Dấu ấn văn hóa qua Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) vừa khép lại ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả cũng như những người làm điện ảnh về một Hà Nội hòa bình, thân thiện và giàu bản sắc văn hóa.

Chất Hà Nội qua điện ảnh

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII mang đến cơ hội cho khán giả yêu điện ảnh được thưởng thức các tác phẩm đặc sắc của nhiều nền điện ảnh danh tiếng trên thế giới. Tất cả các bộ phim tại HANIFF VII đều được chiếu tại 3 cụm rạp: Trung tâm Chiếu phim quốc gia, BHD Phạm Ngọc Thạch và CGV Nguyễn Chí Thanh. Đặc biệt, nhiều bộ phim về Hà Nội như “Em bé Hà Nội”, “Long Thành cầm giả ca”, “Hà Nội mùa Đông 46”… cũng được chiếu miễn phí phục vụ khán giả.

Đoàn làm phim “Long Thành cầm giả ca” tại buổi chiếu phim và giao lưu với khán giả. Ảnh: BTC

Đoàn làm phim “Long Thành cầm giả ca” tại buổi chiếu phim và giao lưu với khán giả. Ảnh: BTC

Bộ phim “Long Thành cầm giả ca” được sản xuất nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Phim kể về chuyện tình diễm lệ của Tố Như (tên chữ của đại thi hào Nguyễn Du) và Cầm, nàng ca kỹ xinh đẹp nổi danh thành Thăng Long.

Sau 15 năm, bộ phim một lần nữa được giới thiệu tới công chúng yêu điện ảnh tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, thu hút đông đảo khán giả tới xem. Tham dự buổi chiếu phim và giao lưu với khán giả, đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn cùng các thành viên đoàn làm phim rất xúc động vì qua một thời gian dài, bộ phim vẫn được khán giả hào hứng đón nhận.

Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn chia sẻ, với khát vọng tìm lại những vẻ đẹp đã mất của Thăng Long xưa, đoàn làm phim đã phục dựng lại từ tính cách của các nhân vật đến bối cảnh, phục trang… tất cả mọi thứ đều thuần Việt. Bộ phim đã khắc họa rõ nét phong tục, tập quán, nếp sống của người Thăng Long xưa qua những trò chơi dân gian quen thuộc hay điệu hát chầu văn, ả đào, các bài đồng dao…

Trong những ngày diễn ra liên hoan phim, tại các cụm rạp chiếu phim đã thu hút đông đảo công chúng đến thưởng thức. Ảnh: BTC

Trong những ngày diễn ra liên hoan phim, tại các cụm rạp chiếu phim đã thu hút đông đảo công chúng đến thưởng thức. Ảnh: BTC

Cũng tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, sau 50 năm, một lần nữa, bộ phim “Em bé Hà Nội” được phục vụ khán giả yêu điện ảnh trên màn ảnh rộng. “Em bé Hà Nội” của đạo diễn, NSND Hải Ninh kể về hành trình của cô bé Ngọc Hà, sau khi mất gia đình đã từ nơi sơ tán lên TP tìm người cha chiến sĩ của mình trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Với các cảnh phim được thực hiện ngay trên dãy phố Khâm Thiên, nơi hứng chịu những trận bom B52 ác liệt của không quân Mỹ vào tháng 12/1972, đạo diễn, NSND Hải Ninh đã tái hiện thành công những ngày tháng lịch sử của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên màn ảnh.

Sau 50 năm, “Em bé Hà Nội” vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem về tình cảm gia đình, tình quân dân, tình đồng bào và sự vững vàng của Hà Nội trong những ngày bom đạn khốc liệt.

Hà Nội – điểm hẹn văn hóa của điện ảnh thế giới

Lần thứ bảy tổ chức, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 tiếp tục khẳng định Hà Nội là điểm hẹn văn hóa của những người yêu điện ảnh. Ngay từ khi trailer chính thức về liên hoan phim được công bố, dù chỉ vỏn vẹn 30 giây song rất dễ để nhận ra nhiều hình ảnh đẹp về các công trình danh thắng, di tích tiêu biểu, nét đẹp văn hóa của Thủ đô như: Cột cờ Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháp nước Hàng Đậu, cầu Nhật Tân, nghệ thuật rối nước… Trên poster của liên hoan phim cũng là những hình vẽ về cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, phố cổ Hà Nội, gợi nhớ về một “Thành phố di sản” với bề dày nghìn năm văn hiến.

Hình ảnh cuộn phim và Khuê Văn Các được chọn làm biểu tượng để khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII. Ảnh: BTC

Hình ảnh cuộn phim và Khuê Văn Các được chọn làm biểu tượng để khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII. Ảnh: BTC

Với khoảng 800 đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự; 117 bộ phim của 51 quốc gia, vùng lãnh thổ được chiếu tại 3 cụm rạp cùng nhiều hoạt động giàu tính chuyên môn sâu sắc, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII được đánh giá là thành công, tổ chức bài bản, chuyên nghiệp dù vắng mặt những tên tuổi điện ảnh hàng đầu thế giới so với kỳ liên hoan phim năm 2022. Đặc biệt, qua sự kiện này, Hà Nội để lại nhiều ấn tượng đẹp trong mắt công chúng cũng như các nhà làm phim nước ngoài.

Đạo diễn, nhà biên kịch Tzang Merwyn Tong (Singapore) - thành viên Ban Giám khảo phim ngắn Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII chia sẻ: “Tiết trời mùa Thu đang chuyển sang Đông se se lạnh vào buổi sáng, vẻ đẹp nên thơ cũng như nhịp điệu cuộc sống sôi động Thủ đô Hà Nội mang đến cho tôi nhiều cảm xúc. Chính vì thế, từ hôm đến với liên hoan phim, tôi đều đi dạo mỗi khi thức dậy. Điều đó tạo cho tôi nhiều cảm hứng cho một ngày làm việc”.

Những hình ảnh đặc trưng của Hà Nội trên sân khấu liên hoan phim. Ảnh: BTC

Những hình ảnh đặc trưng của Hà Nội trên sân khấu liên hoan phim. Ảnh: BTC

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII đã tạo nên bầu không khí nghệ thuật nồng nhiệt dành cho khán giả Thủ đô. Với chủ đề “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII khẳng định uy tín, là biểu tượng cho tinh thần sáng tạo, hội nhập của điện ảnh Việt Nam và 51 nền điện ảnh trên thế giới với quy mô, hình thức tổ chức ngày một chuyên nghiệp hơn. Đồng thời tạo dấu ấn riêng về một liên hoan phim được tổ chức tại Thủ đô nghìn năm văn hiến, thúc đẩy phát triển du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cũng nhấn mạnh, Hà Nội có nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng các tài năng nghệ thuật, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo để tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc sắc.

Nhiều nghệ sĩ quốc tế có ấn tượng đẹp với Hà Nội. Ảnh: BTC

Nhiều nghệ sĩ quốc tế có ấn tượng đẹp với Hà Nội. Ảnh: BTC

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc. Đồng thời kết nối, mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các TP có kinh nghiệm, quốc gia uy tín trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Qua đó, khẳng định Việt Nam, Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, có năng lực tổ chức sự kiện quy mô lớn, chất lượng, xây dựng các sự kiện, sản phẩm văn hóa đặc sắc, làm nên thương hiệu của Thủ đô và Việt Nam trên trường quốc tế.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-an-van-hoa-qua-lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-lan-thu-vii.html