Dấu ấn nhiếp ảnh An Giang
72 năm hình thành và phát triển, nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ống kính của các nhà nhiếp ảnh đã để lại một 'pho sử' quý giá, phản ánh những bước ngoặt trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và sự phát triển trong thời kỳ đổi mới; không chỉ qua các tác phẩm nghệ thuật, mà còn qua những bức ảnh phản ánh lịch sử, xã hội và văn hóa của đất nước.

Các thế hệ nhiếp ảnh gia, từ các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) lão thành đến các phóng viên chiến trường và những người làm nghề nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới, đã cống hiến hết mình để xây dựng một nền nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến về kỹ thuật và đậm đà bản sắc dân tộc. Họ đã góp phần tạo nên một kho tàng di sản văn hóa, giúp cho thế hệ mai sau có thể hiểu rõ hơn về những thời khắc lịch sử, những hy sinh và khát vọng của dân tộc trong tiến trình phát triển.
Như “cánh diều no gió”, nhiếp ảnh An Giang được đà bay cao, gặt hái được rất nhiều thành quả, tiếp tục khẳng định nội lực và sắc màu riêng. Các NSNA ở An Giang đã đóng góp rất nhiều cho hoạt động nhiếp ảnh cả nước. Với cảnh sắc thiên nhiên phong phú, nền văn hóa đa dạng và con người hiếu khách, An Giang đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều NSNA. Các tác phẩm không chỉ phản ánh vẻ đẹp của quê hương, mà còn lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử và đời sống xã hội.
Điển hình như NSNA Nguyễn Phương Ngoan (Tước hiệu NSNA Cống hiến xuất sắc ES.VAPA), ông từng là phóng viên chiến trường ghi lại những bức ảnh kháng chiến của quân dân An Giang. Bộ ảnh tư liệu của ông là di sản quý giá, giúp chúng ta hiểu thêm về những khó khăn gian khổ của quân dân ta trong kháng chiến, những hình ảnh thể hiện sự anh dũng kiên cường đánh thắng giặc ngoại xâm, đem lại độc lập tự do cho dân tộc…
Gần đây là NSNA Cao Minh Dẹt. Anh là người có thành tích cao với nhiều giải thưởng nhất trong các NSNA ở An Giang. Đặc biệt vào cuối năm 2024, anh đạt được giải thưởng nhiếp ảnh lớn là Huy chương Đồng cuộc thi và triển lãm cấp quốc gia “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III/2024, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; giải nhì và giải khuyến khích Cuộc thi ảnh toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân do Tổng cục Chính trị - Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội NSNA Việt Nam tổ chức…
Ngoài ra, còn có NSNA Nguyễn Hoàng Nam đã cống hiến cho nhiếp ảnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung những bức ảnh mang giá trị nghệ thuật cao. Tác giả Trần Lộc đoạt Huy chương Bạc (với tác phẩm “Nuôi cá ba sa xuất khẩu”) và NSNA Huỳnh Phúc Hậu đoạt giải khuyến khích với tác phẩm “Vì những trái tim khỏe mạnh” tại Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ 39 tại Vĩnh Long… Và còn nhiều NSNA tên tuổi, như: NSNA Nguyễn Long, NSNA Huỳnh Phúc Hậu, NSNA Trần Kim Luận, NSNA Võ Trung Kiên, NSNA Nguyễn Nhậm, NSNA Nguyễn Phúc Đoan…
Một trong những dấu ấn hoạt động nổi bật đầu năm 2025 của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh là phối hợp Sở Y tế tổ chức thành công Trại sáng tác văn học - nghệ thuật về ngành y. Lĩnh vực nhiếp ảnh đóng góp rất lớn vào sự thành công của trại sáng tác với gần 180 tác phẩm ảnh, ban tổ chức đã tuyển chọn 70 bức ảnh xuất sắc nhất để triển lãm và phục vụ công tác tuyên truyền, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của ngành y tế. Các tác phẩm đều thể hiện tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, sự dấn thân, tìm tòi và trách nhiệm xã hội của các văn nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm ảnh đã thực sự chạm đến trái tim người xem, khi thể hiện được chiều sâu tâm lý, những nỗi niềm riêng mà ít ai thấy được đằng sau chiếc áo blouse trắng. Đó là những đêm trực dài dằng dặc, là những quyết định sinh tử trong phòng mổ, là giọt nước mắt của bệnh nhân khi được cứu sống, hay là sự lo lắng, hồi hộp của người thân đang chờ tin từ bác sĩ…
Theo họa sĩ Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của Phân hội Nhiếp ảnh và các NSNA trong năm qua, nhất là những NSNA lão thành, đội ngũ NSNA trẻ tài năng có những tác phẩm có giá trị đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và nền nhiếp ảnh tỉnh nhà. Qua đó, mong muốn thế hệ hôm nay tiếp tục giữ gìn và phát huy đam mê nghề nghiệp, tạo ra những tác phẩm có giá trị về thẩm mỹ và tư tưởng, phục vụ công chúng, cũng như góp phần vào các nhiệm vụ chính trị...
Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Loan cho rằng, sứ mệnh đặt trên vai của anh chị em văn nghệ sĩ nói chung, NSNA là nặng nề, nhưng vẻ vang, không chỉ sáng tạo những tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật, mà còn có trách nhiệm cao cả trong việc phục vụ sự phát triển của địa phương và đất nước. Bởi, nghệ thuật không chỉ là sự sáng tạo đơn thuần, mà còn phải gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng các giá trị văn hóa và trách nhiệm xã hội. Mong muốn anh chị em nghệ sĩ vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cầm máy, nhiệt huyết trong sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm này không chỉ quảng bá vẻ đẹp của vùng đất An Giang, mà còn góp phần xây dựng cầu nối văn hóa, đưa hình ảnh con người và vùng đất An Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dau-an-nhiep-anh-an-giang-a418137.html