'Dầu bôi trơn' cho thực hành ESG trong doanh nghiệp
Người lao động thực hành ESG căn cứ vào cam kết của lãnh đạo và các giải pháp phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nhắc đến phát triển bền vững, doanh nghiệp thường tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường như giảm rác thải, tiết kiệm năng lượng, chống biến đổi khí hậu hay bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, đối chiếu với khung ESG, yếu tố môi trường (E) chỉ là một trong “chiếc kiềng ba chân” đối với phát triển bền vững trong doanh nghiệp, bên cạnh yếu tố xã hội (S) và quản trị (G).
"Xã hội và quản trị công ty là hai yếu tố không thể bỏ qua đối với phát triển bền vững doanh nghiệp", ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2024 tổ chức ngày 10/9.
S và G trong thực hành phát triển bền vững
Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã lập tiểu ban ESG trực thuộc hội đồng quản trị mà theo trưởng ban Trần Phương Ngọc Thảo, đây là quyết định nhằm nâng cấp thực hành phát triển bền vững theo chuẩn ESG thông qua việc thiết lập ESG như một khung quản trị doanh nghiệp mang tính hoàn chỉnh.
Qua đó, PNJ kiểm soát được các chỉ số, rủi ro, tiến hành phân tích và tích hợp các giải pháp bền vững vào hoạt động.
Nestlé Việt Nam cũng đưa ESG vào khung quản trị thông qua một bộ máy bài bản, từ lãnh đạo chuyên trách, ủy ban ESG cho đến những nhân sự, đội nhóm có nhiệm vụ chuyên biệt.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các giải pháp thực hành ESG đôi lúc gặp phải không ít khó khăn, do sự hiểu biết, nhận thức về phát triển bền vững chưa đồng đều của các nhân sự, phòng ban trong công ty.
“Doanh nghiệp có nhiều nhóm nhân viên, có sự hiểu biết và nhận thức về phát triển bền vững không giống nhau”, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại, truyền thông và phát triển bền vững Nestlé Việt Nam, cho biết.
Giải quyết thực trạng này, Nestlé Việt Nam đã xây dựng một lực lượng đặc biệt là các “đại sứ xanh”, tập hợp những nhân sự trẻ có ưu điểm là sự năng nổ, nhiệt tình, có mối quan tâm nhất định tới các vấn đề quản trị, môi trường và cộng đồng.
Theo ông Hưng, các đại sứ xanh hoạt động như một "chất dầu bôi trơn" cho bộ máy phát triển bền vững của Nestlé Việt Nam, thông qua việc đơn giản hóa những mục tiêu, chiến lược to lớn của công ty thành những câu chuyện đời thường.
Chẳng hạn, thay vì tuyên truyền chống rác thải nhựa hay mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nâng cao sinh kế cho bà con, các đại sứ xanh tuyên truyền, kêu gọi đội ngũ nhân sự Nestlé Việt Nam thực hành những điều đơn giản trong cuộc sống như sử dụng làn đi chợ thay cho túi nylon, thu gom bao bì để tái sử dụng.
Xây dựng nguồn nhân lực cho thực hành ESG cũng là giải pháp Schneider Electronic Việt Nam tiến hành thông qua những khóa đào tạo về kỹ năng công nghệ, số hóa và trung hòa carbon.
“Khoảng 2,5 nghìn nhân viên Schneider Electric Việt Nam được đào tạo mỗi tháng, trong đó có các chương trình mang tính bắt buộc”, ông Poovathungal Itteera Roy, Phó tổng giám đốc ban năng lượng Schneider Electric Việt Nam, cho biết.
Là đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ cho ngành công nghiệp và năng lượng, việc trang bị kiến thức và kỹ năng liên quan đến phát triển bền vững cho nhân sự giúp Schneider Electric Việt Nam đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, từ đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân rộng những giải pháp hữu hiệu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc chiến lược nguồn nhân lực Aeon Việt Nam, cho rằng, con người giữ vai trò tiên quyết trong việc thực hiện sứ mệnh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, đồng thời hưởng lợi từ những chương trình, dự án, giải pháp phát triển bền vững.
Ở chiều ngược lại, tập trung vào các yếu tố con người trong phát triển bền vững cũng đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Như trường hợp của Nestlé Việt Nam, theo ông Hưng, truyền cảm hứng phát triển bền vững giúp gia tăng sự hài lòng của nhân viên đối với công ty.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc thương hiệu ManpowerGroup Việt Nam, doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững là một lợi thế trong công tác nhân sự.
Nghiên cứu của ManpowerGroup chỉ ra, trên 65% người lao động đưa ra quyết định dựa trên yếu tố doanh nghiệp có triển khai các giải pháp phát triển bền vững và 57% quan tâm đến việc lãnh đạo doanh nghiệp có cam kết rõ ràng về phát triển bền vững.
Bà Trang khuyến nghị, song song với việc thực hành một cách bài bản, doanh nghiệp cũng cần phải truyền thông về phát triển bền vững với cả bên ngoài và bên trong để duy trì hình ảnh đẹp cho thương hiệu, qua đó thu hút và giữ chân nhân tài.