Dấu ấn nơi làng biển
Có ai về Cảnh Dươngquê tôi đứng nơi đầu sóng giótruyền thống đánh giặc giữ làngmãi mãi còn đây.
Những câu ca trong bài hát quen thuộc “Quảng Bình quê ta ơi” của cố nhạc sĩ Hoàng Vân đã đưa mọi người đến với một làng biển tươi đẹp và giàu truyền thống. Đó là làng Cảnh Dương, nay là xã Cảnh Dương thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với lịch sử hình thành gần 400 năm.
Nằm bên núi Phượng, sông Loan, làng biển Cảnh Dương như một chiếc thuyền neo bình yên bên bờ biển biếc. Ngôi làng cũng là một trong “bát danh hương”, tức 8 làng cổ có danh tiếng lâu đời của vùng đất Quảng Bình.
Người dân Cảnh Dương bao đời nay gắn bó với nghề biển. Cả làng có hàng trăm tàu thuyền đánh cá. Bốn rưỡi sáng, những thuyền cá trở về sau một đêm lênh đênh trên biển. Đủ loại hải sản tươi ngon được người dân bày bán trên bờ, hình thành chợ cá tấp nập, đông vui. Buổi sáng ở làng biển Cảnh Dương thường bắt đầu bình dị như thế.
Con đường bích họa
Đến Cảnh Dương, nghe trong gió cũng có vị mặn của muối, của những giọt mồ hôi lam lũ, nhọc nhằn. Cũng giống biết bao làng chài khác khi người dân đời đời bám biển: “Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự thuở nào” (Huy Cận) nhưng những con người nơi đây lại có một tâm hồn nghệ sĩ, thiết tha yêu cái đẹp. Chính vì thế, họ đã mời đội ngũ họa sĩ trẻ Hà Nội thực hiện dự án “bích họa tương lai” để mang đến một diện mạo mới cho quê hương.
Con đường bích họa độc đáo ra đời khiến cho ngôi làng cổ trở nên duyên dáng và hấp dẫn. Dù trên mọi miền đất nước, từ thành phố đến làng quê, ở nơi đâu ta cũng có thể tìm thấy những con đường bích họa với những vẻ đẹp và sắc thái khác nhau nhưng đến đây, ta vẫn thấy một nét độc đáo riêng từ con đường bích họa dài 1.000m với hơn 50 bức tranh 3D vô cùng sống động. Đó không hoàn toàn là các bức bích họa san sát nhau mà là sự phối hợp hài hòa giữa việc gìn giữ di sản văn hóa địa phương với nét chấm phá mới mẻ, hiện đại bằng bích họa.
Làng bích họa là một bức tranh tổng thể lớn nhưng thống nhất, dẫn dắt khách du lịch trải nghiệm nhiều sắc màu văn hóa từ điểm xuất phát, các điểm dừng chân đến điểm cuối nghỉ chân thưởng thức sản phẩm địa phương và ngắm biển tại nghĩa trang cá voi.
Cung đường bích họa là những câu chuyện được viết nên bằng những sắc màu. Qua từng nét vẽ, đất và người Cảnh Dương trong lao động và chiến đấu đã hiện lên vừa gần gũi, bình dị, vừa kì vĩ, hiên ngang. Đi hết chiều dài của những bức tranh, ta như được sống lại cùng lịch sử và truyền thống của con người làng biển. Thế mới biết, từng bức tranh như từng lát cắt của lịch sử, từng khoảnh khắc giản đơn mà ấn tượng lại chứa đựng những câu chuyện đời sống sâu sắc, nghĩa tình.
Men theo con đường bích họa là những ngôi nhà cổ, những bức tường cổ làm bằng đá vỉa tím hay đá san hô, phủ màu rêu xanh cổ kính. Xưa kia hầu hết các nhà trong làng đều có tường bao làm bằng đá san hô như vậy. Những ngôi nhà hơn trăm năm tuổi, vẫn vững chãi, bền bỉ trước sóng gió của biển cả lẫn những thăng trầm của thời cuộc. Sự ác liệt của chiến tranh không thể tàn phá nổi những ngôi nhà cổ cũng như sức sống bất diệt của truyền thống gia đình qua các thế hệ trên mảnh đất này.
Những dấu ấn tâm linh
Làng Cảnh Dương được xem là vùng đất khoa bảng, địa linh nhân kiệt của tỉnh Quảng Bình. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo mà không nhiều vùng đất của Quảng Bình có được, đặc biệt là những sinh hoạt cộng đồng ở đình làng, chùa làng, những lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa cổ xưa.
Ở Cảnh Dương hiện còn nhiều di tích lưu giữ những hiện vật, những dấu ấn của quá trình mấy trăm năm khai ấp lập làng. Nổi bật là đình thờ tổ, nơi thờ các bậc thành hoàng đã có công khai khẩn vùng đất này. Ngôi đình hiện tại không phải là kiến trúc nguyên bản. Do thời gian và chiến tranh, đình đã bị hư hỏng nặng, đến năm 1993, đình được xây dựng lại để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.
Đình là nơi trưng bày một số hiện vật quý giá như quả chuông cổ mang tên “Cảnh viện hồng chung”, đúc vào đời vua Cảnh Thịnh năm 1801. Bên cạnh đó còn có tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng, chứng tỏ Cảnh Dương xưa là một ngôi làng có truyền thống hiếu học, khoa cử.
Ông Nguyễn Văn Biểu, thủ từ đình thờ tổ xã Cảnh Dương là người ngày ngày hương khói đèn nhang không giấu nổi niềm thành kính và tự hào khi nhắc tới ngôi đền thiêng của người dân miền biển. Ông cho biết, 24 năm sau khi thành lập làng, tức là năm 1667, ngôi đình tổ được xây dựng. Từ đó cho đến nay, đình tổ luôn là một dấu ấn tâm linh trong lòng những người con Cảnh Dương.
Là một làng thuần ngư, đời sống của người dân Cảnh Dương gắn liền với tín ngưỡng thờ thần biển. Ngôi làng này vẫn được người dân miền Trung gọi là “làng cá voi” bởi tục thờ cá voi độc đáo. Họ gọi cá voi là cá ông, cá bà đầy thành kính bởi đó là những vị thần che chở và bảo vệ cho ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển.
Trước những bão tố giữa biển khơi, họ luôn có một niềm tin mãnh liệt vào cá ông, cá bà, đấng thiêng liêng giúp họ vượt qua cơn sóng dữ. “Ngư linh miếu” hiện là nơi bảo quản, gìn giữ 2 bộ xương của cá ông, cá bà đã lụy vào làng hàng trăm năm trước.
Theo các nhà khoa học, đây là 2 bộ xương cá lớn nhất được lưu giữ ở Việt Nam, với chiều dài lên tới 28m. “Ngư linh miếu” là một điểm tựa tinh thần vững chãi cho những ngư dân ở mảnh đất này. Những ước mơ bình dị về một cuộc sống ấm no, về những chuyến ra khơi đầy ắp cá tôm giữa trời yên biển lặng được gửi gắm trong những lời khẩn cầu thành kính của người dân đến cá ông, cá bà.
Đối với người dân Cảnh Dương, cá voi bị chết, dạt vào vùng biển của làng là điềm lành cho làng, bởi các ngài đã chọn Cảnh Dương là nơi an nghỉ cuối cùng. Vì vậy, mỗi lần có xác cá voi dạt vào bờ biển, dân làng Cảnh Dương lại tổ chức hậu táng rồi đưa về chôn cất ở nghĩa trang cá voi của làng.
Nghĩa trang cá voi nằm bên bờ biển, hướng ra khơi. Ở đây có khoảng 30 mộ cá voi được người dân cắm bia, đặt tên và chăm sóc chu đáo. Dưới những tán phi lao và tiếng sóng biển rì rào, những ngôi mộ cá voi lặng yên giữa chốn vĩnh hằng.
Tinh hoa của biển cả
Không chỉ được biết đến là “làng cá voi”, Cảnh Dương còn nổi tiếng khắp miền Trung với nghề làm nước mắm. “Thơm ngon nước mắm Cảnh Dương/ Cá tôm miền biển cũng nguồn lợi to”. Nghề chế biến nước mắm ở Cảnh Dương phát triển từ rất sớm. Trong lịch sử, làng còn có nước mắm Hàm Hương để tiến vua. Đây là loại nước mắm được làm từ một loại cá nhỏ, quý hiếm ở cửa sông Roòn, gọi là cá Hàm Hương. Loại cá này có màu hồng trong suốt, hằng năm chỉ xuất hiện trên vùng biển này vài tháng.
Đánh bắt được cá Hàm Hương đã khó, việc chế biến thành nước mắm lại càng công phu, phức tạp, chỉ những người có tay nghề thành thạo mới chế biến được thứ mắm thơm ngon nức tiếng để mang đi cống ngự. Vì vậy, không ít câu chuyện, giai thoại gắn liền với món ăn “quốc hồn quốc túy” của mảnh đất Cảnh Dương. Những trầm tích văn hóa ở Cảnh Dương xét về một phương diện nào đó cũng là trầm tích của nghề làm nước mắm ở mảnh đất “danh hương” này.
Hiện nay trong làng có hàng chục hộ làm nghề, họ nối tiếp những bí truyền của cha ông để lại, làm nên loại nước mắm có hương vị đặc trưng của vùng quê “đứng nơi đầu sóng gió”.
Để chế biến ra loại nước mắm có màu hổ phách, sánh, có mùi thơm đặc trưng, người dân Cảnh Dương phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, kỹ lưỡng, từ khâu chọn cá, muối đến dụng cụ chế biến cũng như thời gian ủ cá.
Người Cảnh Dương dùng rất nhiều loại cá để chế biến thành nước mắm như cá cơm ruội, cơm đỏ, cơm bạc, cơm than, cá nục mọng, cá ve, cá trích, cá tho... Nhưng nước mắm có màu vàng óng, thơm, ngọt và đậm đà nhất là nước mắm được chế biến từ cá cơm đỏ. Muối dùng để muối cá phải là loại có hạt to, đều, không pha tạp chất.
Muối mua về thường được đổ trên nền nhà xi măng khô ráo từ 5 đến 10 ngày để cho muối rỉ ra hết chất đắng. Sau đó, người ta cho muối vào các chum, hũ đưa vào kho cất giữ khoảng 2 đến 3 năm mới đem ra muối cá. Như thế, nước mắm sẽ thơm ngon mà không bị đắng chát.
Nếu như nước mắm Nam Ô, nước mắm Phú Quốc và một số nơi khác sau khi cá đã trộn muối được đưa vào phòng kín thì nước mắm Quảng Bình nói chung và nước mắm Cảnh Dương nói riêng được ủ chín bằng năng lượng mặt trời. Vì thế ở công đoạn này, người làm mắm rất vất vả khi phải kéo mắm trực tiếp dưới ánh nắng để vừa làm cho nước mắm chín đều vừa mang đến một mùi thơm đặc trưng cho nước mắm Cảnh Dương.
Chẳng thế mà, dân gian đã có câu ca: “Thà nằm đất lấy mụ làm hương/ Hơn nằm giường lấy o làm mắm” để nói về sự vất vả của nghề làm nước mắm nơi đây. Nước mắm Cảnh Dương vì vậy là sự kết tinh của kinh nghiệm, sự cần cù, chịu thương chịu khó của những người lao động, là sự kết tinh, lắng đọng của văn hóa biển. Mỗi giọt nước mắm Cảnh Dương có sự giao hòa âm - dương, đất - trời - con người tạo nên một sản phẩm độc đáo, riêng biệt mà không phải thương hiệu nước mắm nào cũng có được.
“Nước mắm không ngon, con mụ hết khéo”, câu thành ngữ cho thấy việc làm nước mắm đã trở thành thước đo độ khéo léo, đảm đang và tinh tế của những người phụ nữ ở mảnh đất này.
Cuộc sống nơi làng biển trôi đi yên bình, giản dị. Người lên tàu ra khơi, người ở nhà đan lưới, làm mắm, đóng thuyền. Những người con của Cảnh Dương qua bao sóng gió vẫn giữ làng, giữ biển, giữ cho mình lối sống mộc mạc, chân phương mà không kém phần lắng sâu, tinh tế.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dau-an-noi-lang-bien-563855/