Dấu ấn về công tác cải cách hành chính - Bài 2: Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ
Trong các chỉ số CCHC của tỉnh có 2 lĩnh vực được Trung ương đánh giá cao nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có điểm cao nhất là: Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố) và xây dựng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (đứng thứ 3/63 tỉnh thành phố). Kết quả trên là minh chứng rõ nét thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đủ sức cạnh tranh trong thời gian tới.
Bài 1: Quyết liệt trong công tác lãnh đạo, điều hành
Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền ban hành kế hoạch thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn Đảng bộ. UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối và thực hiện chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, không để chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn không vượt quá số lượng phòng, ban, chi cục. Đồng thời tỉnh tiến hành thí điểm hợp nhất các cơ quan tương đồng về chức năng nhiệm vụ.
Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành đã thể hiện quyết tâm cao với cách làm khoa học, đồng bộ, công khai, dân chủ, thận trọng, không cầu toàn, nóng vội. Các cơ quan, đơn vị đã bám sát phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, lấy quyền và lợi ích của cán bộ, đảng viên làm cơ sở, không ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cơ quan đơn vị. Tỉnh đã có nhiều sáng kiến trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính được triển khai áp dụng như quy định đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng danh mục vị trí, việc làm. Những nhiệm vụ mà cơ quan nhà nước không cần thiết phải trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả thì chuyển sang các tổ chức ngoài nhà nước đảm nhận. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và tinh giản biên chế gắn với đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước, phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả góp phần giữ vững sự ổn định phát triển.
Kết quả hiện nay, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện không vượt quá số lượng các phòng, ban, chi cục theo quy định. Tỉnh đã tiến hành hợp nhất các tổ chức tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khối Đảng và các cơ quan khối Nhà nước như: Phòng Nội vụ với Ban Tổ chức các huyện, hợp nhất văn phòng HĐND với UBND, Thanh tra với Ủy ban kiểm tra. Tính đến tháng 5/2019 toàn tỉnh còn 605 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 11 đơn vị sự nghiệp công lập so với trước khi thực hiện Nghị quyết 19. Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh thành lập thấp hơn so với quy định của Trung ương 59 đơn vị sự nghiệp, 53 đầu mối bên trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp.
Thực hiện Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 -2021, toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm 234 điểm trường, tiết kiệm 183 giáo viên. Trong thực hiện Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến đến năm 2021 sẽ giảm 3 đơn vị. Trong sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố, toàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập 689 thôn, tổ dân phố chưa đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định để thành lập 332 thôn, tổ dân phố mới, giảm 357 thôn, tổ dân phố; giảm 1.785 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện toàn tỉnh có 66 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ về tài chính, trong đó có 11 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 31 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; còn lại 21 đơn vị do nhà nước chi thường xuyên.
Công tác quản lý, sử dụng biên chế được thực hiện theo đúng quy định hiện hành, gắn chặt chẽ với thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Trung ương, của tỉnh. UBND tinh đã ban hành kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021. Thực hiện nghiêm túc chủ trương tuyển dụng mới không quá 50% biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch biên chế trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt và quyết định giao biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh hàng năm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã giao, tiết kiệm được 3.499 biên chế so với quy định của Trung ương.
Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng cao
Để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CCVC), tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đánh giá, phân loại cán bộ, CCVC. Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức đánh giá, phân loại cán bộ, CCVC theo quy định. Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh bằng phương pháp chấm điểm, đảm bảo đánh giá cán bộ, CCVC công tâm, công khai, minh bạch đúng quy trình, thủ tục, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo đánh giá. Công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý, công tác quy hoạch được thực hiện đúng quy định và có hiệu quả. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện để làm căn cứ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nghiêm túc quy định về số lượng và quy trình bổ nhiệm cấp phó.
Việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc chỉ tuyển dụng, tiếp nhận 50% số lượng tinh giản biên chế, nghỉ hưu đúng tuổi và thôi việc theo quy định. Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức, đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, áp dụng phần mềm thi trực tuyến trên máy tính đối với các môn thi điều kiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng đã góp phần thực hiện tốt nguyên tắc trong tuyển dụng và nâng cao hiệu quả, chất lượng của tuyển dụng.
Về quản lý vị trí việc làm, UBND tỉnh đã phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực theo vị trí việc làm của các cơ quan hành chính cấp tỉnh gắn với dự kiến biên chế đến năm 2021 giảm 10% so với năm 2015. Đây là cách làm sáng tạo của tỉnh trong việc triển khai chỉ đạo của Trung ương, vừa thực hiện phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vừa đảm bảo thực hiện công tác tinh giản biên chế theo lộ trình, đồng thời là căn cứ để thực hiện tốt công tác tuyển dụng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CCVC luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên chiếm 90%, tỷ lệ viên chức có trình độ đại học trở lên chiếm 65,23%. 100% cán bộ cấp xã đạt chuẩn, trong đó, trình độ trung cấp trở lên đạt 98,5%, trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 61,3%. Kết quả công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, CCVC đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.