Dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, trách nhiệm trên cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã ghi những dấu ấn nổi bật, được ghi nhận ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2023-2025 làm thành viên cơ quan này của tổ chức Liên hợp quốc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên họp cấp cao mở đầu khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ hồi tháng 2-2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên họp cấp cao mở đầu khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ hồi tháng 2-2023

Đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam

Kể từ khi đảm nhiệm trọng trách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm từ 2023-2025 từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có những hoạt động, đóng tích cực và hiệu quả. Trong đó có Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna do Việt Nam đề xuất, soạn thảo và được thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đầu tháng 4 vừa qua. Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong Khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna là sáng kiến của Việt Nam, được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề xuất tại phiên họp cấp cao mở đầu Khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva hồi tháng 2-2023. Nghị quyết nhằm khẳng định lại và tăng cường các nỗ lực cũng như hành động hướng tới đạt được những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của hai văn kiện quan trọng nêu trên, cũng như các cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người.

Nghị quyết nhận được sự tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết của 98 nước, bao gồm 14 nước nòng cốt (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha), 34 nước thành viên Hội đồng nhân quyền, các nước phương Tây và nhiều nước đang phát triển từ cả 5 nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN. Việc Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, có sự đồng bảo trợ của 98 nước cho thấy Nghị quyết thể hiện sự quan tâm và ưu tiên chung của các nước và cộng đồng quốc tế, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia ủng hộ của đông đảo các nước, được sự đánh giá cao của các bên.

Nội dung Nghị quyết tập trung vào tầm quan trọng và nhiều nội dung tích cực của Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên như nhắc lại các nguyên tắc chính về quyền con người của hai văn kiện; phản ánh quan tâm rộng rãi của các nước trong việc kỷ niệm hai văn kiện; nâng cao vị thế, vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc; nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các quốc gia trong bảo đảm quyền con người; ghi nhận sự tham gia của phụ nữ, vai trò của hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng sự đa dạng, bao trùm... trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung và trong tham gia công việc của Hội đồng nhân quyền nói riêng. Nghị quyết đã truyền tải đi nhiều thông điệp lớn và tích cực, trong đó có về hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng tính đa dạng, hòa hợp, qua đó giúp thúc đẩy đồng thuận, hòa hợp, hàn gắn và không khí hợp tác tại Hội đồng nhân quyền, trong bối cảnh nhiều diễn đàn quốc tế thời gian qua bị chia rẽ sâu sắc, thậm chí chính trị hóa.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong trả lời báo chí sau đó đã nhấn mạnh, Nghị quyết là một dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng nhân quyền. Việc Việt Nam đề xuất Nghị quyết này tại Hội đồng nhân quyền rất kịp thời, đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về kỷ niệm và đề cao Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna, hai văn kiện quan trọng về quyền con người, thể hiện vai trò Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng nhân quyền và cộng đồng quốc tế.

Nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Việc Việt Nam tham gia năng động, chủ động, tích cực và trách nhiệm ngay từ những đầu tiên trên cương vị thành viên mới trong lần thứ hai trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện. Cùng với tăng cường sự tham gia, hợp tác quốc tế, điều này tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, cũng khẳng định những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Để có cơ sở pháp lý thúc đẩy và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Đường lối, chủ trương xuyên suốt thúc đẩy quyền con người ở nước ta đã cụ thể hóa bằng chính sách phát triển kinh tế-xã hội là công bằng, hướng tới mọi đối tượng, không chỉ chú trọng phát triển kinh tế ở thành thị, mà luôn dành nguồn lực lớn, sự quan tâm sâu sắc tới xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống người nông dân. Qua mỗi năm, từng giai đoan, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội ở nước ta đều có sự thay đổi cơ bản. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia đời sống chính trị (gần 30% đại biểu Quốc hội là phụ nữ). Là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, song Việt Nam nằm trong số các quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao, tạo nền tảng vững chắc để cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời phản ánh sự phát triển của xã hội và bảo đảm quyền con người tại Việt Nam.

Trong tiến trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam cũng đã gia nhập hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế chủ chốt về quyền dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội, văn hóa… Việt Nam tôn trọng các cam kết quốc tế của mình, trong đó có những nội dung về quyền con người, đến nay đã phê chuẩn 7/9 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Đây cũng chính là sự khẳng định cam kết của Việt Nam trước nhân dân, trước cộng đồng quốc tế và quan trọng hơn là cam kết của chế độ, phản ánh bản chất của chế độ trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Với những đóng góp được ghi nhận trong nhiệm kỳ thứ hai tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hiện nay, Việt Nam cùng với cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc đã có những đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dau-an-noi-bat-cua-viet-nam-tai-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc-post552191.antd