Dấu ấn nhiếp ảnh Trần Lam
Đầu năm mới 2025, tôi gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc quốc gia và quốc tế Trần Lam, ngụ phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Ông bước sang tuổi bát tuần với mái tóc bạc, khuôn mặt hiền hòa nhưng ánh mắt sâu thẳm, sắc sảo. Ấn tượng đầu tiên về ông là sự khiêm nhường, ít nói, nhưng những tác phẩm ông tạo ra lại mang một sức hút đặc biệt.
Gia tài nhiếp ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam lưu giữ trong 4 chiếc ổ cứng 4TB, chứa đựng những ký ức, khoảnh khắc lịch sử và cảm xúc mà ông đã cẩn thận ghi lại nhiều năm qua. Ông chọn một ổ cứng và mở ra cho tôi xem. Trên màn hình, từng bức ảnh được sắp xếp theo chủ đề bắt đầu hiện lên. Một thế giới đầy màu sắc và cảm xúc mở ra trước mắt tôi. Mỗi bức ảnh chứa đựng một câu chuyện, thông điệp riêng mà chỉ người cầm máy như ông mới có thể thấu hiểu và truyền tải một cách rõ ràng nhất.
Điểm nổi bật trong phong cách nhiếp ảnh của ông Trần Lam là khả năng nắm bắt những khoảnh khắc mà người ta dễ bỏ qua, nhưng lại chứa đựng vô vàn cảm xúc. Và ông dễ dàng biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc.
Một bức ảnh khiến tôi xúc động khi được chiêm ngưỡng những tác phẩm cũ của ông là hình ảnh một cụ bà ngồi ở hàng ghế chờ của bệnh viện, ánh sáng mờ nhạt từ phía ngoài chiếu vào khuôn mặt bà. Nói về khoảnh khắc chụp ảnh cụ bà này, ông Trần Lam cho biết ông phải quan sát khá lâu, chờ đợi khoảnh khắc ánh sáng chiếu vào khuôn mặt bà để tạo ra sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng.
Bà ngồi im lặng, ánh mắt xa xăm nhìn về phía phòng phẫu thuật, nơi có những bác sĩ đang tích cực mang lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo. Bức ảnh ấy ghi lại hình ảnh người phụ nữ trải qua những vất vả trong cuộc sống nhưng vẫn giữ được sự yên bình, niềm hy vọng trong tâm hồn.
Một trong những bức ảnh mà ông Trần Lam rất tự hào là hình ảnh cổng tam quan TP. Rạch Giá vào những năm 80 của thế kỷ XX. Trong ảnh, ánh sáng mặt trời chiếu xuống, vài chiếc xe máy lướt qua và trên đỉnh công trình, lá cờ Việt Nam bay phấp phới. Phía trên cổng tam quan là trời xanh, mây trắng, xung quanh có cây xanh bao phủ, tạo nên cảnh sắc mộc mạc, bình dị nhưng đầy cảm xúc.
Đây là 1 trong 52 bức ảnh của ông được Tổ chức Nhiếp ảnh thế giới World Photography chọn trưng bày tại bảo tàng Italy. “Tôi chụp ảnh này nhằm ghi lại biểu tượng của Kiên Giang và truyền tải niềm tự hào đối với quê hương thứ hai của tôi. Dù không tốn nhiều công sức, nhưng bức ảnh giờ đây trở thành một tác phẩm hiếm có, không thể tái tạo. Cổng tam quan vẫn ở đó, nhưng không ai có thể chụp lại cảnh vật ngày xưa nữa”, ông Trần Lam nói.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam sinh ra ở Hậu Giang, nhưng có nhiều năm sống tại Kiên Giang. Ông mê chụp ảnh từ nhỏ. Năm 15 tuổi ông biết dùng máy ảnh qua sự chỉ dẫn của cha, nhưng chưa có thời gian và cơ hội tìm hiểu sâu. 16 tuổi ông tham gia cách mạng, sau đó đảm nhiệm một số chức vụ như Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang.
Đến năm 1995, khi đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông phát hiện mình mắc bệnh viêm gan siêu vi C tối cấp, tỷ lệ sống chỉ 5%. Thời điểm đó, có đến 6 người bạn ông quen biết cũng mất vì căn bệnh này. Do đó ông nghỉ việc, dành thời gian đi đến những vùng quê tìm thuốc trị bệnh và chụp ảnh kỷ niệm.
Không được đào tạo bài bản về nhiếp ảnh, nhưng ông Trần Lam lại có một sự nghiệp nhiếp ảnh vô cùng ấn tượng và đáng ngưỡng mộ. Ông đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong và ngoài nước, được nhiều tổ chức nhiếp ảnh có uy tín vinh danh.
Năm 2008, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Cùng năm, bức ảnh “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” của ông được một doanh nghiệp mua lại với giá 1 triệu đô la… Số tiền này được dùng làm kinh phí phẫu thuật 500 ca bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, ông Trần Lam xuất bản 4 cuốn sách ảnh, lần lượt là “Kiên Giang quê tôi”, “Sách ảnh Trần Lam”, “Khoảnh khắc thiên nhiên” và mới đây là “Nhạn và hải âu Kiên Giang”. Cuốn sách “Nhạn và hải âu Kiên Giang” gồm 200 tấm ảnh in màu khổ lớn, được chọn lọc từ hàng ngàn tấm ảnh của ông chụp hai loài chim bè bạn của vùng biển giàu nắng gió Kiên Giang. Ông đã tổ chức hai cuộc triển lãm ảnh được nhiều người xem đón nhận và giới nhiếp ảnh đánh giá cao.
Về cuốn sách ảnh “Kiên Giang quê tôi” của tác giả Trần Lam, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận xét: “Tôi thấy đây là một cuốn sách ảnh khá tốt. Tác giả đã phần nào thể hiện được những nét đẹp của mảnh đất Kiên Giang cùng những thành tựu, những công trình được xây dựng trong những năm tháng đổi mới. Qua đây, tác giả đã khơi dậy, động viên được lòng tự hào, tình yêu quê hương trong lòng độc giả. Hơn thế nữa, với những hình ảnh sinh động, kỳ vĩ về vùng quê Kiên Giang, đây còn là cuốn sách hướng dẫn, quảng bá rộng rãi cho khách du lịch cũng như các nhà đầu tư. Sách có nhiều ảnh đẹp, lạ mắt, thể hiện tâm huyết, lòng say mê nghệ thuật, tình cảm của tác giả với quê hương”.
Những thành tựu mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam đạt được trong sự nghiệp nhiếp ảnh là thành quả của một cuộc đời đầy trải nghiệm, tài năng và niềm đam mê mãnh liệt. Chia sẻ về kinh nghiệm thành công của mình, ông nói rằng một nghệ sĩ cần có những tác phẩm riêng biệt, những tác phẩm để đời mà nhiều người biết đến. Để làm được điều đó, phải không ngừng học hỏi, đọc nhiều, xem nhiều và luôn cố gắng.
“Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cần đi nhiều nơi, học hỏi từ nhiều người. Tôi học từ bạn bè, những người thành công, những người trẻ và cả những người thất bại. Những người trẻ dạy tôi thấy được những điều mới mẻ, còn những người thất bại lại cho tôi bài học để tránh lặp lại sai lầm đó”, ông Trần Lam nói.
Từ ngày 5 đến 12-2-2025, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức triển lãm 85 tác phẩm được trích trong sách ảnh “Nhạn và hải âu Kiên Giang” của ông Trần Lam vừa được xuất bản. Triển lãm được tổ chức tại quán cà phê Cánh Buồm, góc đường Trần Thủ Độ - Trần Hưng Đạo, phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá).
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/dau-an-nhiep-anh-tran-lam-24393.html