Dấu ấn y tế Việt Nam qua những ca đại phẫu - Bài 4: Chinh phục những đỉnh cao

Phẫu thuật thần kinh, sọ não là kỹ thuật vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối với đội ngũ y, bác sĩ (BS) có chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại. Bằng sự học hỏi từ các quốc gia có nền y học phát triển, 2 câu chuyện mà chúng tôi kể dưới đây phần nào khắc họa chân dung những y, BS Việt Nam có tay nghề và không ngừng học hỏi, chinh phục những đỉnh cao.

Mổ não thức tỉnh

Cho tới thời điểm này, không chỉ có Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mà một số bệnh viện lớn khác trong nước cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật thức tỉnh, nghĩa là bệnh nhân vừa được phẫu thuật vừa có thể trao đổi, trò chuyện với BS.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cùng ê kíp thực hiện phẫu thuật thần kinh cho bệnh nhân bằng hệ thống robot

PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, vẫn nhớ như in ca mổ não thức tỉnh đầu tiên do các BS bệnh viện thực hiện cho một bệnh nhân bị u não vào năm 2018. Đó là ngày 22-3-2018, các BS Trung tâm Phẫu thuật thần kinh đã thực hiện thành công ca mổ não thức tỉnh cho bệnh nhân Cao Quang Cảnh (56 tuổi, ở Đồng Hới, Quảng Bình). Trước khi được phẫu thuật, bệnh nhân Cảnh thường có cảm giác tê bì ở tay trái, khó vận động và hầu như không cầm nắm được đồ vật. Thỉnh thoảng bệnh nhân đi hay bị lảo đảo. Sau đó bệnh nhân đi khám, các BS đã phát hiện bệnh nhân có khối u ở não kích thước 2,3 x 3,6cm cần phải được phẫu thuật sớm.

Theo BS Đồng Văn Hệ, để điều trị u não, phẫu thuật là phương pháp thường được sử dụng. Các BS phẫu thuật thần kinh sẽ sử dụng các trang thiết bị y tế hiện đại để mở hộp sọ người bệnh, tìm và cắt bỏ khối u, đặc biệt trong suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê hoàn toàn. Tuy nhiên, với trường hợp này lại không thực hiện theo cách phẫu thuật truyền thống. Sau khi học hỏi kinh nghiệm chuyên môn từ các đồng nghiệp Nhật Bản, BS Đồng Văn Hệ cùng ê kíp đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật u não thức tỉnh cho bệnh nhân Cao Văn Cảnh. Đây cũng là ca phẫu thuật thần kinh bằng phương pháp thức tỉnh đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam và do các BS trong nước.

Ca phẫu thuật diễn ra trong hơn 6 giờ, trong đó bệnh nhân thức tỉnh 1 giờ. Trong khi các BS phẫu thuật, bệnh nhân Cảnh hoàn toàn tỉnh táo, vẫn nói chuyện và hát… để các BS nhận biết được các dây thần kinh, tránh cắt phải dây thần kinh ngôn ngữ hay vận động. Sau đó, các BS đã tiến hành cắt toàn bộ khối u trong não của bệnh nhân. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, các chức năng vận động của bệnh nhân hồi phục như người bình thường.

BS Đồng Văn Hệ cho biết: “Đây là phương pháp mổ mới, cần bệnh nhân phải can đảm. Bởi bệnh nhân vẫn tỉnh, nghe được tiếng máy khoan sọ, tiếng cắt ghép của các dụng cụ kỹ thuật thực hiện ngay trên đầu mình, nếu bệnh nhân hoảng hốt, khó chịu, sợ hãi thì ca phẫu thuật không thể thành công. Nhưng nếu vượt qua được sự sợ hãi này, sẽ rất hiệu quả cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật”.

Trước năm 2018, trên thế giới, phẫu thuật thức tỉnh đã được áp dụng phổ biến ở các nước có nền y học phát triển, nhưng tại Việt Nam, phương pháp này vẫn chưa một cơ sở nào thực hiện. Thực tế, phẫu thuật thức tỉnh đem lại nhiều lợi ích, hiệu quả cho người bệnh trong quá trình điều trị các căn bệnh nguy hiểm, phức tạp. Bệnh viện Việt Đức đã quyết định hiện thực hóa việc đưa kỹ thuật này về Việt Nam, bằng cách cử nhiều BS ra nước ngoài học tập chuyên môn, kỹ thuật. Tới đầu năm 2018, các chuyên gia của Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức đã liên hệ với các chuyên gia của Nhật để xem xét điều kiện chuyển giao kỹ thuật, qua đó làm tốt công tác chuẩn bị, tập huấn, tìm bệnh nhân thích hợp. Đến ngày 28-1, ca phẫu thuật thức tỉnh đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức do các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp mổ thị phạm và chuyển giao kỹ thuật mổ thức tỉnh cho các bác sĩ của bệnh viện. Bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được phẫu thuật bằng phương pháp này là một nam doanh nhân 36 tuổi ở Hà Nội mắc u tế bào thần kinh đệm. “Đặc biệt trong quá trình mổ, bệnh nhân này còn hát Quốc ca với tâm trạng hết sức thoải mái”, BS Đồng Văn Hệ chia sẻ.

Dùng robot phẫu thuật thần kinh

Ngày 15-2-2019, đơn vị Thần kinh của Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) đã tạo dấu ấn trong ngành y khi lần đầu tiên triển khai thành công “Phẫu thuật Robot Modus V Synaptive” cho trường hợp bệnh nhân u não chỉ trong vòng 90 phút. Đây cũng là trường hợp đầu tiên được thực hiện thành công tại châu Á. Phẫu thuật viên chính là ThS-BS CK2 Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115. Đây là đơn vị đầu tiên ở châu Á triển khai hệ thống robot trong phẫu thuật thần kinh, sọ não.

Năm 2016, tình cờ đọc một tạp chí về khoa học, trong bài viết, có dự đoán những công nghệ bùng nổ trong năm 2017, trong đó sẽ là trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ GEN (công nghệ sinh học), BS Chu Tấn Sĩ bắt đầu tìm tòi những sản phẩm liên quan đến AI, đặc biệt là trong phẫu thuật thần kinh. “Cuối năm 2016, tôi tìm được nơi triển khai robot này đầu tiên trên thế giới, đó là Milwaukee (Mỹ). Thời điểm đó rất ít thông tin liên quan đến robot này. Cuối năm 2017, tôi tìm được một cơ hội xin qua đó tiếp cận và hy vọng mang được robot về Việt Nam trong thời gian sớm nhất”, BS Chu Tấn Sĩ cho hay.

“Khi qua đến nơi, tôi mới hình dung được là người ta đã triển khai phẫu thuật robot ở hầu hết các trường hợp mổ não tại Bệnh viện Aurora Milwaukee (Mỹ), đặc biệt là mổ trong trạng thái tỉnh. Khi được tiếp cận, chúng tôi thật sự không thể tả cảm xúc lúc đó, bởi dù đã đi nhiều nơi nhưng đến ngày hôm nay khi thấy những gì người ta làm vượt sự tưởng tượng của bản thân”, BS Chu Tấn Sĩ cho hay. Y khoa là một nghệ thuật mà mổ tỉnh còn là nghệ thuật cao cấp hơn, các thành viên phải thật thuần thục, trong quá trình có sự tương tác giữa thầy thuốc với người bệnh, giữa thầy thuốc với thầy thuốc… “Có thể nói mổ tỉnh là một đỉnh cao của phẫu thuật thần kinh hiện nay. Việc quyết định đi học khiến chúng tôi nhận ra rằng phải tiếp cận những công nghệ mới để đưa về Việt Nam triển khai sớm nhất có thể, hy vọng có thể nâng cao thêm trình độ phẫu thuật về ngoại thần kinh ở nước mình”, BS Tấn Sĩ nói thêm.

Theo BS Chu Tấn Sĩ, mổ não thức tỉnh bằng kỹ thuật robot có những chỉ định riêng. Nếu mổ những vùng chức năng như ngôn ngữ, vận động, lúc đó rất cần sự tương tác của người bệnh. Khi thực hiện những vùng này, BS yêu cầu người bệnh nói chuyện, lúc đó mới đánh giá được đã tiếp xúc với trung tâm ngôn ngữ chưa; yêu cầu người bệnh vận động mới đánh giá được đã tiếp xúc với trung tâm vận động của người bệnh chưa. Không thể lấy một điểm chung trên tổng lý thuyết để áp cho mọi người. Nếu áp chung như vậy vô tình làm tổn thương trung tâm đó. Nếu đã tổn thương thì di chứng thần kinh chắc chắn sẽ để lại. Như vậy chất lượng cuộc sống của người bệnh sau mổ không đảm bảo những chức năng đó. Khi mổ tỉnh, đòi hỏi cả một ê kíp phải thông hiểu nhau, gần như trao đổi với nhau chỉ bằng ánh mắt. Bởi người bệnh đang tỉnh, nếu trao đổi điều gì đó, người bệnh sẽ nghe được có thể dao động tinh thần. Do đó, ê kíp mổ phải phối hợp nhuần nhuyễn, kỹ thuật gần như thuộc lòng và hiểu ý nhau, người phụ mổ chỉ cần nhìn vào ánh mắt của BS mổ chính đã hiểu cần làm gì. Cả một ê kíp phải vận động đồng thời và gắn bó. Đến nay, Bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai thành công 32 trường hợp phẫu thuật bằng robot. Cả 32 ca đều cho kết quả sau mổ tốt, trong đó có 4 ca mổ tỉnh. BS Chu Tấn Sĩ cũng đã và đang dìu dắt các sinh viên y khoa tiếp bước. Ông cho biết, đã sẵn sàng gửi các nhóm đi học về robot tại Milwaukee.

Có thể nói, việc thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật u não thức tỉnh cũng như dùng robot phẫu thuật thần kinh, đã khẳng định khả năng chuyên môn, đồng thời hứa hẹn tiềm năng chinh phục nhiều kỹ thuật đỉnh cao về y học khác trên thế giới của các BS Việt Nam.

Ngày 28-5-2020, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 kỷ lục châu Á cho Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) về các thành tựu đạt được trong phát triển chuyên môn, kỹ thuật y tế. Ba kỷ lục châu Á được xác lập có 2 kỷ lục tập thể, gồm bệnh viện đầu tiên của Việt Nam phẫu thuật u não bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive; bệnh viện đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội Đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ. Kỷ lục cá nhân được trao cho BS Chu Tấn Sĩ, người đầu tiên phẫu thuật u não bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive, dưới sự hỗ trợ của GS Amin Kassam, Phó Chủ tịch Viện Phát triển thần kinh Aurora (Mỹ). Kỷ lục này được đánh giá mở ra một bước tiến mới trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh.

Bài 5: Kỳ tích ghép tạng, ghép chi

THÀNH SƠN - NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dau-an-y-te-viet-nam-qua-nhung-ca-dai-phau-chinh-phuc-nhung-dinh-cao-693166.html