Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước

Đã đến lúc dòng phim chiến tranh không còn là 'vùng cấm' nữa mà là một vùng đất mà các nhà làm phim có thể đưa ra những góc nhìn cá nhân, quan điểm riêng, chạm tới những góc khuất của cuộc chiến, trước đây chưa ai khai phá.

Đã đến lúc dòng phim chiến tranh không còn là “vùng cấm” nữa mà là một vùng đất mà các nhà làm phim có thể đưa ra những góc nhìn cá nhân, quan điểm riêng, chạm tới những góc khuất của cuộc chiến, trước đây chưa ai khai phá. Đây là vấn đề đươc đưa ra tại Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước”. Hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Ba, năm 2025 diễn ra từ ngày 29/6-5/7

Từ sau ngày thống nhất đất nước, các nhà làm phim Việt Nam đã không ngừng tìm tòi, đổi mới cách thể hiện. Những tác phẩm như “Cánh đồng hoang”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Truyền thuyết về Quán Tiên” không chỉ ghi dấu ấn nghệ thuật mà còn là những lát cắt chân thực về lịch sử, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng nhân ái và khát vọng sống trong mỗi thế hệ người Việt.

Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước”.

Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước”.

Dòng phim về đề tài chiến tranh có nhiều tác phẩm có giá trị trong nước và quốc tế như: “Cánh đồng hoang” đoạt giải đặc biệt Liên hoan phim quốc tế Moscow (Nga) năm 1980; “Đừng đốt” đoạt giải khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Fukuoka (Nhật Bản); “Bao giờ cho đến tháng 10” được Viện Điện ảnh Mỹ đánh giá là một trong những phim hay nhất Châu Á.

Nghệ sĩ ưu tú Đặng Thái Huyền, Phó Giám đốc Hãng Điện ảnh Quân đội nhân dân cho rằng, dòng phim chiến tranh cách mạng ở Việt Nam sau năm 1975 cần thiết phải mở ra những cuộc đối thoại mới với quá khứ, có kế thừa, phát triển, đổi mới. Trước năm 1975, chúng ta làm phim trong thời chiến, trong bối cảnh đất nước chìm trong chiến tranh. Nhà làm phim khi ấy bị cuốn theo không khí chiến đấu, chỉ có một mục tiêu duy nhất là hướng tới chiến thắng. Nhưng sau 1975, tư duy chuyển thành làm phim về thời chiến. Đó là lúc thời gian đã lùi lại, chúng ta có điều kiện để nhìn nhận lại cuộc chiến một cách toàn diện và bao quát hơn.

Nghệ sĩ ưu tú Đặng Thái Huyền, Phó Giám đốc Hãng Điện ảnh Quân đội nhân dân phát biểu tại hội thảo

Nghệ sĩ ưu tú Đặng Thái Huyền, Phó Giám đốc Hãng Điện ảnh Quân đội nhân dân phát biểu tại hội thảo

Nghệ sĩ Đặng Thái Huyền cho rằng, đã đến lúc dòng phim chiến tranh không còn là “vùng cấm” nữa mà là một vùng đất các nhà làm phim có thể đưa ra những góc nhìn cá nhân, quan điểm riêng, chạm tới những góc khuất của cuộc chiến mà trước đây chưa ai khai phá. Hình tượng người lính trước kia mang tính sử thi rất cao, bất khả tổn thương, bất khả xâm phạm. Bây giờ, người lính sau chiến tranh được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Họ có những mất mát, tổn thương, những hy sinh không chỉ mang tính biểu tượng.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Đặng Thái Huyền, tư duy làm phim cũng không thể đơn tuyến, đơn chiều. Khi phim chiến tranh công chiếu rộng rãi đến công chúng, buộc chúng ta phải đối thoại sòng phẳng với khán giả: "Tôi nghĩ, chính sự đối thoại sòng phẳng với khán giả sẽ tạo cơ hội cho những người làm phim chiến tranh như có cơ hội làm ra những tác phẩm tốt hơn. Chúng tôi, những người làm phim về chiến tranh đang muốn dòng phim cách mạng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, có tư duy rất mới hiện nay".

Các nhà làm phim dự hội thảo

Các nhà làm phim dự hội thảo

Khá lâu rồi, mạch nguồn phim về đề tài chiến tranh lại có dịp khơi nguồn trong đời sống màn ảnh của nước ta. Năm 2024 có phim “Đào, phở, piano ” của Đạo diễn Phi Tiến Sơn; Năm 2025 có phim “ Địa đạo Củ Chi - Mặt trời trong bóng tối” của Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Sắp tới, sẽ có bộ phim “Mưa đỏ” của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền chuyển thể theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai. Đạo diễn Tô Hoàng cho rằng, trừ phim “Địa đạo Củ Chi - Mặt trời trong bóng tối” được làm bởi đồng vốn tư nhân, 2 bộ phim “Đào, phở, piano" và “Mưa đỏ” được làm bởi đồng vốn tài trợ từ phía nhà nước. Phim về đề tài chiến tranh trong thời điểm 10 năm sau đổi mới có thể nói là lần đầu tiên thể hiện được cả cái bi lẫn cái tráng, cả chiến công lẫn những mất mát hy sinh.

Theo đạo diễn Tô Hoàng, nguyên nhân cơ bản làm cho phim đề tài chiến tranh sau đất nước đổi mới thành công là có làn gió đổi mới được bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986. Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn làm phim. Tất cả những bộ phim về đề tài chiến tranh thuở ấy được nuôi dưỡng bằng bầu sữa bao cấp. Bước qua cơ chế thị trường, khi đồng tiền và phép tính lỗ lãi, dòng phim chiến tranh bị tắc mạch. Phim chiến tranh không cuốn hút được khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ tới rạp. Hiện nay, có khoảng 70 - 80% sản phẩm điện ảnh nội địa tung ra thị trường là do tư nhân bỏ tiền ra làm. Phim về chiến tranh, chi phí lớn, các nhà làm phim tư nhân đều né tránh, cân nhắc.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Đạo diễn Tô Hoàng kiến nghị: Nhà nước cần có đầu tư thích đáng cho những phim về chiến tranh:“Làm phim về chiến tranh, ngoài yêu cầu phức tạp khác thì đồng vốn bỏ ra là rất lớn. Chơi canh bạc không cầm chắc lỗ lãi này, thắng thua này trong tay là điều hầu như các nhà làm phim tư nhân rất ngại. Ngại làm phim chiến tranh tốn kém lắm và thắng thua thế nào cũng chưa biết. Người ta ngại lắm thì trách nhiệm này Nhà nước phải đứng ra, khi làm phim chiến tranh ca ngợi quá khứ, ca ngợi truyền thống yêu nước, đánh giặc thì nhà nước phải bỏ tiền ra để hỗ trợ tư nhân làm”.

Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, các nhà làm phim đã có độ lùi về thời gian để chiêm nghiệm lại nỗi đau, mất mát của cả đôi bên, để hiểu hơn cái giá của chiến thắng, có cái nhìn mới về kẻ thù, lực lượng đối lập; không còn là cái nhìn một chiều mà là cái nhìn mang tính chất nhân văn. Cũng từ đó, điện ảnh Việt Nam đã có sự chuyển hướng, từ đề tài, cảm hứng sử thi về cuộc chiến hào hùng, sang đề tài hậu chiến với cảm hứng thế sự đậm đà mang nhiều dấu ấn khác biệt, đổi mới rõ rệt so với những bộ phim được sản xuất trong thời chiến.

Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, lần đầu tiên phim chiến tranh Việt Nam được tập hợp một cách khá toàn diện. Nửa thế kỷ qua, có khoảng 100 bộ phim về đề tài chiến tranh, trong đó là 22 bộ phim được trình chiếu trong Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3. Đây là một dấu mốc quan trọng của ngành điện ảnh trong sự quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, nhất là phim về chiến tranh của Việt Nam.

Theo bà Ngô Phương Lan “Phim chiến tranh Việt Nam sản xuất sau khi đất nước thống nhất có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm khác so với phim chiến tranh của Việt Nam sản xuất trong thời gian chiến tranh. Xem 22 bộ phim ở trong chương trình hôm nay sẽ có những cái cách nhìn nhận khác hơn về điện ảnh Việt Nam làm về chiến tranh. Nó có những cái vệt sáng, những dấu ấn và có những cái điều mà chúng ta có thể nhìn lại để chúng ta tự tin bước vào một chặng đường sáng tạo mới”.

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/dau-an-phim-chien-tranh-cua-viet-nam-tu-sau-ngay-thong-nhat-dat-nuoc-post1211868.vov