác Hội và phong trào phụ nữ. Đặc biệt, chủ động hướng hoạt động mang lại giá trị thiết thực, có chiều rộng và chiều sâu, sự bền vững, tác động tích cực, mang lại lợi ích thật sự cho hội viên, phụ nữ.
Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội” và “Mỗi cơ sở một hoạt động, mỗi hội viên một việc làm”, các hoạt động Hội hướng về cơ sở. Các cấp Hội đã chọn những hoạt động trọng tâm, hình thức sáng tạo triển khai phong trào phụ nữ đến hội viên phù hợp với vùng, miền, chú trọng sở thích và đặc điểm dân cư, vùng có đông hội viên phụ nữ các dân tộc thiểu số (DTTS) với nhiều mô hình, cách làm thiết thực.
Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua được các cấp Hội xác định rõ từng chủ đề phù hợp lồng ghép vào từng hoạt động của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Lâm Đồng “Tự trọng rèn đức, tự tin luyện tài, trung hậu đảm đang, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện 8 tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và các phong trào “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Qua phong trào, các cấp Hội cơ sở đã giới thiệu hơn 1.600 gương điển hình tiêu biểu, mô hình hiệu quả, cách làm hay trong thực hiện phong trào, trong đó có nhiều gương điển hình phụ nữ DTTS, phụ nữ có đạo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, một nội dung đã có sự chuyển biến tích cực là việc theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát được các cấp Hội theo dõi và đôn đốc kịp thời. Đến nay, qua theo dõi các kiến nghị, đề xuất của Hội sau giám sát đã được các địa phương, đơn vị tiếp thu thông qua báo cáo, kết quả triển khai, thực hiện của các địa phương, đơn vị. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của phụ nữ, khẳng định vai trò, chức năng của tổ chức Hội trong tập hợp, truyền đạt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhờ đó, cùng với các hoạt động của Hội đã thu hút ngày càng đông đảo phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Trong nhiệm kỳ, đã phát triển trên 8.000 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh hơn 160.000, đạt 68,8%, không có cơ sở hội tập hợp hội viên dưới 50%.
• NHIỀU PHONG TRÀO CỤ THỂ, THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ
5 năm qua, các hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp đều gắn liền với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động Phụ nữ Lâm Đồng “Tự trọng rèn đức - Tự tin luyện tài - Trung hậu đảm đang - Xây dựng gia đình hạnh phúc”. Trong đó, phong trào thi đua “Làm theo Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia với nhiều mô hình như: “Heo đất tiết kiệm”, “Tổ phụ nữ tiết kiệm”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập”, “Kết nối yêu thương”, “Tiết kiệm làm theo Bác”, “Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo”, mô hình “5 giúp 1”, “10 giúp 1”... Qua đó, đã có nhiều hội viên phụ nữ nghèo được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động xây dựng và sửa chữa 187 mái ấm tình thương trị giá gần 8 tỷ đồng. Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, phụ nữ vùng sâu, vùng xa cũng được tích cực hưởng ứng, qua đó giúp được nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các em học sinh nghèo vượt khó trong học tập...
Thông qua thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” cùng các đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, dự án 3 của đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”; đến nay, toàn tỉnh có 187 chi hội phụ nữ kiểu mẫu thực hiện mô hình 5 không, 3 sạch, 21 mô hình về xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu, có gần 160.000 hộ gia đình hội viên đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và trên 80% hộ gia đình được công nhận. Đồng thời có 140 mô hình Câu lạc bộ, chi, tổ, nhóm phụ nữ “Nuôi dạy con tốt” và 14 Câu lạc bộ “Kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên”, 35 mô hình về tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình...
Hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các gia đình chính sách cũng tăng trưởng tín dụng đều hàng năm, với tổng nguồn vốn hiện đang quản lý hơn 1.400 tỷ đồng cho trên 39 ngàn hộ vay. Cùng với hoạt động hỗ trợ vốn, Hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu tại địa phương, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ. Đã có trên 32 ngàn phụ nữ nghèo được giúp, gần 13 ngàn hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều trong 5 năm qua.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, đã có 292 ý tưởng tham gia Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh, có 28 ý tưởng tham gia dự thi khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, trong đó có 7 ý tưởng đoạt giải cao.
Đặc biệt, trong đợt đại dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh tham gia Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi cả cha mẹ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, tham gia “Những chuyến xe yêu thương” hỗ trợ các tỉnh bạn, tham gia giám sát, hỗ trợ cho Nhân dân theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1900/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay phù hợp trong công tác phòng, chống dịch. Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tăng gia sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp trong tình hình dịch bệnh; kết nối tiêu thụ thu mua nông sản hỗ trợ giá cho hội viên, phụ nữ…
Với những đóng góp của mình, cán bộ, hội viên Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, 5 năm liền được tặng bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và bằng khen của UBND tỉnh; 4 chị cán bộ Hội được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 1 chị nhận giải thưởng “Phụ nữ tự tin tiến bước”, nhiều chị được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp…
“Trong nhiệm kỳ tới, với tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Đổi mới-Sáng tạo” xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần đưa Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong hệ thống Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đưa phong trào phụ nữ của tỉnh tiến lên một bước tiến mới”, bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho biết.