Dấu ấn Việt Nam trong ASEAN trong năm 2021

'Có thể khẳng định, nỗ lực của Việt Nam vẫn được các nước thành viên trong ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN tôn trọng và đánh giá tốt', Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam nhấn mạnh khi nói về dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN trong năm qua, tiếp nối những thành công của năm ASEAN 2020.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam.

Những nỗ lực đáng kể

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, năm 2020, COVID-19 bùng nổ, gây ra nhiều xáo trộn và thách thức rất lớn đối với khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam vẫn “chèo lái con thuyền” ASEAN vững vàng, duy trì được các hoạt động của ASEAN thông qua hình thức trực tuyến và thúc đẩy bình thường tiến trình xây dựng cộng đồng. Nền tảng của năm ASEAN 2020 đã tạo tiền đề cho nhiều hoạt động của ASEAN trong 2021.

Bước sang năm 2021, những kết quả của năm ASEAN 2020 được duy trì, những sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong năm làm Chủ tịch liên quan đến cộng đồng cũng như phòng, chống đại dịch COVID-19 tiếp tục được đẩy lên và triển khai.

“Như đã đề cập, có những sáng kiến đưa ra từ năm 2020 như Xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, đánh giá triển khai Hiến chương, Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 đều ghi nhận những tiến triển đáng chú ý”, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Ngoài ra, một nội dung khác cũng được Việt Nam đưa vào trao đổi trong ASEAN là việc thúc đẩy phát triển tiểu vùng trong khu vực. Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Cấp cao ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì Phát triển bền vững và Tăng trưởng bao trùm cuối tháng 11/2021, góp phần vào những nỗ lực của ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển, làm vững chắc hơn vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực.

Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN tham gia hỗ trợ tìm giải pháp, kêu gọi kiềm chế, đối thoại và hòa giải; nêu những sáng kiến và đóng góp vào việc hình thành Đồng thuận năm điểm của ASEAN về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, xác định đặc phái viên của ASEAN nhằm đưa tình hình trở lại bình thường vì lợi ích của nhân dân Myanmar cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Việt Nam cũng phối hợp lập trường với các nước ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng để đảm bảo giữ vững lập trường độc lập của ASEAN, phát huy vai trò và các quan điểm của ASEAN trước các xu thế mới trong khu vực.

“Có thể khẳng định, nỗ lực của Việt Nam vẫn được các nước thành viên trong ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN tôn trọng và đánh giá tốt”, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ.

Việt Nam chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN

Nói về những giá trị cốt lõi, “chìa khóa” thành công để ASEAN vững tin vượt qua những khó khăn hiện tại và tương lai, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, ASEAN ra đời và lớn mạnh trong mấy chục năm qua chính là bởi giá trị của cộng đồng ASEAN.

“Có nhiều việc, nếu đứng riêng rẽ, các nước ASEAN không thể làm được mà chỉ có thể gắn kết với nhau mới có thể hiện thực hóa. Gắn kết với nhau trong cộng đồng, các nước mới có được vị thế và tiếng nói quan trọng, hiệu quả, mới đóng góp vào tạo dựng hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đây chính là giá trị của ASEAN và lợi ích của các nước khi là thành viên của Hiệp hội”, ông nói.

Theo ông Dũng, để xây dựng được một cộng đồng ASEAN vững mạnh, yếu tố cần thiết nhất chính là đoàn kết, nhất trí và tôn trọng những nguyên tắc của ASEAN như nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Những nguyên tắc này cũng chính là nền tảng để các nước ASEAN đoàn kết, thống nhất lập trường với nhau.

Bên cạnh đó, vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế và khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt cũng là một giá trị rất quan trọng của Hiệp hội. Các cơ chế và khuôn khổ này có ý nghĩa không chỉ đối với ASEAN mà với cả khu vực và thế giới, vì vậy, thu hút được sự tham gia của nhiều đối tác, trong đó có cả các nước lớn. Các nước đều tôn trọng các cơ chế, khuôn khổ của ASEAN, tức là tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.

“Khi những giá trị này được nhân lên sẽ đảm bảo cho tương lai của Hiệp hội”, Thứ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.

Để vượt qua những khó khăn hiện tại và tương lai, ASEAN sẽ phải cố gắng để giữ vững được sự độc lập, tự chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế; gắn sự phát triển của mình phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0; xử lý tốt các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề toàn cầu. Có những giá trị ASEAN đã có, có những giá trị đang có và cần phải tiếp tục gìn giữ, củng cố và phát huy.

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam có trách nhiệm gìn giữ, phát huy và nhân lên những giá trị của Hiệp hội; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội, hướng tới môi trường khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng lâu dài cho nhân dân các nước.

Tường Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dau-an-viet-nam-trong-asean-trong-nam-2021-post432754.html