Dấu ấn truyền hình, điện ảnh Đài Loan tại Telefilm Vietnam 2023

Các tựa phim truyền hình, điện ảnh do Đài Loan sản xuất đã không còn xa lạ với giới mộ điệu Việt Nam. Trả lời phỏng vấn với phóng viên SAOstar, ông Steven Lin - Hội trưởng Tổng hội liên hiệp ngành công nghiệp truyền hình Đài Loan cho biết, Việt Nam là thị trường lớn nhất của các sản phẩm phim ảnh nước này tại Đông Nam Á.

Telefilm Vietnam - Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Phim & Nội dung, Thiết bị và Công nghệ truyền hình là triển lãm thương mại quốc tế duy nhất của Việt Nam tập trung vào ngành công nghiệp điện ảnh truyền hình. Sự kiện quy tụ những công ty, nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng đầu trong và ngoài nước với những sản phẩm điện ảnh, truyền hình, quảng cáo và kỹ thuật thiết bị phần cứng.

Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu vào năm 2013. Sau 10 lần tổ chức, triển lãm đã thu hút nhiều nhà sản xuất, công ty từ khắp nơi trên thế giới, vô số tựa phim, công nghệ truyền hình đã được giới thiệu, được khán giả đón nhận.

Được biết, tại Telefilm Vietnam 2023, hội liên hiệp sản xuất phim truyền hình Đài Loan (T.D.P.I.F) vẫn sẽ tập trung vào khái niệm đội ngũ tiếp thị của quốc gia, tập hợp 21 công ty sản xuất phim ảnh, với tổng số 45 tác phẩm bao gồm các tác phẩm điện ảnh và truyền hình mới nhất và các dự án kế hoạch trong hai năm qua. Trong đó gồm những thể loại phim tình cảm gia đình, đời sống, truyền hình thực tế,... cho tới kịch truyền thống của Đài Loan, chương trình tạp kỹ, ẩm thực, du lịch, làm đẹp.

Đoàn đại biểu Đài Loan tại Telefilm Vietnam 2023.

Đoàn đại biểu Đài Loan tại Telefilm Vietnam 2023.

“Việt Nam là thị trường lớn nhất của phim Đài Loan tại khu vực Đông Nam Á”

Chiều 9/6 sự kiện “Tiệc chiêu đãi khai mạc khu gian hàng Đài Loan” trong khuôn khổ Telefilm 2023 đã chính thức diễn ra. Sự kiện quy tụ sự tham gia của các thành viên trong đoàn đại biểu Đài Loan, cùng các nhà đầu tư, các quan khách dành sự quan tâm đến nền phim ảnh nước này.

Tại sự kiện, nhiều hoạt động thú vị, cũng như các thông tin bổ ích về nền phim ảnh Đài Loan đã được đưa ra thảo luận. Mở đầu sự kiện, ông Steven Lin - Hội trưởng Tổng hội liên hiệp ngành công nghiệp truyền hình Đài Loan cùng các thành viên trong BTC mang đến không khí rất tích cực. Cùng việc giới thiệu các món bánh truyền thông, trà sữa mang phong vị Đài Loan, BTC cũng dành thời gian để giới thiệu sơ lược về “đứa con tinh thần” của mình đến đông đảo quan khách tại sự kiện.

Ông Steven Lin - Hội trưởng Tổng hội liên hiệp ngành công nghiệp truyền hình Đài Loan đặt nhiều kỳ vọng khi tham gia Telefilm Vietnam 2023. Tại “Tiệc chiêu đãi khai mạc khu gian hàng Đài Loan” ngày 9/6, ông dành thời gian để giới thiệu các món bánh Đài Loan đến đông đảo quan khách.

Ông Steven Lin - Hội trưởng Tổng hội liên hiệp ngành công nghiệp truyền hình Đài Loan đặt nhiều kỳ vọng khi tham gia Telefilm Vietnam 2023. Tại “Tiệc chiêu đãi khai mạc khu gian hàng Đài Loan” ngày 9/6, ông dành thời gian để giới thiệu các món bánh Đài Loan đến đông đảo quan khách.

Theo ông Steven Lin - Hội trưởng Tổng hội liên hiệp ngành công nghiệp truyền hình Đài Loan, điểm nhấn của gian hàng tại Telefilm 2023 năm nay chính là sự tham gia của nhiều tựa phim cùng công nghệ làm phim đến từ Đài Loan. Bên cạnh đó, ông cũng tiết lộ kỳ vọng lớn nhất của mình khi tham gia sự kiện, đó là sẽ có thêm nhiều tác phẩm phim ảnh của Đài Loan được thị trường Việt Nam đón nhận.

Ông Steven Lin nhấn mạnh: “Tham gia Telefilm lần này, ê-kíp Đài Loan mang đến 45 bộ phim, bao gồm cả truyền hình lẫn điện ảnh, và cả phim hoạt hình. Tổng thời lượng các dự án này lên đến hơn 3000 tiếng. Đặc biệt, trong số các dự án được giới thiệu, có một bộ phim được quay với diễn viên Harry Lu - diễn viên mang dòng máu Đài Loan, lớn lên ở Việt Nam. Chúng tôi rất mong các sản phẩm này sẽ nhận được sự hoan nghênh của khán giả Việt Nam.

Tham gia Telefilm 2023, chúng tôi ấp ủ rất nhiều kỳ vọng. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất đó chính là các bộ phim năm nay sẽ tìm được cơ hội thật tốt tại Việt Nam, được mọi người đón nhận.

Về thuận lợi, những bộ phim đến từ Đài Loan luôn nhận được sự ủng hộ từ khán giả Việt Nam. Một ví dụ cụ thể, Việt Nam là thị trường mua thời lượng phim Đài Loan nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đối với tôi, đây là một sự may mắn đối với các bộ phim Đài Loan”.

Không gian của gian hàng Đài Loan tại Telefilm Vietnam 2023.

Không gian của gian hàng Đài Loan tại Telefilm Vietnam 2023.

Điểm tương đồng trong xu hướng xem phim của khán giả 2 nước Việt Nam và Đài Loan

Khi cùng đoàn đại biểu Đài Loan tham gia Telefilm năm nay, ông Tseng Hsiao Feng (phó chủ nhiệm Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM) không giấu được sự hào hứng. Ông tiết lộ mình cảm thấy rất vui khi có cơ hội quảng báo văn hóa nước nhà cho bạn bè quốc tế. “Như chúng ta đã biết, những năm gần đây, Việt Nam và Đài Loan có sự giao lưu văn hóa mật thiết. Bên cạnh các sản phẩm phim ảnh, ê-kíp Đài Loan cũng mang đến Telefilm năm nay nhiều công nghệ mới của nước nhà”, ông Tseng Hsiao Feng nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên SAOstar, ông Tseng Hsiao Feng tiết lộ phát hiện mới của mình về điểm tương đồng trong nhu cầu xem phim giữa khán giả Việt Nam và Đài Loan. Đó là sự tương đồng về thể loại: tình yêu, phim có yếu tố “drama”, kịch tính, phim hài,...

“Theo quan sát của tôi, thứ nhất, văn hóa Việt Nam và Đài Loan có nhiều điểm tương đồng, ví dụ như mọi người đều dùng đũa để gắp thức ăn. Chính vì thế, tôi nghĩ khán giả hai bên cũng có nhiều điểm tương đồng trong việc thưởng thức phim ảnh. Ví dụ như, khán giả ở 2 nước đều thích xem phim về tình yêu, phim gia đình, đôi khi là những tình huống tranh chấp tài sản giữa các thành viên. Yếu tố thứ 3 chính là hài kịch, các tác phẩm có nội dung hài hước nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả”.

Ông Tseng Hsiao Feng - phó chủ nhiệm Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, cho biết, khán giả Việt Nam và Đài Loan có “gu” xem phim tương tự nhau.

Ông Tseng Hsiao Feng - phó chủ nhiệm Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, cho biết, khán giả Việt Nam và Đài Loan có “gu” xem phim tương tự nhau.

Về phía nhà đài, ông Nick Tai - đại diện đài TVBS - đơn vị sản xuất nhiều tựa phim đình đám cho biết, Hoa Đăng Sơ Thượng là một trong những “đứa con tinh thần” nổi bật của đơn vị. Bên cạnh đó, đại diện nhà đài cũng bày tỏ sự hào hứng trước sự trở lại mạnh mẽ của thị trường phim ảnh Đài Loan, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ông Nick Tai - đại diện đài TVBS cho biết: “Đối với những khán giả quan tâm đến nền phim ảnh Đài Loan, không thể không nhắc đến Hoa Đăng Sơ Thượng, đây là dự án do đài chúng tôi sản xuất, đạt rating hơn 5% khi chiếu tại Đài Loan, đây là một bộ phim có thể thấy là thành công. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi ảnh hưởng khá là sâu rộng đối với các ngành nghề, thành tích mà phim đạt được được ví như bước chuyển mình, cơ hội cho truyền hình Đài Loan.

Mục đích đầu tiên khi quay Hoa Đăng Sơ Thượng là để cống hiến cho nền truyền hình của Đài Loan. Mong rằng, dự án này cũng mang lại nhiều thành tựu cho lĩnh vực quay phim truyền hình. Để thực hiện một bộ phim tiêu tốn rất nhiều thời gian, gặp nhiều khó khăn, chính vì thế, tôi biết được rằng việc quốc tế hóa sẽ giúp nền điện ảnh, truyền hình nước nhà ngày một phát triển hơn”.

Ông Nick Tai - đại diện đài TVBS - đơn vị đứng sau thành công với tựa phim Hoa Đăng Sơ Thượng.

Ông Nick Tai - đại diện đài TVBS - đơn vị đứng sau thành công với tựa phim Hoa Đăng Sơ Thượng.

Có khán giả Việt sẵn sàng ra rạp 10 lần để xem một tựa phim Đài Loan

Telefilm Vietnam 2023 thu hút hàng nghìn lượt khán giả, thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề đến tham quan. Trong đó, không thể không kể đến các “mọt phim” chân chính của thị trường phim ảnh Đài Loan. Chị Như Ngọc (bác sĩ, Hồ Chí Minh) dành thời gian để tham gia Telefilm 2023 cùng bạn bè. Tại đây, chị dành sự quan tâm đặc biệt đến gian hàng Đài Loan trong khuôn khổ triển lãm.

Trao đổi với chúng tôi, chị Ngọc cho biết mình xem phim Đài Loan từ nhỏ, chứng kiến sự đổi thay của thị trường phim này suốt nhiều năm liền. Đối với chị, phim Đài Loan như một luồng gió mới giữa lúc thị trường phim ảnh thế giới đang bão hòa. Đặc biệt, chị cho biết mình đã ra rạp xem Chuyện Tôi Và Ma Quỷ Thành Người Một Nhà do Hứa Quang Hán - Lâm Bách Hoàng đóng tận 5 lần, mỗi lần đều tìm ra điểm đặc sắc riêng. Nếu phim Nguyệt Lão được về Việt Nam, chị sẵn sàng ra rạp 10 lần để ủng hộ dự án.

“Thời tôi còn nhỏ, phim Đài Loan chiếu ở Việt Nam khá nhiều, tôi nhớ là trên đài chiếu gì thì mình xem đó thôi. Còn hiện tại, tôi xem phim Đài Loan như luồng gió mới, đột phá về nội dung nếu so với các thị trường khác. Cách khai thác cốt truyện rất mới mẻ, độc đáo, không chịu cảnh nhàm chán trong mô-típ. Bên cạnh đó, diễn xuất của các diễn viên trong phim Đài Loan rất ấn tượng. Các dự án này không có quá nhiều “drama” ví dụ như tranh phiên vị nổ ra trong suốt quá trình phim lên sóng, chúng tôi luôn được xem phim với tinh thần thoải mái nhất.

Để giới thiệu về một bộ phim Đài Loan khiến mình ấn tượng thời gian gần đây, tôi nghĩ ngay đến Chuyện Tôi Và Ma Quỷ Thành Người Một Nhà, của Hứa Quang Hán. Thật sự là tôi đã đến rạp xem phim này 5 lần rồi, đây là một dự án khiến tôi xem hoài không chán. Ở mỗi lần xem, tôi luôn tìm ra được một điều thú vị, mà lần xem trước, tôi hoàn toàn không nhận ra.

Tôi mong phim Nguyệt Lão của Kha Chấn Đông sẽ được Việt Nam mua bản quyền. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ đến rạp xem 10 lần, chứ không chỉ 5 lần như Chuyện Tôi Và Ma Quỷ Thành Người Một Nhà”.

Chị Ngọc (trái) và chị Nhu tham gia các hoạt động tại “Tiệc chiêu đãi khai mạc khu gian hàng Đài Loan” ngày 9/6. Cả hai dành nhiều năm để tìm hiểu, theo dõi cả sản phẩm phim ảnh đến từ Đài Loan.

Chị Ngọc (trái) và chị Nhu tham gia các hoạt động tại “Tiệc chiêu đãi khai mạc khu gian hàng Đài Loan” ngày 9/6. Cả hai dành nhiều năm để tìm hiểu, theo dõi cả sản phẩm phim ảnh đến từ Đài Loan.

Còn với chị Chu (Nhân viên văn phòng, TP.HCM), phim Đài Loan là tuổi thơ của cô và cả gia đình. Vốn là người khó tính, xem nhiều tựa phim của nhiều quốc gia khác nhau, chị Chu cho biết, phim Đài Loan không có nhiều lỗ hổng về kịch bản lẫn diễn xuất. Bên cạnh đó, chị Chu thể hiện mong muốn các sản phẩm phim ảnh đến từ Đài Loan sẽ được mua bản quyền phát sóng ở Việt Nam. Đồng thời, sẽ có thêm nhiều hội nhóm, chương trình giao lưu, quảng bá phim Đài Loan được tổ chức. Bởi hiện tại, các thông tin chi tiết về các sản phẩm phim ảnh nước này còn chưa được phổ biến nhiều tại Việt Nam, nếu so với các thị trường khác.

Chị Chu chia sẻ:

“Những tựa phim Đài Loan đầu tiên mà tôi được xem thường là phim thần tượng. Thời điểm đó, các bộ phim được đầu tư rất chất lượng về nội dung, diễn xuất, lẫn nhạc phim. Tôi bén duyên với phim Đài Loan, tiếp cận với ngôn ngữ của họ từ lúc mình còn là học sinh cấp 2. Thơ Ngây, Vườn Sao Băng là những tác phẩm đầu tiên tôi được theo dõi, và ấn tượng mãi đến hiện tại. Gia đình tôi cũng cùng nhau theo dõi các bộ phim truyền hình Đài Loan, ai cũng cảm thấy thích thú.

Phim Đài Loan cũng có tính giáo dục, tôi nhìn thấy nhiều thông điệp khi theo dõi các dự án. Hầu hết các bộ phim mà tôi có dịp xem qua đều được bảo chứng về nội dung lẫn diễn xuất, không có quá nhiều lỗ hổng. Điều này khiến tôi cảm thấy thời gian mình bỏ ra xem phim là rất xứng đáng.

Để chỉ ra điểm hạn chế của phim Đài Loan, đầu tiên, tôi nghĩ đó chính là sự phổ biến. Về điện ảnh, các cụm rạp, nhà phát hành tại Việt Nam không mua bản quyền nhiều dự án mà tôi mong muốn. Những năm gần đây, thị trường phim Đài Loan tại Việt Nam khởi sắc hơn, còn trước đó rất khó để tìm xem.

Thứ hai, tôi gặp khó khăn trong việc tra cứu các thông tin về phim. Ví dụ như tôi thích một dự án nào đó, mình muốn tìm hiểu thêm về diễn viên, nội dung,... thì tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Trong tương lai, tôi mong rằng có thêm nhiều chương trình, hội nhóm, trang thông tin,... về phim Đài Loan được mở ra, để những ai có cùng đam mê như mình sẽ có cơ hội tham gia, giao lưu với nhau”.

Được biết, những trăn trở nói trên của khán giả cũng được BTC nhìn nhận. Chia sẻ tại sự kiện mới đây, ông Steven Lin đã giãi bày những khó khăn của các sản phẩm phim ảnh Đài Loan khi du nhập vào Việt Nam. Tại đây, ông cho biết Việt Nam là thị trường tiêu thụ phim ảnh Đài Loan lớn bậc nhất Đông Nam Á, tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, không tránh khỏi những khó khăn.

“Tuy nhiên, đôi khi, các bộ phim Đài Loan sau khi đóng máy, đều được các nền tảng như Netflix, HBO, Disney Plus mua lại bản quyền trước. Chính vì thế, việc phát sóng ở Việt Nam cũng gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, tôi mong rằng trong tương lai, các dự án Đài Loan sẽ được phía Việt Nam tham gia đầu tư, từ đó, phim có cơ hội phủ sóng rộng khắp trên quốc gia này”.

Ngoài ra, đại diện Tổng hội liên hiệp ngành công nghiệp truyền hình Đài Loan còn đặt kỳ vọng vào việc hợp tác sản xuất phim của ê-kíp Việt Nam và Đài Loan. Được biết, việc hợp tác này sẽ giúp các sản phẩm phim ảnh, văn hóa Đài Loan lan tỏa đến thị trường Việt Nam một cách dễ dàng hơn. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trong suốt thời gian diễn ra triển lãm.

Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của nền phim ảnh Đài Loan trước trong và sau đại dịch Covid-19, mong rằng, sẽ có thêm nhiều tựa phim của nước này du nhập, được đông đảo khán giả Việt Nam đón nhận. Ngược lại, những “mọt phim” Việt cũng sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội được tiếp xúc, thưởng thức các thước phim chất lượng đến từ Đài Loan.

T.H

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/giai-tri/dau-an-truyen-hinh-dien-anh-dai-loan-tai-telefilm-vietnam-2023-202306101147039763.html