Dấu ấn Việt Nam trong ASEAN
Hai mươi lăm năm qua đã chứng kiến sự thay đổi và chuyển biến hết sức mạnh mẽ của cả ASEAN và Việt Nam
Ngày 28-7-2020 đánh dấu 1/4 thế kỷ Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đặc biệt năm nay, lễ kỷ niệm sự kiện đáng nhớ này trùng với thời điểm Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên lần thứ hai của hiệp hội.
Hình mẫu thành công
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 là một trong những mốc quan trọng nhất trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như trong quá trình phát triển của ASEAN. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng, đưa khu vực Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang tin cậy, từ chia rẽ sang đoàn kết. Với Việt Nam, trong nhiệm vụ thuở ban đầu đưa đất nước phá thế bao vây, cô lập, ASEAN được xem là "đột phá khẩu" đầu tiên trong hội nhập.
Hai mươi lăm năm qua đã chứng kiến sự thay đổi và chuyển biến hết sức mạnh mẽ của cả ASEAN và Việt Nam. ASEAN, từ một tổ chức được lập ra trong nghi kỵ, đối đầu ở khu vực, đã trở thành một tổ chức khu vực thành công năng động và sáng tạo với tiềm năng kinh tế đứng thứ 5 thế giới. Năm 2019, ASEAN đã là mái nhà chung của khoảng 650 triệu người dân, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.200 tỉ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.800 tỉ USD. Đặc biệt, Cộng đồng ASEAN hình thành ngày 31-12-2015 đã đưa ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. ASEAN ngày nay được coi là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được nhiều quốc gia, được tất cả các nước lớn coi trọng.
"Trên thực tế, vai trò trung tâm của ASEAN đã được khẳng định thông qua việc ASEAN thúc đẩy sự ra đời và dẫn dắt Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM Plus), đóng góp ngày càng quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực. Tiêu biểu là việc ASEAN đã bày tỏ lập trường kiên định trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông và khu vực, như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 và đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đang được kỳ vọng sớm hoàn tất, cùng nhiều tiến triển quan trọng khác" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Từ những bước ban đầu còn chập chững, Việt Nam nay đã là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm; qua đó, góp phần thúc đẩy vị thế của ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Tích cực tham gia và đóng góp
Trong 25 năm qua, Việt Nam từng bước khẳng định là một phần không thể tách rời của ASEAN và khu vực Đông Nam Á, gắn sự phát triển của đất nước với ASEAN và mong muốn gánh vác công việc chung của ASEAN.
Ngay sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy để các nước ở Đông Nam Á còn lại (Lào, Myanmar và Campuchia) gia nhập ASEAN, qua đó giấc mơ về một ASEAN gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á đã trở thành hiện thực.
Việt Nam đã đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc triển khai thực hiện các quyết định chung của ASEAN. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (tháng 12-1998); tiếp đó, đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là "Gắn kết và chủ động thích ứng" nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Trong 7 tháng qua, những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Cùng với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ASEAN đã bảo đảm triển khai hiệu quả các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020, vượt lên các khó khăn, thách thức, bước đầu kiểm soát đại dịch Covid-19, đồng thời sớm tiến hành khắc phục hậu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển.
"Cái cách mà ASEAN vượt qua những sóng gió bất ngờ và không có tiền lệ mà đại dịch Covid-19 gây ra minh chứng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, kiên định và không khuất phục trước nghịch cảnh. Hơn bao giờ hết, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy cộng đồng và hành động cộng đồng. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "Các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả cộng đồng ASEAN" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dau-an-viet-nam-trong-asean-2020072720111865.htm