DẤU ẤN NỬA NHIỆM KỲ TRONG CÔNG TÁC LẬP PHÁP: VÌ MỤC TIÊU TỐI THƯỢNG LÀ PHỤNG SỰ LỢI ÍCH CỦA QUỐC GIA, DÂN TỘC, VÌ HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN
Quốc hội khóa XV đã đi được nửa chẳng đường của nhiệm kỳ. Với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân, Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, thích ứng linh hoạt với tình hình để hoàn thành khối lượng lớn công việc về xây dựng và triển khai thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam triệu người như một đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và tuyên bố với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do và độc lập ấy".
Trải qua 78 năm, Việt Nam kiên trì phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn. Trên con đường hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045; phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên trì đẩy mạnh đồng bộ và toàn diện sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn, phát huy những di sản quý báu mà các thế hệ người Việt Nam đã dày công vun đắp.
Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; đã vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.
Đóng góp vào thành tựu chung đó của đất nước, của dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân – trong suốt thời gian qua đã hoàn thành xuất sắc chức năng lập Hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao và đại diện cho cử tri và Nhân dân.
Trải qua hơn 78 năm, với 15 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khóa Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng.
Quốc hội khóa I, ngay sau khi ra đời, tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 3/1946) đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến hợp hiến, hợp pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, để điều hành đất nước; và tại Kỳ họp thứ hai, ngày 9/11/1946, đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một văn kiện chính trị - pháp lý mang tính nhân văn, dân chủ, tiến bộ, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Tiếp đó, cho đến năm 1960, Quốc hội đã cùng Nhân dân cả nước thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước cải cách dân chủ, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa tiếp tục đấu tranh giành độc lập ở miền Nam và thực hiện thống nhất nước nhà.
Quốc hội các khóa II, III, IV, V (từ năm 1960 đến năm 1976), hoạt động trong thời kỳ nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và Đấu tranh giải phóng miền Nam, đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thu non sông về một mối.
Từ khóa VI trở đi, Quốc hội nước ta là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Sau kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976, Quốc hội đã tích cực xây dựng hệ thống pháp luật, đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước.
Quốc hội các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, ngày càng chủ động, sáng tạo, đổi mới, có bước tiến quan trọng, cả về tổ chức và hoạt động, thúc đẩy việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp xứng đáng vào thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Quốc hội khóa XIV đã thông qua 73 luật, 02 pháp lệnh và 31 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đã đi được nửa chặng đường. Những năm đầu của nhiệm kỳ phải đối mặt với tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, cùng với đó là những bất ổn về tình hình địa chính trị trên thế giới, biến đổi khí hậu, thiên tai…đặt ra nhiều thách thức đối với Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế cho việc kiểm soát dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động ứng phó với những thách thức toàn cầu, hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ vẫn quyết tâm kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Cùng với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế, đồng thời, cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, sửa đổi bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam để tạo thuận lợi tối đa cho công dân và kích cầu du lịch.
Với nhiều quyết sách quan trọng được Quốc hội ban hành một cách kịp thời, Chính phủ quyết liệt thực hiện, người dân và doanh nghiệp đồng lòng ủng hộ nên dù trong bối cảnh đầy khó khăn thì nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được động lực tăng trưởng và luôn được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính và xếp hạng quốc tế đưa vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận định Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Những thành quả của quá trình phát triển cũng đưa Việt Nam lên thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Năm 2023, "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên hợp quốc.
Hậu đại dịch, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đối mặt với sự suy giảm của nền kinh tế. Trong nước, tăng trưởng kinh tế một số địa phương đạt thấp; sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao; thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều điểm nghẽn; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tuyến biên giới tiềm ẩn yếu tố phức tạp....Do đó, so với các năm trước, khối lượng công việc, đặc biệt là công tác lập pháp tăng đáng kể, với yêu cầu cao hơn, đồng thời, phải giải quyết một số vấn đề đột xuất và nhiều vấn đề phức tạp, quan trọng, cấp bách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.
Trước những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các Ban Đảng Trung ương, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới hơn nữa lề lối, phương thức làm việc, tích cực, tập trung cao độ và triển khai toàn diện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động và các kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình, kế hoạch giám sát và chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thành khối lượng công việc lớn với yêu cầu cao về chất lượng; đồng thời, giải quyết nhiều vấn đề đột xuất, quan trọng, phức tạp, cấp bách mới phát sinh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tính đến hết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 04 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Bám sát Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81-KH/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện các yêu cầu trong Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương, các hoạt động lập pháp được các cơ quan triển khai với tinh thần “lập pháp chủ động”, bám sát thực tiễn, có nhiều cách làm mới, linh hoạt, hiệu quả, đồng thời, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật nhằm không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động, phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa với cơ quan trình dự án, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Đặc biệt, đã thực hiện tốt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Tại Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 17/2/2023, các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặc biệt đánh giá cao tinh thần đổi mới mạnh mẽ, dân chủ và hành động quyết liệt của Quốc hội Khóa XV trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan nêu rõ, hoạt động của Quốc hội đã thể hiện rõ nét tinh thần gần dân, lắng nghe Nhân dân, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của Nhân dân, đưa cuộc sống vào hoạt động nghị trường và các quyết sách của Quốc hội nhiều hơn, do đó, được Nhân dân tin tưởng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất trân trọng ý kiến góp ý, phản biện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự án Luật. Không khí trong xây dựng pháp luật ngày càng dân chủ và có chiều sâu hơn.
Sự coi trọng và lắng nghe của Quốc hội đối với cộng đồng doanh nghiệp trong công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay được Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS.Đậu Anh Tuấn khẳng định “không có rào cản, cản trở gì từ phía cơ quan lập pháp cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng và thông qua chính sách”. Các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến được tiến hành rộng rãi. Quá trình thảo luận, thông qua các dự án luật hay chính sách thì hoạt động lắng nghe, tham vấn đều được chú trọng, thực hiện thực chất.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan tiếp tục chủ động tiến hành rà soát để đề xuất cập nhật, bổ sung các nội dung về lập pháp để đưa vào Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ được xác định trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị mới được ban hành của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Như tại Kỳ họp thứ 5, khi trình Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, có 22/28 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết là kết quả của 22 nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; 06 đề nghị còn lại được các cơ quan đề xuất để kịp thời thể chế hóa nghị quyết, kết luận mới của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ...).
Thời gian còn lại của nhiệm kỳ, khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu rất cao cả về chất lượng và tiến độ đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã nêu rõ: “Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.
Cụ thể là, Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.”
Để thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội xác định không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển đất nước, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79484