Dấu ấn năm cửa ô Hà Nội
Câu hát 'Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…' trong bài 'Tiến về Hà Nội' của nhạc sĩ Văn Cao không chỉ gợi nhớ đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954, nó còn phản ánh diện mạo đô thị, cửa ngõ Hà Nội xưa kia.
Sau 68 năm giải phóng (1954 – 2022), Hà Nội hôm nay đã khác xưa nhiều, nhộn nhịp, phồn hoa và phát triển vượt bậc. Bóng dáng năm cửa ô giờ đây đã hiển hiện lên các cửa ngõ giao thông trọng điểm, là xương sống trong mạng lưới giao thông của một Thủ đô không ngừng hội nhập và phát triển.
Ô Chợ Dừa hiện nay là điểm giao cắt của 6 tuyến phố Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa. Đây đồng thời là nút giao thông vô cùng quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của Hà Nội.
Ô Cầu Giấy nằm ở đoạn cây cầu bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư đường Láng - Bưởi - Cầu Giấy - Kim Mã, điểm giao nhau đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội và tuyến đường Vành đai 2 trên cao.
Ô Cầu Dền chính là ngã tư lớn nối 4 tuyến phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt. Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu. Di tích Ô Quan Chưởng ngày nay nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, là cửa ô duy nhất còn giữ lại dáng vẻ xưa cũ, cổ kính, trầm mặc cùng thời gian. Đây cũng là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Dù trải qua thời gian và nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, năm cửa ô của Hà Nội (xưa là cửa ô của kinh thành Thăng Long): Ô Cầu Dền, ô Đống Mác, ô Quan Chưởng, ô Cầu Giấy, ô Chợ Dừa vẫn gắn bó với người dân Hà Nội và đi vào thơ ca, văn học, trở thành những địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-an-nam-cua-o-ha-noi.html