Dấu ấn tạo nên bước ngoặt của bà Harris

Trong bốn năm làm phó tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris ít khi đi đầu trong những vấn đề gai góc. Tuy nhiên, bà vẫn để lại dấu ấn trong các lĩnh vực từ quyền phá thai, bạo lực súng đạn tới nhân sự.

Sau khi dự thảo phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết Roe v. Wade bị rỏ rỉ năm 2022, ông Ron Klain, khi đó là chánh văn phòng Nhà Trắng, tới gặp bà Harris để thuyết phục bà đứng đầu nhóm làm việc về quyền phá thai.

Ban đầu, bà Harris muốn có thời gian suy nghĩ. Bà không muốn chỉ là gương mặt quảng bá với tư cách nữ phó tổng thống đầu tiên. Tuy nhiên, khi Nhà Trắng bắt đầu đề ra những chính sách cụ thể để bảo vệ quyền phá thai, bà Harris nhận thấy cơ hội và chấp nhận vai trò mới.

Quyền phá thai là “cơ hội vàng” để bà Harris nắm ngọn cờ đầu. Tổng thống Joe Biden là một tín đồ Công giáo, do đó tiếng nói của ông trong lĩnh vực này sẽ có hạn chế nhất định.

Khi bà Harris trở thành tiếng nói hàng đầu trong chính quyền Biden về quyền phá thai, nhiều ý kiến nghi ngờ về năng lực của bà trong đảng Dân chủ tan biến. Đây là một trong những thời khắc quyết định dẫn tới tương lai hai năm sau đó, khi bà trở thành ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Công việc không dễ dàng

Di sản của bà Harris trên cương vị tổng thống tương đối phức tạp. Bà làm các nhiệm vụ được yêu cầu - cả đối nội lẫn đối ngoại - nhưng hiếm khi bày tỏ quan điểm trái ngược với ông Biden. Dù vậy, bà vẫn để lại dấu ấn nhất định trong một số vấn đề chính sách hay nhân sự.

Tuy nhiên, theo đánh giá của New York Times, bà Harris cũng bị giao một số công việc gần như không thể thành công - như giải quyết tận gốc vấn đề người nhập cư trái phép từ Trung Mỹ. Một số đồng minh của bà Harris thậm chí cho rằng đội ngũ trợ lý của ông Biden gây ra hạn chế với bà Harris. Một số sáng kiến của bà được ông Biden công bố, khiến bà khó xây dựng hình ảnh của riêng mình hơn.

Bản thân ông Ron Klain cũng thừa nhận không phải lúc nào bà Harris cũng nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ đội ngũ nhân viên Nhà Trắng. “Chúng tôi đều cho rằng bà cần thành công. Chúng tôi chỉ không tìm ra cách thức thực hiện”, ông nói.

“Người dân rất thích bà ấy”, ông Klain nói thêm. “Tôi không nghĩ chúng tôi đã quảng bá bà đủ tốt”.

Phó tổng thống được coi là một trong những công việc khó khăn nhất tại Washington. Hiến pháp Mỹ trao rất ít quyền hạn cho nhân vật số hai tại Nhà Trắng, do đó đa số quyền hạn của “phó tướng” phụ thuộc vào từng tổng thống Mỹ. Cựu Phó tổng thống Walter Mondale từng gọi vị trí này là “công cụ dự phòng”.

Khác với các phó tổng thống trước đó, bà Harris có ít kinh nghiệm tại Washington hơn so với ông Biden. Vì vậy, đôi khi bà sẽ không được giao những công việc quan trọng - như lãnh đạo các cuộc đàm phán với giới nghị sĩ, điều ông Obama từng giao phó cho ông Biden.

 Bà Harris có ít kinh nghiệm chính trị ở Washington hơn so với ông Biden - khác với các đời phó tổng thống trước đó. Ảnh: Bloomberg.

Bà Harris có ít kinh nghiệm chính trị ở Washington hơn so với ông Biden - khác với các đời phó tổng thống trước đó. Ảnh: Bloomberg.

Trong hai năm đầu, bà Harris tập trung vào công việc Quốc hội. Lá phiếu của bà với tư cách chủ tịch Thượng viện giúp đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cơ quan này. Theo thống kê, bà đã 33 lần bỏ lá phiếu quyết định, nhiều hơn bất cứ phó tổng thống nào trong lịch sử Mỹ.

Dù vậy, trong quá trình đàm phán xây dựng các đạo luật, vai trò của bà tương đối mờ nhạt. So với kinh nghiệm 36 năm làm thượng nghị sĩ của ông Biden - người được coi là một nhà lập pháp lão luyện - bà Harris tương đối non nớt.

“Điều quan trọng nhất là (phó tổng thống) không ngáng đường tổng thống”, giáo sư lịch sử Douglas Brinkey, người cố vấn cho bà Harris, nói. “Phó tổng thống cần giữ mình ở hàng thứ hai, ở trong bóng tối”.

Bà Harris cũng chưa tạo lập được quan hệ khăng khít với ông Biden khi bước vào Nhà Trắng. Do đại dịch Covid-19, hai người không tham gia nhiều cuộc vận động tranh cử cùng nhau. Một số nhân vật thân cận với ông Biden - bao gồm Đệ nhất phu nhân Jill Biden - vẫn bực dọc vì bà Harris từng công kích ông Biden trong một cuộc tranh luận trước đó.

Trên chính trường Mỹ cũng tồn tại định kiến cho rằng bà Harris chỉ trở thành phó tổng thống do bà là phụ nữ da màu. “Họ không cho bà thời gian học hỏi hay cơ hội trưởng thành”, Hạ nghị sĩ James Clyburn nói.

Đóng góp hậu trường

Hầu hết công việc của bà Harris tương đối quan trọng nhưng không nổi bật trên truyền thông. Bà được giao nhiệm vụ hoặc tỏ ra quan tâm tới nhiều nhóm vấn đề, từ nghỉ chăm sóc con cái, sức khỏe thai phụ, trí tuệ nhân tạo, an ninh biển, nhà đất, cũng như các dự án cộng đồng như ngân hàng và trung tâm y tế. Bà cũng giúp thu hút hàng tỷ USD vào các quỹ chống tham nhũng ở Trung Mỹ.

Một trong những vấn đề được bà đặc biệt quan tâm là bạo lực súng đạn. Ông Chiraag Bains, cựu cố vấn của ông Biden, cho biết ông từng thấy tổng thống và phó tổng thống trao đổi về vấn đề này tại Phòng Bầu dục trong những tháng đầu nhiệm kỳ.

“Tôi nhớ phó tổng thống tích cực tham gia và tư vấn ông Biden tích cực nhất có thể để chính quyền liên bang có thể hành động giảm bạo lực súng đạn”, ông Bains nói.

Khi Văn phòng Ngăn ngừa Bạo lực Súng đạn Nhà Trắng ra đời năm 2023, bà Harris được giao phụ trách. Phó giám đốc văn phòng Gregory Jackson cho biết hơn 420 cửa hàng bán vũ khí đã phải đóng cửa do vi phạm.

“Chúng tôi có một phó tổng thống luôn thúc đẩy chúng tôi luôn suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ”, ông Jackson nói.

 Bà Harris thăm hiện trường vụ xả súng tại Monterey Park, bang California năm 2023. Ảnh: Los Angeles Times.

Bà Harris thăm hiện trường vụ xả súng tại Monterey Park, bang California năm 2023. Ảnh: Los Angeles Times.

Bà Harris cũng góp phần vào những quyết định nhân sự quan trọng. Khi ông Biden lựa chọn ứng viên đề cử vào chức chủ tịch Ngân hàng Thế giới, bà Harris đã đề cử thành công ông Ajay Banga, cựu giám đốc điều hành Mastercard.

Bà cũng tham gia sâu khi ông Biden bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ. Bà đã đích thân phỏng vấn và nghiên cứu hồ sơ của ba ứng viên lọt vào cuối cùng. Bà kết luận bà Ketanji Brown Jackson sẽ là lựa chọn tốt nhất - dù đây không phải lựa chọn gặp ít phản kháng nhất.

“Joe, ông có thể chỉ có một cơ hội làm điều này (bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao - PV) với tư cách tổng thống. Ông sẽ muốn có thể tự hào với di sản của mình”, bà Harris nói với ông Biden, theo ông Klain.

Bà Harris cũng tìm nhiều cơ hội khác để tác động chính sách lên ông chủ Nhà Trắng. Khi ông Biden tỏ ra ngần ngại dùng quyền lực hành pháp để xóa nợ cho sinh viên, bà Harris gửi một bản khuyến nghị tới ông, chỉ ra lập luận có thể sử dụng để phản bác phe phản đối, cũng như chỉ ra ông Biden từng dụng quyền hành của mình để tạm hoãn yêu cầu trả nợ đối với sinh viên.

Trong lĩnh vực đối ngoại, bà Harris cũng cẩn trọng để không có chính sách đi ngược lại với ông chủ Nhà Trắng - người từng là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Các quyết định lớn của ông Biden đều được bà ủng hộ, từ việc rút quân khỏi Afghanistan, vấn đề Ukraine hay cuộc xung đột tại Gaza - dù bà nói nhiều hơn đến những đau khổ mà người Palestine đang trải qua.

Điểm khác biệt giữa bà và ông Biden phần nào nằm ở thế giới quan đối ngoại: Trong khi ông Biden quan tâm nhiều hơn đến hệ giá trị, bà Harris nhìn thế giới qua lăng kính pháp lý, nhấn mạnh trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Dù sao, hai thế giới quan này thường dẫn tới cùng một chính sách.

Theo ông Mitch Landrieu, cựu cố vấn tổng thống về cơ sở hạ tầng, bà Harris tương đối giỏi về chính sách. “Ai cũng trưởng thành khi làm công việc của mình”, ông nói.

Cuộc gọi quan trọng từ ông Obama và phu nhân tới bà Harris Cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân đã liên lạc với Phó tổng thống Kamala Harris để bày tỏ sự ủng hộ với bà trong cuộc đua trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://znews.vn/dau-an-tao-nen-buoc-ngoat-cua-ba-harris-post1492959.html