Dấu ấn: Việt Nam là nước thứ 20 trên thế giới ghép ruột thành công

Liên tiếp trong 2 ngày, 27, 28/10, BV Quân Y 103 (thuộc Học viện Quân Y) đã thực hiện thành công 2 ca ghép ruột từ người cho sống. Thành công này đánh dấu Việt Nam là nước thứ 20 ghép ruột thành công trên thế giới. Ruột là tạng cuối cùng sau các tạng khác được thế giới ghép thành công và tại Việt Nam cũng như vậy. Ghép ruột khác hoàn toàn với nối ruột. Trong cơ thể con người khi ruột là 1 trong 6 tạng (tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột) nếu bị suy mà không ghép, người bệnh sẽ tử vong.

Video: E kíp các bác sĩ BV Quân Y 103 - Học viện Quân Y thực hiện kỹ thuật lấy ruột từ người cho sống. (clip do BV cung cấp)

Hai ca ghép ruột là hoạt động thuộc vào đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống.” của Học viện Quân Y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện từ tháng 12/2019, Chủ nhiệm đề tài là GS.TS. Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân Y.

GS.TS. Đỗ Quyết cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ, Học viện Quân Y đã tích cực triển khai nghiên cứu, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) đồng thời Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột.

Ca ghép thứ nhất (ngày 27/10/2020)

BN Lò Văn Tin 26 tuổi, dân tộc Thái bị hội chứng ruột ngắn tuyp 3 do đã cắt bỏ gần như hoàn toàn phần ruột non trước đó, phần ruột non còn lại chỉ dài gần 20 cm. BN Tin phụ thuộc nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và các nguy cơ biến chứng liên quan tới nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, xuất hiện bệnh gan do suy chức năng ruột. Nếu không ghép ruột sớm, sẽ suy gan, phải ghép đồng thời cả gan và ruột.

Ngày 27/10/2020, các bác sĩ BV Quân Y 103 (Học viện Quân Y) đã phối hợp với GS Motoshi Wada (Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản) thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. Người hiến ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. là mẹ đẻ của bệnh nhân 47 tuổi. Ca mổ kéo dài 12 tiếng.

Ca ghép thứ 2 (ngày 28/10/2020)

BN Nguyễn Văn Dũng (42 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội, hiện đang sinh sống tại Tp. HCM) đã từng phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. BN Tin đã phải phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non còn khoảng 80 cm). 5/2020, vào BV 103 – Học Viên Quân Y điều trị trong tình trạng suy kiệt nặng, cơ thể chỉ còn 36,8 kg, thường xuyên nôn.

Sự khác biệt của ca ghép này do phần ruột hỏng, mất chức năng phải cắt bỏ. Động mạch của ruột ghép được nối với động mạch mạc treo tràng trên (động mạch nuôi ruột cũ) và tĩnh mạch ruột ghép với tĩnh mạch ruột cũ. Ruột ghép được nối với ống tiêu hóa của người nhận. Ngày 28/10/2020, ê kíp tiếp tục đã thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi). Ca ghép 14 tiếng.

Sau mổ, cả hai người hiến ruột đều ổn định. Hiện nay 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.

Theo GS. Ts. Đỗ Quyết, trong cơ thể con người có 6 tạng (tim, gan, phổi, thận, tuy, ruột) nếu trong trường hợp bị suy tạng, không ghép tạng, người bệnh sẽ tử vong bởi không có bộ phận nào thay thế được chức năng của các tạng này. Nói về kỹ thuật ghép có 2 khái niệm gồm ghép tạng, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Ghép tạng để cứu sống người bệnh còn ghép mô và bộ phận cơ thể người (ghép giác mạc, ghép chi, ghép tử cung, ghép buồng trứng...) để nâng cao chất lượng cuộc sống, nếu không ghép, người bệnh vẫn sống nhưng chất lược cuộc sống không được như mong muốn.

Ghép ruột khác hoàn toàn với nối ruột. Khi ruột đã suy giảm chức năng, không thể đảm bảo chức năng nuôi dưỡng cơ thể và bệnh nhân chỉ còn nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch sẽ dẫn tới gặp nhiều biến chứng: tổn thương gan, suy kiệt, tử vong.

Việt Nam là nước thứ 20 trên Thế giới ghép ruột thành công

GS. Ts. Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, ghép ruột là kỹ thuật khó. Trên thế giới hiện nay có 19 nước ghép ruột thành công. Việt Nam là nước thứ 20 trong danh sách các nước trên Thế giới ghép ruột thành công. Đây là tin vui cho rất nhiều những bệnh nhân đang có nhu cầu được ghép ruột.

Theo GS. Ts. Phạm Gia Khánh, lịch sử ghép tạng của Việt Nam có sự trùng hợp với lịch sử ghép tạng Thế giới. Thế giới ghép ruột thành công cuối cùng sau ghép tạng khác và Việt Nam cũng ghép ruột thành công cuối cùng sau 28 năm ghép thận thành công.

Trên Thế giới, ghép tạng đầu tiên là ghép thận vào năm 1954. Còn các tạng khác ghép vào giữa những năm 1960 (ghép tim, gan, phổi). Tuy nhiên, ghép phổi và ghép ruột không thành công. 20 năm sau, ghép phổi và ghép ruột mới thành công. Ghép phổi thành công vào năm 1983. Ghép ruột thành công vào năm 1988. Còn ở Việt Nam, ghép thận năm 1992, sau đó các năm sau ghép gan, tụy, phổi.

Phần ruột của người hiến được cấy ghép cho bệnh nhân

Phần ruột của người hiến được cấy ghép cho bệnh nhân

Giải thích lý do tại sao trên Thế giới cũng như ở Việt Nam, ruột là tạng cuối cùng được ghép thành công trong kỹ thuật ghép tạng,GS. Ts. Phạm Gia Khánhcho biết: Ruột cónguy cơ nhiễm trùng rất cao sau ghép do đường tiêu hóa là đường mở, tiếp nhận nhiều thức ăn trong đó có cả vi khuẩn. Mặt khác, khối lượng ruột được ghép rất lớn (hơn 1m) nên sau ghép phải sử dụng một lượng thuốc ức chế miễn dịch lớn.

GS. Ts. Phạm Gia Khánh đánh giá, hiện nay, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã theo kịp được trình độ ghép tạng của Thế giới. Học Viện Quân Y luôn là đơn vị đi đầu trong công tác ghép tạng. Từ năm 1992, Học Viện Quân Y lần đầu tiên ghi danh vào bản đồ “ghép tạng của Thế giới” bằng thành công của ca ghép thận đầu tiên. Sau, đó năm 2004, Học viện Quân Y tiến hành thành công ca ghép gan đầu tiên. 2010, thực hiện thành công ghép tim. 2014, thành công ghép tụy thận. 2017, ghép phổi thành công. Hiện tại, ruột là cơ quan tạng thứ 6 được Học viện Quân Y ghép thành công.

Bệnh viện Quân Y làm chủ kỹ thuật ghép ruột

Theo GS. Ts. Đỗ Quyết, tại Việt Nam, hiện số lượng bệnh nhân có chỉ định ghép ruột không phải ít. Chỉ trong vòng 2 tháng vừa qua, BV 103 nhận được 2 bệnh nhân vừa tiến hành ca ghép như ở trên. Sắp tới dự tính sẽ thực hiện ghép ruột cho bệnh nhân tắc ruột, viêm phúc mạc. Bệnh nhân đã bị cắt và chỉ còn 20 phân ruột. Hiện tại, bệnh nhân đang nằm điều trị tại BV Quân Y 103.

GS. Ts. Đỗ Quyết cho biết, đối tượng phải ghép ruột là các bệnh nhi, và người lớn. Từ nhiều năm nay, Học viện Quân Y đã làm việc với BV Nhi Trung ương về vấn đề ghép ruột để lựa chọn người ghép. Tại BV Nhi Trung ương có rất nhiều trẻ sơ sinh mắc các dị tật đường tiêu hóa như: teo ruột bẩm sinh, bệnh nhi sau mổ ruột thừa bị dính, bị viêm phúc mạc phải mổ lại, cắt đi phần ruột lớn... trở thành những bệnh nhân có hội chứng ruột ngắn. BV Nhi Trung ương đã thành lập trung tâm chăm sóc các bệnh nhân có “hội chứng ruột ngắn”. Với người lớn có chỉ định ghép ruột gồm những người bị tai nạn, mất đoạn ruột lớn, xoắn vặn, thoát vị ruột, bị khối u chèn ép...

GS Nhật Bản Motoshi Wada đánh giá các bác sĩ BV Quân Y 103 hoàn toàn có khả năng thực hiện kỹ thuật ghép ruột độc lập trong những lần tới đây

Theo GS Nhật Bản Motoshi Wada, e kíp phẫu thuật của Học viện Quân Y có năng lực rất cao đã kết hợp tốt với chuyên gia trong quá trình theo dõi. Trong ghép ruột, có 2 phần việc cần làm: Đối với kỹ thuật lấy tạng từ người hiến đòi hỏi bác sĩ phải cắt, gỡ dính ruột, có chiến lược tính toán trong đường phẫu thuật, cắt phần phần ruột nào? Đối với công tác ghép tạng, điều quan trọng nhất là cần có kỹ thuật nối mạch máu tốt.

Các bác sĩ Học viện Quân Y đều làm rất tốt hai kỹ thuật này. GS người Motoshi Wada mong muốn mời Ts. Thắng và PGS Sơn là 2 bác sĩ của BV Quân Y 103 vào e kíp ghép tạng của e kip của mình trong thời gian tới đây. “Tôi đánh giá, các bác sĩ BV Quân Y 103 hoàn toàn có khả năng thực hiện kỹ thuật ghép ruột độc lập trong những lần tới đây” - GS Motoshi Wada bày tỏ.

Gs Đỗ Quyết cũng khẳng định, bệnh viện Quân Y 103 đã làm chủ được kỹ thuật và sẽ triển khai độc lập ghép ruột trong thời gian tới.

80% bệnh nhân sau ghép ruột sống trên 5 năm

Gs Motoshi Wada đánh giá: “Qua quá trình theo dõi sau phẫu thuật, hai bệnh được ghép ruột có triển năng được hồi phục hoàn toàn, cải thiện chất lượng cuộc sống”.

GS Motoshi Wada cho biết, sau ghép ruột, chất lượng cuộc sống của người được ghép ruột tốt hơn bởi họ tự ăn uống được, nếu không ghép ruột, bệnh nhân chỉ được nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch. Khoảng 30 tới 50% bệnh nhân sau một thời gian ngắn truyền dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch sẽ có bệnh lý khác kèm theo: tổn thương gan, phải ghép cả ruột và gan...

Với người ghép ruột, nguy cơ nhiễm khuẩn, phản ứng thải ghép rất cao. Các bệnh nhân đã được ghép ruột của Nhật Bản sống 5 năm sau ghép chiếm khoảng 80%, tỷ lệ sống từ 10 năm trở lên khoảng 60%. Tuy nhiên, với sự phát triển của thuốc ức chế miễn dịch, tỷ lệ sống sau ghép ruột đang ngày càng tăng lên.

Về phía sức khỏe của người cho ruột, chỉ sau khi phẫu thuật hiến ruột 1 tháng, sức khỏe sẽ trở lại bình thường, không phải dùng thuốc bất cứ loại thuốc nào. Ruột của con người thường có chiều dài từ 5m, thậm chí 9m. Người hiến sẽ còn lại phần ruột non ngay cạnh phần ruột già nên vẫn đảm bảo việc hấp thụ dinh dưỡng cho cơ thể. Ghép ruột có 2 nguồn hiến: nguồn hiến từ người cho sống và người chết não.

Một số hình ảnh, video ca ghép ruột của e kip các bác sĩ BV Quân Y 103 - Học Viện Quân Y

Video: Đội ngũ các bác sĩ gồm hơn 100 thầy thuốc tham gia ca ghép ruột

Bệnh nhân ghép ruột được theo dõi tích cực sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân ghép ruột được theo dõi tích cực sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Thanh Loan - Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-an-viet-nam-la-nuoc-thu-20-tren-the-gioi-ghep-ruot-thanh-cong-n182256.html