Dấu ấn sự nghiệp của cố Thủ tướng Nhật Abe Shinzo
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời sau quá trình cấp cứu trong bệnh viện, vì bị ám sát tại một sự kiện ở tỉnh Nara.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản đã không qua khỏi sau khi bị bắn vào ngực và cổ lúc 11h trưa (giờ địa phương) ngày 08/07/2022. Trong cuộc họp báo tại Bệnh viện Đại học Y Nara, các bác sĩ cho biết ông Abe qua đời lúc 17h03 (15h03 giờ Hà Nội) do vết thương quá nặng. Cựu Thủ tướng Nhật nhập viện trong tình trạng chảy máu dữ dội, trong đó một viên đạn vào sâu đến tim.
Trước đó, khi đang phát biểu ủng hộ cho Đảng Dân chủ Tự do sáng 8/7 tại Nara, thành phố phía Tây Nhật Bản, ông bị một người đàn ông mang vũ khí giống súng tấn công.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sinh năm 1954 tại Tokyo, là con trai thứ hai trong một gia đình chính trị nổi tiếng. Mẹ ông, Yoko Kishi, là con gái của cựu Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi. Cha ông, Abe Shintaro, là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản.
Ông tốt nghiệp khoa Khoa học chính trị, Đại học Seikei Tokyo tháng 3/1977 và sau đó bắt đầu học chính trị tại trường Đại học Nam California. Tháng 4/1979, ông làm việc cho công ty Kobe Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ 3 Nhật Bản - nơi ông gọi là “điểm khởi đầu cuộc sống trưởng thành của tôi”.
Ông Abe sau này khuyến khích những người trẻ đang tham gia vào đội ngũ lao động đi theo con đường học hỏi từ sai lầm như ông đã làm ở Kobe Steel. Ông làm công việc tại công ty này trong 3 năm, trước khi bước chân vào sự nghiệp chính trị. Abe đã gọi ngành công nghiệp thép là xương sống của quốc gia.
Rời công ty thép, tháng 11/1982, ông Abe trở thành trợ lý cho cha khi đó là ngoại trưởng. Ông được bầu vào Hạ viện Nhật Bản tháng 7/1993.
Trong các năm 2003-2005, ông lần lượt giữ vị trí tổng thư ký LPD. Năm 2006, Abe trở thành chủ tịch của Đảng Dân chủ Tự do sau cuộc bầu cử. Ngày 26/9/2006, ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản. Ông Abe là người nhậm chức trẻ tuổi nhất trong số các Thủ tướng Nhật Bản từ sau Thế chiến II và là Thủ tướng đầu tiên sinh ra sau Thế chiến II.
Năm 2007, Abe từ chức thủ tướng lần thứ nhất vì lý do sức khỏe. Đến tháng 12/2012, ông được bầu trở lại làm thủ tướng Nhật Bản, sau khi đảng LPD giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử.
Vào đầu năm 2013, ông Abe đã khởi động một chiến dịch lớn để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi hàng thập kỷ trì trệ. Được gọi là "Abenomics", bao gồm ba trọng tâm chính gồm kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách kinh tế.
Các câu hỏi về sức khỏe của Abe liên tục được đặt ra sau thời điểm này. Trở lại nắm quyền vào năm 2012, Abe cho biết ông đã vượt qua căn bệnh đường ruột nhờ sự hỗ trợ của một loại thuốc mới. Vào ngày 24/8/2019, ông trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản tính theo số ngày liên tiếp tại vị, vượt qua kỷ lục trước đó là 2.798 ngày của Eisaku Sato (1901-1975) nắm giữ.
Tuy nhiên, sức khỏe của Abe đã được giám sát kỹ lưỡng sau khi ông đến bệnh viện nhiều lần và không tổ chức bất kỳ cuộc họp báo nào trong gần 50 ngày cho đến đầu tháng 8/2020, bất chấp những lời kêu gọi ông giải thích việc chính phủ xử lý đại dịch COVID-19.
Hơn 7 năm sau khi chính phủ của Abe hoạt động, Nhật Bản vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát và lãi suất thấp kéo dài đã làm tổn hại đến các tổ chức tài chính. Ông đã tăng thuế tiêu thụ hai lần, lên 8% vào tháng 4 năm 2014 và lên 10% vào tháng 10 năm 2019.
Về đối ngoại, Abe thường được coi là một người bảo thủ đang tìm cách nâng cao vị thế của Nhật Bản ở nước ngoài. Abe là gương mặt quen thuộc trong các cuộc tụ họp quốc tế và các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết ông có thể nói chuyện thẳng thắn với nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông đã vun đắp mối quan hệ bền chặt với Washington, đồng minh truyền thống của Tokyo, và cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Trump kể từ trước khi ông Trump trở thành chủ nhân của Nhà Trắng.
Với việc Trump thúc đẩy Nhật Bản mua nhiều nông sản của Mỹ hơn và trả nhiều chi phí hơn liên quan đến quân đội Mỹ, chính phủ dưới thời Abe đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại với Washington nhằm giảm thuế đối với thịt bò Mỹ trong khi tăng đáng kể việc mua thiết bị quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, những thành quả phục hồi kinh tế đạt được nhờ chính sách mà chính phủ của ông Abe đề ra từ đầu năm 2013, hay còn được biết đến là Abenomics, đã bị xóa mờ bởi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1/202. Theo đó, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, ông Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành vào ngày 7/4 và mở rộng phạm vi áp dụng ra toàn quốc vào ngày 16/4.
Các biện pháp này mặc dù biện pháp này giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nhưng đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế khi hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, chi tiêu dùng của các hộ gia đình và chi đầu tư của khối doanh nghiệp giảm mạnh. Các số liệu thống kê cho thấy chỉ trong các tháng 4 và 5/2020, chi tiêu dùng của các hộ gia đình đã giảm kỷ lục tương ứng 11,1% và 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Việc hoàn thành sửa đổi hiến pháp trước khi nhiệm kỳ lãnh đạo LDP cầm quyền kết thúc vào tháng 9 năm sau cũng là mục tiêu của ông Abe. Trong năm 2015, ông từng diễn giải lại hiến pháp để mở rộng vai trò của quân đội. Theo đó, Lực lượng Phòng vệ (SDF) có thể tham chiến hỗ trợ đồng minh theo quyền phòng vệ tập thể.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/dau-an-su-nghiep-cua-co-thu-tuong-nhat-abe-shinzo-ar686669.html