Đề xuất tạm ứng 44.000 tỷ đồng chi trả cho các đối tượng nghỉ việc
Tiếp tục phiên họp thứ 45 (đợt 2) các thành viên của Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã cho ý kiến về việc tạm ứng kinh phí để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính về việc tạm ứng kinh phí để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình và Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2024, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2025, trong đó đã trình Quốc hội bổ sung 44.000 tỷ đồng dự toán NSTW năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 178 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67, trong năm 2025.
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là vấn đề rất cấp bách giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp. Tại các địa phương đã chi trả 50% để giải quyết chính sách, còn lại chờ nguồn ngân sách từ Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
“Nếu thông qua được nội dung này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với đối tượng là 178, phải thuyết minh, giải trình cho Đại biểu Quốc hội thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ. Ngay cả thường vụ Quốc hội họp cũng đã chia sẻ rồi. Tôi đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính họp toàn thể Ủy ban cũng bàn về vấn đề này. Trong khi Bộ Chính trị, Ban bí thư hàng tuần họp để tinh gọn bộ máy, tiền mình có, nhưng mà thủ tục chi ra làm chậm, đây là khuyết điểm” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo.
Trước đó, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo Báo cáo số 185 ngày 16/5/2025 của Bộ Tài chính.
“Giải trình làm rõ mức độ thể chế hóa nghị quyết 68 tại các dự thảo luật nghị quyết cùng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 này cùng với các luật, pháp lệnh khác có liên quan đến đất đai, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thủ tục hành chính hoạt động sản xuất kinh doanh để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 68 theo thời hạn quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 16 của dự thảo nghị quyết. Để các cơ chế chính sách của Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống thì đề nghị Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chính quyền địa phương khẩn trương nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung đáng chú ý như: Không thực hiện biện pháp ngăn chặn bằng “tạm giam” khi chưa thật sự cần thiết. Bổ sung quy định về không thực hiện biện pháp “cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh khi nợ thuế do các nguyên nhân hợp lý và khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh có cam kết, có tài sản đảm bảo.
Nghiên cứu quy định về xác định diện tích đất đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới để bảo đảm bình quân 20ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích đất đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách.
Sau khi nghe ý kiến các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan trình, giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan đã chủ động khẩn trương tổ chức nghiên cứu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ, cũng như tại Hội trường để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đã phối hợp rất tích cực với cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết và đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét để biểu quyết thông qua, sau khi tiếp thu ý kiến trong phiên họp ngày hôm nay.
Về nội dung miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quy định theo đúng tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đó là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập.