DẤU ẤN TỪ NGHỊ QUYẾT 'THUẬN THIÊN' - Bài 2: Thay đổi tư duy sản xuất
Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tư duy phát triển kinh tế của người dân Kiên Giang từ chỗ dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi đã chuyển đổi sang dựa vào năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
DẤU ẤN TỪ NGHỊ QUYẾT “THUẬN THIÊN” - Bài 1: Thách thức từ biến đổi khí hậu
BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối mặt với những thách thức từ biến đổi khí hậu. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, mặn xâm nhập, nước biển dâng diễn ra tại nhiều địa phương ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn Kiên Giang.
Sau nhiều năm chống chọi với hạn, mặn xâm nhập, sạt lở, người dân Kiên Giang quen dần và chuyển sang thích ứng, sống chung với biến đổi khí hậu thông qua nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.
Đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng nhận định, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, người dân phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy giá trị gia tăng làm thước đo.
Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long ra đời, trở thành kim chỉ nam để các cấp chính quyền địa phương, người dân phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết 120/NQ-CP với chủ trương lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế. Cụ thể hóa Nghị quyết 120/NQ-CP, nông nghiệp Kiên Giang chuyển biến tích cực trong nội bộ ngành.
Các mô hình sản xuất theo hướng thuận thiên được chú trọng phát triển. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch hợp lý, khu vực ven biển vùng U Minh Thượng và tứ giác Long Xuyên chuyển đổi từ trồng lúa một vụ năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình tôm - lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng chuyển đổi từ đất trồng lúa hai vụ sang phát triển mô hình lúa - màu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến nay diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh khoảng 32.864ha. Những mô hình sản xuất sau khi chuyển đổi từng bước phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo sinh kế bền vững cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống người dân vùng nông thôn thay đổi đáng kể.
Tại các huyện vùng U Minh Thượng như An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, mô hình sản xuất lúa - tôm được xem là cứu cánh của nông dân trong bối cảnh vùng đất này thường xuyên đối mặt với tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập.
Thực hiện mô hình này, đến vụ lúa, nước mặn được bơm ra, người dân tiến hành cày ải đất, rửa mặn để gieo sạ vụ lúa mùa trên đất tôm. Lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhờ hút chất dinh dưỡng, bã bùn hữu cơ từ vụ tôm nên người dân ít hoặc hầu như không cần thêm loại phân bón nào suốt vụ. Ngược lại, tôm được nuôi theo mô hình này giúp người dân không tốn nhiều chi phí mua thức ăn, thuốc thủy sản, tôm sử dụng nguồn thức ăn còn lại từ gốc rạ trên đồng phân hủy.
Sự kết hợp tuyệt vời trong sản xuất giữa con tôm và cây lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng Miệt Thứ, giúp hạn chế rủi ro từ thời tiết bất lợi.
Ông Ngô Trấn Khái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã lúa - tôm An Biên cho biết: “Những năm trước, hạn hán và mặn xâm nhập làm thiệt hại hàng trăm hecta lúa hai vụ khiến người dân lao đao. Từ khi An Biên có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa hai vụ sang mô hình tôm - lúa bà con phấn khởi. Vụ lúa mùa năm 2022, doanh thu khoảng 60 triệu đồng/ha; thu hoạch tôm từ 3-4 đợt/vụ, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. Mô hình lúa - tôm là giải pháp căn cơ giúp người dân sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
TĂNG CƯỜNG CHUYỂN GIAO KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
Bên cạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng tiểu vùng, 5 năm qua, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh quan tâm, chú trọng đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật, ứng dụng thành tựu công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với mong muốn tăng năng suất, chất lượng nông sản nhưng vẫn chung sống hài hòa với thiên nhiên.
Năm 2022, Kiên Giang triển khai 693 mô hình cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu ứng phó với biến đổi khí hậu, áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ, mô hình canh tác lúa tiên tiến, áp dụng quy trình tưới tiêu tiết kiệm trong canh tác và sử dụng chế phẩm nông nghiệp, mô hình trồng cây ăn trái sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao…
Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thông qua các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về cây trồng, vật nuôi, phương pháp canh tác mới góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất, trình độ sản xuất của người dân từng bước nâng lên.
Người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, vận dụng sáng tạo thành tựu khoa học, công nghệ để làm chủ quy trình sản xuất, hạn chế rủi ro từ tác động của môi trường, khí hậu, thời tiết, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Lúa được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh với sản lượng mỗi năm trên 4 triệu tấn. Thế nhưng những năm qua, nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Thời tiết bất thường làm phát sinh nhiều dịch bệnh trên cây trồng; sản xuất lạm dụng phân bón hóa học làm thoái hóa đất, đất bạc màu làm sụt giảm năng suất, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng lúa.
Dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nông dân được tiếp cận các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa như giảm lượng giống gieo sạ, gieo sạ bằng máy kết hợp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, áp dụng kỹ thuật tưới ngập, khô xen kẽ, sử dụng phân bón tiết kiệm… Hiệu quả mang lại giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm, lợi nhuận cao, hạn chế giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Trần Văn Đen - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thạnh, xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành) cho biết, để giảm chi phí sản xuất, hợp tác xã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tăng cường cơ giới hóa vào đồng ruộng. Cụ thể, toàn bộ diện tích sản xuất lúa của hợp tác xã thực hiện gieo sạ bằng máy sạ lúa theo bụi.
Việc áp dụng sạ lúa bằng máy giúp thành viên hợp tác xã giảm 50% lượng giống gieo sạ so phương pháp sạ lan, bình quân lượng giống gieo sạ giảm còn 70kg/ha, giúp giảm 20% chi phí phân bón, giảm 20% chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Lợi nhuận bình quân đạt 35 triệu đồng/ha.
Các vùng chuyên nuôi tôm nước lợ ở các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và TP. Hà Tiên nông dân có nhiều cải tiến trong quy trình nuôi tôm nhằm hạn chế rủi ro từ thời tiết, dịch bệnh. Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn với hệ thống xử lý nước tuần hoàn, khép kín làm thay đổi cách nuôi truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao, kiểm soát môi trường không khí, thời tiết, giúp sản lượng tăng từ 10-15 lần.
Ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên) cho biết: “Nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, tôi kiểm soát được dịch bệnh, môi trường nước, giảm rủi ro do biến động thời tiết, năng suất cao, thu nhập cao hơn 3-4 lần so cách nuôi truyền thống trong ao đất”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG