Dấu ấn tập kết ra miền Bắc tại Quy Nhơn
Cách đây 70 năm, sự kiện lịch sử 300 Ngày hoàn thành chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn đã ghi dấu một trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Bình Định. Sự kiện này còn minh chứng cho thấy sự sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.CỦNG CỐ CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG, TỔ CHỨC
Ngày 7-5-1954 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi vẻ vang, quân và dân Việt Nam buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21-7-1954) chính thức đình chiến, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Cán bộ và bộ đội xuống tàu đi tập kết. Ảnh: Tư liệu
Theo điều khoản trong Hiệp định, nước ta tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tạm thời do quân đội Liên hiệp Pháp cai quản, hai năm sau sẽ Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, hai bên có thời gian 300 ngày, kể từ ngày 21-7-1954 để chuyển quân tập kết về miền Bắc và miền Nam tiến hành trao trả tù binh, giải quyết các vấn đề sau chiến tranh.
Tại Trung bộ, tỉnh Bình Định được chọn là khu vực tập kết 300 ngày để các lực lượng vũ trang, chính trị trên địa bàn Liên khu V tập kết ra miền Bắc; Cảng Quy Nhơn là địa điểm được chọn làm nơi tập kết của khu vực Liên khu V.
Đây không chỉ đơn thuần là tập kết các lực lượng, mà còn là tranh thủ thời gian để Đảng bộ và nhân dân khu vực Liên khu V nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng bước vào giai đoạn đấu tranh cách mạng mới.
Trên cơ sở dự đoán được tình hình Pháp sẽ không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ như đã ký kết, ngày 22-7-1954, ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ bắt đầu có hiệu lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước “đặt lợi ích cả nước lên trên địa phương, lợi ích lâu dài lên trên lợi ích trước mắt, mà ra sức củng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc…”.
Trước tình hình đó, ngày 27, 28-7-1954, Liên khu ủy V tổ chức hội nghị mở rộng để thảo luận, quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, đánh giá tình hình mọi mặt trong Liên khu, phân tích những khó khăn, thuận lợi và đề ra các nhiệm vụ cấp bách về công tác tư tưởng và tổ chức.
Có thể nói, sự kiện lịch sử 300 Ngày hoàn thành chuyển quân tập kết ra miền Bắc tại Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nói riêng và chuyển quân tập kết ra Bắc ở miền Nam nói chung là cuộc chuyển dịch lực lượng vô cùng to lớn cho cách mạng Việt Nam.
Đây là chủ trương đúng đắn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
70 năm trôi qua, sự kiện lịch sử ngày ấy không những không phai mờ, mà còn là niềm tự hào to lớn đối với nhân dân tỉnh Bình Định và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta về một giai đoạn rất oanh liệt, hào hùng trong lịch sử dân tộc, thời kỳ mà hòa bình, thống nhất Tổ quốc, dân tộc Việt Nam là một, Bắc - Trung - Nam sum họp một nhà đã trở thành nguyện vọng thiêng liêng, ý chí không gì lay chuyển được.
Trong đó, tập trung mở đợt tuyên truyền giáo dục chuyển hướng tư tưởng nhận thức về đường lối, phương châm đấu tranh, các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ cho lực lượng vũ trang và nhân dân trong tình hình mới; đồng thời, tổ chức việc chuyển quân tập kết theo đúng kế hoạch.
Đến tháng 8-1954, Tỉnh ủy Bình Định họp đề ra 4 chủ trương cấp bách trước mắt: Mở đợt tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân về các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, về tình hình và nhiệm vụ mới; Tiếp nhận chu đáo một số cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta bị bắt được trao trả; Khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân; Phân công Tỉnh ủy thành 2 bộ phận chỉ đạo: Một bộ phận chuyên trách điều hành công việc công khai cho đến khi ra đi tập kết và một bộ phận chuyên lo công tác tổ chức bí mật với Đảng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, đảng viên bám trụ lại hoạt động bất hợp pháp với địch…
Tiếp đó, quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Liên khu ủy, Đảng bộ tỉnh Bình Định đã mở 2 đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (22-7-1954); nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ và Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc nhận định tình hình đế quốc Mỹ và tay sai đang mưu tính phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, chia cắt lâu dài đất nước ta và cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam phải chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị (5-9-1954),…
Ngoài sinh hoạt chính trị rộng rãi, Liên khu ủy và Tỉnh ủy Bình Định còn thành lập các phái đoàn, tổ chức cuộc họp đặc biệt, gồm thân hào, nhân sĩ, trí thức yêu nước, chức sắc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân để phổ biến về tình hình và nhiệm vụ sau khi ký Hiệp định, giới thiệu chủ trương, chính sách mới của Đảng, Chính phủ và Mặt trận trước bước ngoặt lịch sử của đất nước; giải quyết một số vướng mắc, động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước. Đồng thời, tổ chức các cuộc liên hoan, biểu diễn văn nghệ, triển lãm mừng chiến thắng… góp phần động viên chính trị rất lớn đối với nhân dân, cán bộ trong tỉnh.
Bên cạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục chính trị tư tưởng trong nhân dân, Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức, bí mật lựa chọn, sắp xếp xây dựng hệ thống cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ từ tỉnh xuống xã theo phương châm “gọn nhẹ”, gồm 223 cán bộ hoạt động bất hợp pháp; 1.112 đảng viên và 3.129 cốt cán quần chúng hoạt động hợp pháp.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống đường dây liên lạc gồm các hộp thư bí mật từ tỉnh xuống huyện; ở các huyện, xây dựng được hàng ngàn cơ sở cách mạng…Ngoài ra, Liên khu ủy V chủ trương chỉ đạo các tỉnh trong khu vực bí mật chôn giấu vũ khí để đối phó với tình thế khi buộc phải vũ trang chống quân thù ở các khu vực từ Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) đến An Lão (tỉnh Bình Định).
300 NGÀY CHUYỂN QUÂN LỊCH SỬ
Thực hiện chủ trương của Đảng, Bác Hồ và nhiệm vụ Liên khu V giao, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức đón tiếp, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam từ các tỉnh trong khu vực, thực hiện việc chuyển quân tập kết theo kế hoạch, bàn giao cho đối phương theo thời gian thỏa thuận của hai bên.

Năm 2004, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định chủ trương xây dựng Bia di tích địa điểm chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn, công trình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 24-12-2007. Nguồn: https://binhdinh.gov.vn.
Đồng chí Nguyễn Minh Vỹ được Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu V chỉ định phụ trách chỉ huy khu vực tập kết 300 ngày. Số lượng người ra đi rất lớn, gồm toàn bộ lực lượng vũ trang, phần lớn cán bộ, các đội thanh niên xung phong, một số gia đình cán bộ, một số con em cán bộ và học sinh do gia đình gửi ra miền Bắc học tập với điều kiện tự đài thọ chi phí và một số gia đình đồng bào quê ở miền Bắc xin hồi hương; các cán bộ xã, thôn…
Tất cả số người trên đều tập trung về Bình Định, nhất là Quy Nhơn để chờ lần lượt xuống tàu thủy ra miền Bắc. Lúc này, tỉnh Bình Định có nhiệm vụ sắp xếp, giúp đỡ việc ăn ở, điều trị ốm đau và đảm bảo an toàn trong thời gian chờ đi. Trong số 20.000 người của Liên khu V tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn thì có 10.700 người Bình Định.
Đối với số phạm nhân còn bị giam giữ, Tỉnh ủy chỉ đạo Công an tỉnh tổ chức lớp học chính trị, giúp họ hiểu rõ, nắm được nội dung các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, động viên họ trở về làm ăn bình thường, tham gia cùng đồng bào đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước.
Chấp hành nghiêm Hiệp định Giơ-ne-vơ, ta bàn giao cho đối phương theo đúng kế hoạch đã thỏa thuận: Ngày 19-3-1955, bàn giao đến bờ Bắc sông Lại Giang, gồm cả An Lão; ngày 28-4-1955, ta bàn giao đến bờ Bắc sông La Tinh (sông Phù Ly); ngày 12-5-1955, ta bàn giao ở phía Tây đến Đồng Phó, phía Bắc đến Đập Đá; ngày 16-5-1955, ta bàn giao đợt cuối cùng đến Quy Nhơn, toàn bộ lực lượng ta xuống chuyến tàu cuối cùng rời cảng Quy Nhơn, hoàn thành việc chuyển quân, tập kết 300 ngày tại Bình Định.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202505/dau-an-tap-ket-ra-mien-bac-tai-quy-nhon-1042686/