Dấu ấn ngành phim ảnh năm 2021
Thành công của 'Spider-Man: No Way Home', hiện tượng toàn cầu 'Squid Game' hay vị thế dẫn đầu tại phòng vé Trung Quốc là những chuyện đáng nhớ trong làng phim năm qua.
Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nước vẫn chưa thể mở hoàn toàn rạp chiếu vào đầu năm nay. Nối dài xu hướng từ năm 2020, các đại gia Hollywood tiếp tục thử nghiệm mô hình phát hành trực tuyến, hoặc kết hợp giữa trực tuyến và chiếu rạp. Tuy nhiên, cách phát hành mới này dường như cho kết quả không ấn tượng, đôi khi còn dẫn đến tranh cãi như giữa Scarlett Johansson và công ty Disney quanh phim Black Widow.
Phòng vé dần hồi sinh vào cuối năm
Ở nửa sau năm, khi tình hình dịch bệnh sáng sủa hơn, các hãng lớn của Hollywood hầu như quay về mô hình cũ: chiếu rạp một thời gian rồi mới phát hành trực tuyến. Một số bom tấn như Shang-Chi, Eternals, No Time To Die hay Spider-Man: No Way Home bắt đầu đạt doanh thu khả quan.
Điều này cho thấy những dự án lớn vẫn rất cần doanh thu ở rạp để bù lại cho kinh phí khổng lồ của mình. Trong năm 2022, cán cân giữa hai hình thức phát hành, cũng như biến chuyển khó lường của dịch bệnh, vẫn sẽ là những vấn đề lớn của làng phim.
Spider-Man: No Way Home “giải cứu” phòng vé
Thành công lớn của bộ phim thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel được xem như làn gió mát cuối năm cho Hollywood. Đến ngày 26/12, tác phẩm đã vượt một tỷ USD toàn cầu, trở thành phim đầu tiên đạt mốc này từ khi Covid-19 bắt đầu. Spider-Man: No Way Home cũng vượt The Battle at Lake Changjin trở thành phim ăn khách nhất năm.
Bất chấp các e ngại về biến chủng Omicron, bộ phim mới đã thu hút nhiều khán giả đến rạp nhờ kỹ xảo đẹp mắt và câu chuyện quy tụ cả những Người Nhện cũ. Trước khi phim ra mắt, sự đồn đoán về việc có hay không Tobey Maguire và Andrew Garfield được dùng như một chiêu bài quảng bá, gia tăng sự tò mò của fan. Yếu tố đa vũ trụ cũng được lồng ghép tốt để mở ra hướng đi mới cho các dự án tiếp theo của cả Disney và Sony (đơn vị giữ bản quyền phim về Người Nhện).
Trung Quốc xây chắc ngôi thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới
Theo Variety, Trung Quốc sẽ đạt doanh thu phòng vé 7 tỷ USD cuối năm (39% thị trường toàn cầu) còn Mỹ chỉ là 3,7 tỷ USD (21% toàn cầu). Như vậy, Trung Quốc tiếp tục giữ ngôi thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, thứ họ chiếm được từ năm 2020. Các phim ăn khách The Battle at Lake Changjin (902 triệu USD), Hi, Mom (822 triệu USD) và Detective Chinatown 3 (686 triệu USD) đóng góp lớn cho phòng vé nước này.
Nửa đầu năm, khi rạp Mỹ vẫn đau đầu vì dịch bệnh, Trung Quốc hồi phục hoạt động chiếu bóng nhanh hơn. Nửa cuối năm, một số rạp ở quốc gia 1,4 tỷ dân bị đóng cửa trong đợt nhiễm mới. Tuy nhiên, thành tích tổng cả năm của nước này vẫn đủ để gần gấp đôi Mỹ.
Với ưu thế về dân số, phòng vé Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục vượt Mỹ. Nền công nghiệp điện ảnh của nước này cũng đã có thể tạo ra nhiều tác phẩm ăn khách, chiều lòng số đông khán giả như The Battle at Lake Changjin hay Hi, Mom. Hai năm qua, khi nhiều phim Hollywood dời lịch, rạp Trung Quốc được nuôi dưỡng nhờ nguồn tác phẩm nội.
Sự khác biệt về khán giả mục tiêu giữa phim Trung Quốc và Mỹ cũng rõ nét hơn trong năm nay. Những tác phẩm Trung Quốc hầu như hướng đến thị trường này, chứ chưa đạt kết quả bên ngoài biên giới. The Battle at Lake Changjin, phim ăn khách nhất năm của nước này, kể về trận chiến giữa Trung Quốc và Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. Nó thắng lớn ở phòng vé nội nhưng không hấp dẫn khán giả bên ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, Hollywood vẫn tiếp tục chiến lược với các bom tấn mang tính toàn cầu, như No Time to Die hay Spider-Man: Homecoming.
Liên hoan phim Cannes trở lại
Sau một năm gián đoạn, LHP Cannes - sự kiện điện ảnh danh giá hàng đầu thế giới - tái xuất trong năm 2021. Chương trình từ ngày 6 đến 17/7 một lần nữa trở thành tâm điểm của giới làm phim nghệ thuật và những tác phẩm mang ngôn ngữ độc đáo. Giải Cành cọ Vàng được trao cho bộ phim đầy tranh cãi Titane của đạo diễn Julia Ducournau. Tác phẩm dài 108 phút liên tiếp gây sốc người xem khi kể về cô gái sát nhân hàng loạt, có khoái cảm kỳ lạ rồi làm tình với xe hơi.
Đây mới là lần thứ hai giải cao nhất của liên hoan phim thuộc về một nữ đạo diễn. Danh hiệu này cũng tiếp nối tinh thần của Cannes là không ngại tôn vinh những bộ phim có quan điểm nghệ thuật đặc trưng, đôi khi cực đoan. Một số tác phẩm nổi bật khác ở sự kiện năm nay là Benedetta (đạo diễn Paul Verhoeven) hay Drive My Car (Ryusuke Hamaguchi).
Squid Game thành hiện tượng toàn cầu
Ra mắt ngày 17/9, bộ phim Hàn Quốc nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trong hệ thống Netflix ở nhiều quốc gia. Tác phẩm này xoay quanh một trò chơi sinh tử, nơi nhiều người nghèo có cơ hội đổi đời nếu giành chiến thắng cuối cùng. Song từng màn chơi chứa đầy những hiểm nguy có thể đoạt mạng thí sinh. Họ còn phải lừa gạt và đối đầu nhau trên con đường tới chiến thắng.
Dù không phải tác phẩm đầu tiên theo mô-típ này, Squid Game vẫn gây ấn tượng mạnh nhờ diễn xuất và cách khai thác câu chuyện thông minh, xoáy vào tâm lý con người. Phần hình ảnh trong phim cũng bắt mắt và đáng nhớ, trong đó nhiều chi tiết đã đi vào văn hóa đại chúng như phần kẹo để bóc tách hay trang phục của đám lính canh.
Ở tầm cao hơn, thành công của Squid Game cho thấy tiềm năng của các series phát hành trực tuyến. Hệ thống Netflix bao phủ nhiều quốc gia khiến tác phẩm nhanh chóng thu hút lượng lớn người hâm mộ. Đây cũng là cơ hội lớn cho các nhà làm phim ngoài Hollywood, bởi họ có thể nhanh chóng “đổi đời” nếu làm ra những tác phẩm lan tỏa cao như Squid Game hay Money Heist.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-an-nganh-phim-anh-nam-2021-post1285833.html