Dấu ấn người đồng hành

Năm 2020 là một năm đầy thách thức với cả nước nói chung, tổ chức công đoàn nói riêng. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lũ lụt xảy ra ở miền trung tác động xấu tới thu nhập, đời sống của hàng chục triệu người lao động (NLĐ). Bối cảnh đó đặt ra cho hoạt động của tổ chức công đoàn những thách thức không nhỏ. Trong khó khăn đã tạo ra động lực thúc đẩy các cấp công đoàn nhạy bén, thích ứng với tình hình mới. Đây cũng chính là cơ hội để tổ chức công đoàn khẳng định vị thế, vai trò là chỗ dựa tin cậy, gắn bó máu thịt, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của đoàn viên, NLĐ.

Năm 2020 là một năm đầy thách thức với cả nước nói chung, tổ chức công đoàn nói riêng. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lũ lụt xảy ra ở miền trung tác động xấu tới thu nhập, đời sống của hàng chục triệu người lao động (NLĐ). Bối cảnh đó đặt ra cho hoạt động của tổ chức công đoàn những thách thức không nhỏ. Trong khó khăn đã tạo ra động lực thúc đẩy các cấp công đoàn nhạy bén, thích ứng với tình hình mới. Đây cũng chính là cơ hội để tổ chức công đoàn khẳng định vị thế, vai trò là chỗ dựa tin cậy, gắn bó máu thịt, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của đoàn viên, NLĐ.

Năm “đặc biệt”

Hằng năm, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, tổ chức công đoàn thường chú trọng phát động phong trào thi đua, động viên, cổ vũ đội ngũ đoàn viên, NLĐ hăng hái thi đua lao động. Thế nhưng, ngay những ngày đầu năm 2020, tổ chức công đoàn Việt Nam lại khẩn trương bắt tay ngay vào công tác phòng, chống dịch bệnh, chia sẻ, động viên, hỗ trợ kịp thời đoàn viên, NLĐ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Có thể nói, NLĐ sản xuất trực tiếp là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất do đại dịch. Tính đến tháng 9-2020, cả nước có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập, phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, khoảng 14,0% bị mất việc làm. Thu nhập bình quân giảm còn 6,7 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2019. Lợi dụng những khó khăn về tài chính cũng như nhận thức chưa đầy đủ của NLĐ, “tín dụng đen” hoạt động trở lại tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, gây mất an toàn trật tự, đe dọa sự an toàn của NLĐ. Xuất hiện tình trạng thu mua, gom sổ Bảo hiểm xã hội. Một số đối tượng giả mạo công ty, đơn vị giới thiệu môi giới việc làm để lừa đảo, thu phí của NLĐ nhằm trục lợi cá nhân, khiến đời sống của công nhân, lao động (CNLĐ) càng khó khăn hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã có những giải pháp tích cực, kịp thời, từng bước hỗ trợ người dân trong đó có NLĐ vượt qua khó khăn, tạo được sự tin tưởng của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, một bộ phận CNLĐ không tránh khỏi tâm trạng băn khoăn trước nguy cơ thiếu, mất việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh kéo dài, những diễn biến bất thường của thời tiết, ô nhiễm môi trường, cháy nổ, tai nạn lao động.

Nhanh chóng nhận định những thách thức, khó khăn từ dịch Covid-19 đè nặng lên vai NLĐ, chia sẻ khó khăn với DN, tổ chức công đoàn sớm có chủ trương lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đối tượng đoàn viên có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở. Vận động cán bộ công đoàn chuyên trách ủng hộ mỗi tháng một ngày lương trong thời gian ba tháng (từ tháng 6 đến 8-2020). Đồng thời ban hành quyết định chi hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nguồn tài chính công đoàn. Kết quả, các cấp công đoàn đã chi gần 657 tỷ đồng nhằm hỗ trợ, chăm lo gần 657 nghìn NLĐ, trong đó nguồn tài chính công đoàn là chủ yếu, chiếm hơn 65,2%. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch; đồng thời, chỉ đạo công đoàn các cấp tích cực, chủ động phối hợp chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động ứng phó với dịch bệnh, đặt sức khỏe, tính mạng của NLĐ lên hàng đầu.

Ngay sau khi dịch Covid-19 khởi phát trở lại tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam, đã có 41 công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) dương tính với Covid-19, trong đó có một trường hợp thiệt mạng, hơn 4.500 người bị cách ly, hơn 33 nghìn người bị ảnh hưởng. Tổng Liên đoàn tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp hỗ trợ, đồng thời tích cực đề xuất, tham gia ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng gói hỗ trợ lần hai; sửa đổi Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vướng mắc về bảo hiểm y tế cho NLĐ phải tạm dừng hợp đồng lao động. Công đoàn cơ sở (CĐCS) tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, NLĐ trong tham gia phòng, chống dịch bệnh; phối hợp chủ DN sắp xếp lại sản xuất, lao động, duy trì việc làm, thu nhập, giải quyết chính sách cho NLĐ bị giãn việc, nghỉ việc. Công đoàn cấp trên cơ sở tích cực, sáng tạo các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. Những cây ATM gạo nghĩa tình được triển khai trên khắp mọi miền đất nước; những “siêu thị 0 đồng” được tổ chức, những bữa cơm 0 đồng được trao tận tay NLĐ đúng lúc, kịp thời, góp phần hỗ trợ đoàn viên và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trước những thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền trung, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp chính quyền, chuyên môn tổ chức các hoạt động phòng, chống lũ lụt và khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Kêu gọi CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn trong cả nước, các đơn vị, DN, các nhà hảo tâm giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất cho người dân vùng lũ. Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn các địa phương bị lũ lụt đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, góp phần khắc phục hậu quả lũ lụt, chăm lo, động viên, thăm hỏi đoàn viên, NLĐ và nhân dân bị nạn.

Những “dấu ấn” công đoàn

Mặc dù trong bối cảnh cùng với cả nước tập trung khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, nhưng tổ chức công đoàn vẫn tổ chức thành công Tháng Công nhân với chủ đề phù hợp với thực tiễn: “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt” và “Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định”. Các hoạt động cụ thể tập trung thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch, vừa nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Liên đoàn tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ dành thời gian đi thăm, động viên, tặng quà công nhân, lao động Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử Foster (Khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ đối với giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn; phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2020.

Cũng chính trong bối cảnh đặc biệt mới, tổ chức công đoàn Việt Nam đã có nhiều sáng kiến hoạt động nổi bật từ cấp CĐCS lên tới cấp Tổng Liên đoàn. Có thể kể tới sự chủ động, sáng tạo của Công đoàn Y tế Việt Nam trong tham mưu chính sách chăm lo cho NLĐ khi dịch xuất hiện. Công đoàn Y tế đã chủ động tham mưu Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế trình Chính phủ nâng mức phụ cấp cho nhân viên y tế trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 từ 150 nghìn đồng/người/ngày lên 300 nghìn đồng/người/ngày. Kết quả, Chính phủ đã quyết nghị nội dung này trong Nghị quyết số 37 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngay sau khi dịch bùng phát, Công đoàn y tế Việt Nam kịp thời có mặt tại những đơn vị tuyến đầu chống dịch của ngành Y tế để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đoàn viên công đoàn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Công đoàn Y tế Vĩnh Phúc, Công đoàn Y tế Hà Nội, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư. Nhiều CĐCS có sáng kiến trong công tác chống dịch, trong đó 60 CĐCS có các sáng kiến bảo vệ đoàn viên trong dịch bệnh: sản xuất nước rửa tay, mũ chống giọt bắn, khẩu trang, quyên góp tài chính và nhu yếu phẩm hỗ trợ đoàn viên công đoàn... Cũng trong đại dịch, đã có 28 đơn vị thực hiện các hoạt động cải tiến kỹ thuật như cải tiến sử dụng buồng gây mê, cải tiến rô-bốt vận chuyển thức ăn cho bệnh nhân, cải tiến mũ trùm đầu, khiên lấy mẫu bệnh phẩm, sáng kiến máy rửa tay tự động.

Trong bối cảnh khó khăn, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ chia sẻ khó khăn với DN, tích cực tham gia các phong trào thi đua nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. Các cấp công đoàn đã tổ chức các đại hội, hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua. Cuối tháng 9 vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức thành công đại hội thi đua yêu nước trong CNVCLĐ cả nước giai đoạn 2015 - 2020.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Năm 2021 là năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với chủ đề “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở”, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, hoạt động công đoàn các cấp năm 2021 tập trung các nội dung: Tích cực, chủ động trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua phục hồi sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ. Nhiệm vụ trước mắt là tập trung huy động các nguồn lực để tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán 2021 với mục tiêu “Không để NLĐ nào không có Tết”.

ĐẶNG THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/dau-an-nguoi-dong-hanh-628021/