Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên vùng tứ giác Long Xuyên
Những năm 1990, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nhất là sản xuất lương thực. Tuy nhiên, quá trình phát triển vùng bộc lộ nhiều hạn chế như kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu… Ngoài ra những tác động tiêu cực của thiên nhiên như lũ lụt, mặn xâm nhập ngày càng khốc liệt.
Trước khi xây dựng hệ thống công trình kiểm soát lũ tứ giác Long Xuyên đã nổ ra những tranh cãi gay gắt về phương án phòng, chống lũ cho vùng tứ giác Long Xuyên. Có hai quan điểm khác nhau cơ bản là “bao ô, chặn lũ” và “thoát lũ”. Để quyết định đúng đắn vấn đề, người đứng đầu Chính phủ lúc bây giờ đã tốn biết bao công sức, suy nghĩ.
Vào giữa năm 1995, Bộ Thủy lợi trình lên bàn Thủ tướng Võ Văn Kiệt định hướng quy hoạch phòng, chống lũ đồng bằng sông Cửu Long nhưng Thủ tướng không đồng ý ký phê duyệt do băn khoăn những nội dung của định hướng, lý do cụ thể: Các phương án phòng, chống lũ của Bộ Thủy lợi cho tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu chỉ có bao và chặn lũ với quy mô từ thấp đến cao theo các ô dự án như Ô Môn - Xà No, Ô Môn - Thốt Nốt, Thốt Nốt - Cái Sắn, Cái Sắn - Rạch Giá Long Xuyên, Rạch Giá Long Xuyên - Ba Thê, Ba Thê - Tri Tôn. Nếu Thủ tướng chấp thuận thì chưa biết bao giờ định hướng mới được thực hiện xong, hiệu quả công trình trong các phương án phòng, chống sẽ ra sao.
Do các chuyên gia và lãnh đạo Bộ Thủy lợi cho rằng giải pháp thoát lũ là không hiệu quả nếu thoát tốt lắm cũng chỉ được 10-15% lưu lượng lũ chảy vào đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy trong các phương án phòng, chống lũ người ta không mặn mà với giải pháp thoát lũ. Vấn đề chính yếu là do quan điểm xác định đối tượng lũ trong phòng, chống.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt không đồng ý với định hướng quy hoạch phòng, chống lũ đồng bằng sông Cửu Long cho thấy một tư duy sáng tạo và thiên tài của ông, vì lúc đó không có một phương án phòng, chống lũ nào khác để so sánh, đối chứng.
Trước tình hình khó khăn về sản xuất và đời sống của vùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết sách đầu tư lớn cho đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 9-2-1996, Thủ tướng ra Quyết định 99-TTg về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Lũ năm 1996 lớn và diễn biến phức tạp làm cho tình hình thêm “nước sôi lửa bỏng”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao các nhà khoa học (Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia) chủ trì phối hợp các bộ trong việc nghiên cứu vấn đề thoát lũ ra Biển Tây. Tháng 3-1997, Thủ tướng quyết định thành lập hội đồng thẩm định các công trình thủy lợi giao thông, dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời Thủ tướng ra quyết định đầu tư một số công trình thủy lợi cấp bách ở vùng tứ giác Long Xuyên là kênh T5, T6 và 5 cửa thoát lũ ra biển Tây. Kênh T5 được khởi công ngày 22-4-1997 mở màn cho việc xây dựng hệ thống công trình kiểm soát lũ tứ giác Long Xuyên.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự án hệ thống công trình kiểm soát lũ tứ giác Long Xuyên theo định hướng của đề án thoát lũ ra biển Tây của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Huy và nhóm cộng sự (Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia và các bộ, ngành khác).
Mục tiêu, nhiệm vụ của dự án hệ thống công trình kiểm soát lũ tứ giác Long Xuyên là ngăn lũ ít phù sa từ Campuchia tràn vào tứ giác Long Xuyên để đưa lượng lũ này theo kênh Vĩnh Tế và một số kênh khác thoát ra biển Tây; tạo thế đưa nước phù sa từ sông Hậu vào kết hợp ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, rửa phèn…
Dự án xác định đối tượng của công trình là lượng lũ tràn đồng vào và ra tứ giác Long Xuyên, chứ không phải là phân lũ, thoát lũ cho sông Hậu như nhiều người lầm tưởng.
Hệ thống công trình kiểm soát lũ tứ giác Long Xuyên đã qua thử thách của các trận lũ lớn như lũ năm 2000, 2001, 2002, 2011, đặc biệt là lũ lịch sử năm 2000. Hệ thống công trình đã làm giảm ngập lũ đầu vụ hay lũ sớm bảo vệ tốt lúa hè thu: Lũ năm 2000 xuất hiện sớm và cao nhất cùng kỳ trong vòng 40 năm qua (tính đến năm 2000) nhưng nhờ hệ thống công trình và hệ thống bờ bao nội đồng đã bảo vệ tốt lúa hè thu ở vùng tứ giác Long Xuyên…
Tuy nhiên, do hai đập Trà Sư, Tha La chặn lũ đầu vụ tràn từ biên giới, đưa lượng lũ này về tứ giác Hà Tiên làm cho lũ đầu vụ ở bắc kênh Vĩnh Tế và vùng tứ giác Hà Tiên về sớm hơn gần 1 tháng, ngập sâu hơn làm thiệt hại khoảng 1.500ha lúa hè thu.
Để khắc phục tình trạng khẩu diện thoát lũ còn thiếu, sau lũ năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thiết kế, xây dựng bổ sung 3 cửa thoát lũ ra biển Tây là Bình Giang 1, Bình Giang 2, tình hình ngập lũ sâu của tứ giác Hà Tiên đã được khắc phục cơ bản.
Theo số liệu công bố tại hội thảo khoa học “20 năm khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng tứ giác Long Xuyên”, hệ thống công trình đã giúp hai tỉnh An Giang và Kiên Giang khai hoang được hơn 50.000ha đất nông nghiệp (chủ yếu ở Kiên Giang) tạo nguồn nước ngọt cho 200.000ha đất tự nhiên, 150.000ha đất phèn mặn được cải tạo, cung cấp nước sinh hoạt cho 300.000 dân cư.
Do lượng dòng chảy từ sông Hậu vào gia tăng, chất lượng nước tốt, mang phù sa nhiều bồi đắp tứ giác Long Xuyên làm cho năng suất lúa tăng cao…
Hệ thống công trình đã góp phần cho Kiên Giang tăng sản lượng lúa từ 1,6 triệu tấn năm 1997 lên 2,5 triệu tấn năm 2003 và 4,7 triệu tấn năm 2015, đưa Kiên Giang lên vị trí đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực, biến huyện Hòn Đất thành huyện có diện tích đất lúa và sản lượng lúa cao nhất nước (hơn 80.000ha đất lúa 2 vụ, sản lượng hơn 1 triệu tấn).
Từ bối cảnh ra đời và hiệu quả của dự án hệ thống công trình kiểm soát lũ tứ giác Long Xuyên cho thấy vai trò quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong xây dựng hệ thống.
Thủ tướng là người sinh ra, lớn lên, tham gia kháng chiến trong phần lớn cuộc đời mình ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông là người thương dân, thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân vùng lũ, thấy được những tổn thất to lớn về người và của do lũ lụt gây ra, đặc biệt là nó làm chậm phát triển đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng là người tôn trọng, hiểu biết sâu sắc về khoa học, về lũ lụt. Ông đã phát biểu “Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long phải được coi như một tài nguyên cần lợi dụng, khai thác triệt để mặt lợi của nó, xem lũ lụt là một quy luật tự nhiên, một yếu tố tạo nên môi trường... Chiến lược phòng, chống lũ phải được thực hiện một cách toàn diện, đầy đủ, toàn vùng và hạn chế, né tránh, biết khai thác tiềm năng, chứ không phải triệt tiêu lũ”.
Ông là một con người bản lĩnh, quyết đoán, một con người nói và làm theo tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh; với cái tầm hiểu biết rộng, cái tâm luôn nhiệt huyết, cộng với nghệ thuật dùng người, có chính sách đúng đắn thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý giỏi... là tiền đề giúp cho sự thành công trong chỉ đạo khai thác và phát triển vùng tứ giác Long Xuyên cũng như trong sự nghiệp cách mạng đầy vẻ vang của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.