Dấu ấn Trung Đông giữa căng thẳng Mỹ-Trung
Năm 2021 đánh dấu thay đổi đối với hầu hết khu vực trên thế giới, trong đó có Trung Đông. Xu hướng ngoại giao của khu vực này đã đạt được một số tiến triển đáng kể.
Gần đây, Iraq đã chuyển đổi từ tâm điểm của bạo lực khu vực trở thành một trong những quốc gia có nhiều tiến bộ khi làm cầu nối trung gian cho các cuộc đàm phán hiếm hoi giữa Saudi Arabia và Iran. Đây được đánh giá là xu hướng ngoại giao trung gian giảm căng thẳng và tích cực.
Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, nhiều quốc gia Trung Đông hiểu rằng xung đột không thể mãi tiếp diễn. Tuy nhiên, sau khi một năm kết thúc và ngoại giao được tăng tốc, Trung Đông tiếp tục đối mặt với khó khăn giữa căng thẳng Mỹ và Trung Quốc bất chấp các nỗ lực né tránh ảnh hưởng cạnh tranh giữa hai cường quốc này.
Theo CNN, một số quốc gia tại Trung Đông gần đây đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của khu vực trước căng thẳng Mỹ-Trung.
"Điều chúng tôi lo lắng là ranh giới giữa một cuộc cạnh tranh gay gắt hoặc chiến tranh lạnh mới", ông Anwar Gargash, cố vấn ngoại giao cho giới lãnh đạo Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cho biết trong bài phát biểu trước Viện các quốc gia vùng vịnh Ả rập ở Washington trong tuần trước.
Một số chuyên gia cho rằng, không phải lúc nào Mỹ cũng giành chiến thắng trong cuộc chiến giành lại ảnh hưởng tại khu vực. Gần đây, UAE đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Mỹ về việc mua máy bay F-35 nằm trong thỏa thuận vũ khí trị giá 23 tỷ USD. Đây là dấu hiệu cho thấy Abu Dhabi ngày càng thất vọng trước nỗ lực của Washington nhằm hạn chế việc bán công nghệ của Trung Quốc cho UAE.
"UAE đã thông báo với Mỹ rằng họ sẽ tạm dừng các cuộc đàm phán mua F-35. Các yêu cầu kỹ thuật, các hạn chế hoạt động chủ quyền và phân tích chi phí cũng như lợi ích đã dẫn đến việc đánh giá lại thỏa thuận", một quan chức UAE nói với CNN.
Mỹ đã ra điều kiện bán hàng với UAE và muốn quốc gia Tây Á này sẽ loại bỏ Huawei của Trung Quốc ra khỏi mạng viễn thông của nước này. Tuy nhiên, Abu Dhabi không chấp thuận. Một quan chức UAE cho biết, phép phân tích lợi ích/chi phí đưa tới quyết định vẫn giữ lại Huawei. Trong khi Mỹ cố gắng kiếm chế khả năng gắn kết của UAE với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ hay kinh tế thì Abu Dhabi dường như vẫn muốn tiếp tục quan hệ với Trung Quốc. Đây là tiền đề cho việc mở rộng quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia Trung Đông trong lĩnh vực thương mại, tạo cơ hội cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng, vượt qua các đối thủ địa chính trị cũ, trong đó có Mỹ.
"F-35 là viên ngọc quý của Mỹ và của lực lượng không quân của chúng tôi, vì vậy, chúng tôi cần sự đảm bảo về an ninh công nghệ từ tất cả các đối tác", phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về an ninh khu vực Mira Resnick nói với CNN, trả lời câu hỏi về việc liệu UAE có phải lựa chọn giữa Huawei và F-35 hay không.
Mức độ cạnh tranh
Theo CNN, Trung Đông đang "rung chuyển" bởi các căng thẳng địa chính trị kể từ khi các cường quốc phương Tây biến khu vực giàu tài nguyên trở thành vùng ảnh hưởng trong hơn một thế kỷ trước. Khu vực này từng chứng kiến bạo lực có quy mô vào những năm 2010 khi 4 cuộc chiến đồng thời diễn ra ở Syria, Yemen, Libya và Iran, cũng như bạo lực kéo dài ở Israel và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đã biến một số vùng đất của Ả rập trở nên bạo loạn. Và, đây cũng là giai đoạn trùng với một số thay đổi chính trị quan trọng. Cạnh tranh Mỹ -Trung Quốc khiến Washington gia tăng kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các quốc gia trong khu vực. Hàng loạt các chính sách ngoại giao khu vực diễn ra sau đó, gấp rút và đôi khi là hỗn loạn diễn ra vào thời điểm Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Sau tất cả, Trung Quốc lại đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng lại ở khu vực này.
Bắc Kinh đã tạo dựng quan hệ đối tác kinh tế trên phạm vi rộng lớn với các quốc gia như Riyadh và Tehran. Trung Quốc cũng củng cố vị trí của mình tại các nền kinh tế vốn đã là đối tác thương mại mạnh mẽ như UAE. Đây là tiền đề trên con đường mở rộng các mạng viễn thông của Bắc Kinh ở quốc gia Tây Á này. Đến hiện tại, Trung Quốc liên tục mở rộng ảnh hưởng, xem Trung Đông là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Và hơn hết, Bắc Kinh đã tạo cơ hội với khu vực ngay sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Các nhà phân tích cho rằng nếu Washington buộc Trung Đông phải lựa chọn giữa Trung Quốc hay Mỹ thì điều đó là vô nghĩa. Sự hấp dẫn thực sự của Trung Quốc là "quy luật tự nhiên". Đây là xu hướng có thể xảy ra trong thế kỷ tới.
Giới quan sát cho rằng, điểm yếu của Mỹ trong đề xuất với Trung Đông là Washington chưa thể đưa ra lựa chọn phù hợp nào thay thế cho các giao dịch "khủng" giữa Bắc Kinh với khu vực này vào thời điểm hiện tại.
Mỹ có thể cố gắng ép UAE rút khỏi thỏa thuận với Trung Quốc nhưng lại không thể đưa ra lựa chọn thứ hai mang tính cạnh tranh.
"Áp lực từ Mỹ đã gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là khi Trung Quốc phát động Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013. Tuy nhiên, trong chính trị quốc tế, khi bạn gây áp lực với các quốc gia thì quyền lực thực sự của bạn phải phát huy trong một thỏa thuận cạnh tranh khác", ông Tin Hinane El Kadi, nhà nghiên cứu trong tổ chức tư vấn Chatham House nói.
"Nếu Mỹ thực sự muốn gây áp lực với các quốc gia và giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh mới này thì Washington phải đưa ra các dự án thực tế hơn", ông El Kadi nhận định.
"Cho dù Mỹ đúng nhưng rất ít đòn bẩy… Và điều đó sẽ khiến UAE phải đưa ra lựa chọn tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu và mang lại sự ổn định cho khu vực", ông Kadi nói thêm./.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dau-an-trung-dong-giua-cang-thang-my-trung-20211228113113399.htm